Chủ Nhật, 13/06/2010 10:18

Một giờ với tỉ phú Sheldon Adelson

77 tuổi, song tỉ phú Sheldon - Tổng Giám đốc tập đoàn Las Vegas Sands (LVS) - đã phải dựa vào cây nạng hoặc có người dìu mới có thể đi vững bước do căn bệnh.

Thông thường, bờ vai để ông tựa vào là bà Miriam - người vợ gốc Israel đã cùng ông chia sẻ ngọt bùi hơn 20 năm qua. Nhưng khi đã yên vị, đôi mắt sắc sảo của ông như truyền đi một thông điệp ngầm: “Tôi đã ở đây - Tôi luôn sẵn sàng!”.

Tôi có dịp tiếp xúc và trò chuyện với tỉ phú Adelson trong một cuộc gặp báo chí hồi tháng 5 tại Singapore, nơi tập đoàn LVS chuẩn bị khai trương quần thể du lịch Marina Bay Sands (MBS) với vốn đầu tư lên đến 5,5 tỉ USD, cao nhất tại Châu Á và thứ hai trên thế giới. Ấn tượng về ông, với tôi, là một con người có trí tuệ mẫn tiệp và gai góc. Ông thu hút giới truyền thông bởi những câu trả lời sắc sảo, ngắn và trực diện.

“Tôi bắt đầu kiếm sống từ nhỏ. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phải chịu khổ mãi. Khi mới 10 tuổi, tôi đã làm đủ nghề như bán bánh kẹo, bán báo. Tôi không có bằng cấp, nhưng lại có quá nhiều kinh nghiệm thương trường từ chính cuộc sống”, tỉ phú Adelson cho hay khi tôi hỏi về bí quyết làm giàu của ông.

Cha mẹ ông Adelson là người Do Thái. Gia đình mẹ ông ở Ukraina di cư đến Mỹ, còn bố ông từ Litva. Ông Adelson sinh ra vào lớn lên tại Dorchester, khu ngoại ô nghèo ở Boston, Massachusetts. Bố ông lái taxi, còn mẹ quản lý một tiệm bán hàng dệt may nhỏ. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Adelson đã sớm nung nấu nghiệp kinh doanh.

Qua các kinh nghiệm tích luỹ dần từ việc bán báo dạo, Adelson dần lấn qua mảng bất động sản, tư vấn tài chính…- nơi đã góp phần dựng nên cơ nghiệp của tỉ phú này. Ông từng theo học đại học rồi lại… bỏ giữa chừng. Nhưng điều đó không ngăn cản ông vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới vào năm 2006, 2007 và 2008 cho đến khi suy thoái toàn cầu khiến hai phần ba sản nghiệp của ông “bốc hơi”.

Theo tỉ phú Adelson, Châu Á chính là mũi nhọn kinh doanh, chìa khoá nắm giữ sản nghiệp của LVS. Ông ví von “LVS  đã bị Á hoá hay nói đúng hơn hiện là “công ty nước ngoài” kinh doanh ở Las Vegas”. Các sòng bài sang trọng của ông tại Macau, trong đó có Venetian Macau, đang chiếm tới 70% hoạt động thương mại của Las Vegas Sands. Đầu tư đến 5,5 tỉ USD để xây dựng Marina Bay Sands tại Singapore, nhà tỉ phú lạc quan cho rằng sau 5 năm nữa, ông sẽ hoàn vốn và bắt đầu có lời.

Vào thời điểm kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi suy thoái, dường như ông muốn gây ấn tượng để đánh dấu sự quay trở lại của LVS qua việc khánh thành khu du lịch Marina Bay Sands với vốn đầu tư lớn thứ hai thế giới?

- Một câu hỏi thật thú vị. Cá nhân tôi và Tập đoàn LVS muốn đem đến những tiện ích lớn nhất cho bất cứ khách hàng nào đến với quần thể du lịch này Sẽ chẳng ai quan tâm đến khoản đầu tư khổng lồ mà LVS đã bỏ ra cho toà nhà này, nếu như họ không hài lòng với chất lượng phục vụ và những tiện ích mà chúng tôi đem đến.

Tập đoàn của tôi đã tạo dựng tên tuổi với Venetian Las Vegas - vốn được mệnh danh là “thành phố nước” giữa sa mạc Nevada, Venetian Macau tại Châu Á, các chuỗi khách sạn sang trọng Palazzo, Diamond... Tôi nghĩ không cần phải gây ấn tượng thêm cho một thương hiệu đã được khẳng định toàn cầu.

