Tăng lương, Trung Quốc kết thúc “nền sản xuất giá rẻ”?
Tuần qua, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã thông báo tăng lương tối thiểu, sau đó nhiều công ty tại Trung Quốc cũng buộc phải tăng lương cho công nhân. Việc tăng lương đồng loạt nầy liệu có kết thúc “nền sản xuất giá rẻ"?
Đồng loạt tăng lương
Tuần qua, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã thông báo tăng lương tối thiểu lên 20%, tương đương 140 USD/tháng. Sau đó, tập đoàn Honda đã tăng từ 24% đến 30% lương của 1900 công nhân làm việc tại nhà máy tại Quảng Đông, với hy vọng giải tỏa tranh chấp lao động kéo dài hai tuần nay. Cuối tuần, Foxconn Technology (Đài Loan), nhà sản xuất linh kiện hàng đầu cho các hãng điện tử lớn như: Apple, Dell, Sony… cũng cam kết sẽ tăng gấp đôi lương của công nhân tại các xưởng lắp ráp trong ba tháng tới. Nhiều thành phố khác cũng đang chuẩn bị tăng lương theo..
Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi là do số lượng người lao động tại Trung Quốc tăng, điều này có nghĩa giá nhà và giá thực phẩm tăng cao khiến người lao động nhập cư từ các tỉnh nông thôn của Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn. Nhiều lao động này gần đây cũng đã được tăng lương tới 200 USD/tháng, làm việc 6-7 ngày trong tuần. Một lý do khác khiến lương tăng, theo các nhà phân tích, là Bắc Kinh đang ủng hộ việc tăng lương như một cách để kích cầu trong nước và giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ. Bắc Kinh đang hi vọng chuyển một số công ty xuất khẩu sang đầu tư nhiều vào các công nghệ mới hoặc hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Nhiều nhà làm chính sách Trung Quốc cũng ủng hộ lương cao vì điều này sẽ giúp giảm khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo.
Sau đợt điều chỉnh lương này, thù lao của công nhân tại Trung Quốc vẫn không thể so sánh với mức lương tại Mĩ và Châu