Vào tháng 6, MBS sẽ khai trương toàn bộ khuôn viên, trong đó có Công viên Thiên đường (Sky Park) ở độ cao 200 mét. Đâu là những thị trường tiềm năng mà quần thể du lịch sang trọng này hướng đến, thưa ông?

- Các thị trường khách hàng chủ chốt sẽ là Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Các quốc gia này dự kiến sẽ chiếm khoảng khoảng 40% hoạt động thương mại của MBS. Trong đó lượng khách từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan sẽ chiếm 10% mỗi nước; 8% từ Việt Nam và 6% từ Trung Quốc.

Thật ngạc nhiên vì ông kỳ vọng lượng khách Việt Nam đến với khu du lịch sang trọng MBS lớn hơn cả du khách Trung Quốc?

- Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn, vì vậy lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Singapore tham quan, mua sắm, nghỉ ngơi rất đông. Do đó, không có gì ngạc nhiên về con số này. Còn người Trung Quốc sẽ thích đến Macau hoặc Hồng Kông hơn, nên lượng khách tiềm năng từ quốc gia này sẽ ít hơn.

Tôi được biết LVS đã có các cuộc tiếp xúc ban đầu với chính quyền Việt Nam. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy tập đoàn của ông đang có ý định nhắm Việt Nam như một điểm đến đầu tư?

- Đúng vậy.

Ông có thể nói rõ hơn?

- Sau MBS (Singapore), tập đoàn của tôi sẽ bắt tay vào dự án xây dựng một quần thể du lịch tại Nhật Bản. Tiếp đó, đích nhắm của chúng tôi sẽ là Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc giữa LVS và chính quyền VN mới là khởi thuỷ. Còn quá sớm để nói lên điều gì. Điều quan trọng là tất cả các khu quần thể du lịch của LVS đều có kinh doanh sòng bài. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi tín hiệu tích cực từ Việt Nam, cho phép người dân địa phương được vào sòng bài nếu như LVS xây khu du lịch tại đây.

Cuộc đời của ông Sheldon Adelson được thêu dệt bởi nhiều huyền thoại, nhưng cả phe hâm mộ lẫn ghen ghét đều phải thừa nhận ông là nhà kinh doanh đại tài và có tầm nhìn chiến lược.

Đầu năm 1980, khi máy tính còn là của hiếm, ông đã nhạy bén đứng ra là cầu nối giữa các nhà sản xuất và các nhà phân phối máy tính bằng cách tổ chức Hội chợ COMDEX (Hội chợ của các nhà kinh doanh máy tính) ở Las Vegas. Năm 1995, ông bán lại COMDEX cho Softbank (Nhật Bản) với giá 860 triệu USD để tập trung “toàn tâm toàn ý” cho kinh doanh casino.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, cái tên Adelson Sheldon đã nổi tiếng với biệt danh “Vua sòng bài” thế giới. Năm 2006, ông vươn lên trở thành người giàu thứ ba trên thế giới, với gia sản 26 tỉ USD. Vào thời điểm hoàng kim này, mỗi ngày, ông “vua sòng bạc” thu về đến 23,6 triệu USD lợi nhuận, gần 1 triệu USD mỗi giờ nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Nevada, Mỹ) đến Macau (Châu Á). Đây được xem là tốc độ làm giàu nhanh kỷ lục mà chưa có bất cứ tỉ phú nào đạt được.

Đánh giá về tài sản của mình, Sheldon Adelson từng tự tin: “Tôi phải mất tới 11 năm để kiếm ra 1 tỉ USD đầu tiên, còn hiện tại trong vòng chưa đầy hai tháng tôi có thể bỏ túi 1 tỉ USD. Thế thì đã có thể coi là nhanh chưa nhỉ?”.

Song năm 2009, số tài sản khổng lồ này bỗng chốc bốc hơi và sụt xuống còn gần 4 tỉ USD do khủng hoảng toàn cầu. Thế nhưng, đến tháng 2.2010, theo ước tính của Forbes, tài sản của tỉ phú Sheldon đã lại vọt lên mức hơn 9 tỉ USD - bằng GDP của quốc đảo du lịch nổi tiếng Bahamas ở Ấn Độ Dương.

Ông đã từng là người giàu thứ ba thế giới, chỉ sau tỉ phú Warren Buffet và Bill Gates…

- Hiện tôi không còn đứng ở vị trí thứ ba, mà xuống vị trí 25 do suy thoái kinh tế. Nhưng tôi sẽ rất vui và muốn sẽ quay trở lại thứ hạng đó.

Vài năm trước, ông từng phát biểu rằng muốn soán ngôi người giàu nhất toàn cầu của Warren Buffet hay Bill Gates. Có vẻ như mục tiêu đó giờ đã khó khăn hơn?

- Không. Tôi chưa bao giờ nói muốn phải ganh đua để vượt qua Warren Buffet hay Bill Gates. Đó chỉ là một lời trích dẫn nhầm.

Vậy lời trích dẫn đúng phải như thế nào?

- Thực ra thì có ai đó đã hỏi tôi rằng “Liệu ông có muốn phát triển hơn nữa tập đoàn kinh doanh của mình. Liệu ông có muốn trở thành người giàu nhất”. Tôi trả lời : “Tại sao không?” Đó là nguồn cơn cho trích dẫn sai rằng “Adelson muốn đánh bại Bill Gates hay Warren Buffet về mặt giàu có”. Thật nực cười.

Tôi hạnh phúc với những gì tôi có. Và nếu như tôi có vượt lên trở thành người giàu nhất nước Mỹ, điều đó cũng chẳng thay đổi gì hơn cuộc sống của tôi. Con gái tôi gần đây nói với tôi rằng: “Thật lạ kỳ cha ạ. Thời gian làm con ngày càng già đi, nhưng cha thì ngày càng mẫn tiệp và thông minh hơn”. Tôi tự hào về những gì tôi có. Tôi chẳng hề có bất cứ một khát vọng kiểu như phải đánh bại ai đó về mặt giàu có.

Liên tục là tỉ phú nằm trong danh sách giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, ông là một hình mẫu làm giàu đáng mơ ước cho rất nhiều người trẻ. Ông có thể nói gì về bí quyết?

- Bất cứ ai khi gặp tôi ngày nay đều thốt lên một câu: “Sao ông giàu thế!” Nhưng tôi lại là người sinh ra trong nghèo khổ và cơ cực. Bố tôi làm nghề lái taxi, mẹ làm dệt len. Thưở nhỏ, cả gia đình tôi phải sống trong một căn nhà bé ở khu phố Dorchester, Boston. Tất cả lũ trẻ chúng tôi đều phải ngủ dưới sàn. Tôi còn nhớ nhà tôi có một chú chó. Đến khi nó đẻ con, gia đình tôi chẳng có chỗ cho mẹ con chúng mà đành gom hết đồ đạc giành một ô trong tủ quần áo để lũ chó con ở.

Bạn hỏi bí quyết làm giàu của tôi, đó chính là nghệ thuật marketing. Muốn giỏi giang trên thương trường, bất cứ ai cũng phải hiểu và làm chủ được nghệ thuật tiếp thị mình và tiếp thị sản phẩm mình kinh doanh. Một yếu tố khác nữa là tôi sẵn sàng mạo hiểm, đánh cược với số phận. Cơ hội trong cuộc sống cũng giống như một người đợi xe bus, chẳng may lỡ chuyến này thì chỉ vài phút sau lại có chuyến khác. Nhưng phải biết kiên trì. Khi bị ngã, bị thất bại, bạn cần phải biết tự đứng dậy và tự làm lại từ bàn tay trắng.

Một bí quyết quan trọng khác nữa là tôi luôn làm những gì người khác chưa làm. Tóm lại là tìm ra cái mới để kinh doanh và đầu tư. Chẳng hạn như việc tôi là người đầu tiên dám đưa ra khái niệm về khu quần thể du lịch hợp nhất, bắt đầu từ Venetian Las Vegas nơi bao gồm trung tâm hội thảo, khách sạn, nhà hàng, sòng bài, trung tâm mua sắm… đáp ứng mọi nhu cầu của khách.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thuỷ thực hiện

lao động cuối tuần

Các tin tức khác

>   Ngày 12/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (12/06/2010)

>   Anh phân vân với dự án tàu cao tốc (12/06/2010)

>   Pháp bán hàng nghìn tòa nhà để giảm nợ (12/06/2010)

>   Ngày 11/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (11/06/2010)

>   BP: Trữ lượng dầu mỏ phát hiện trên thế giới tăng (10/06/2010)

>   Địa ốc Trung Quốc tiếp tục “sôi” (10/06/2010)

>   Ngày 10/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (10/06/2010)

>   Tăng lương, Trung Quốc kết thúc “nền sản xuất giá rẻ”? (10/06/2010)

>   Tòa nhà ở cao nhất thế giới sắp được xây dựng (10/06/2010)

>   Trung Quốc: Ồ ạt đình công (09/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật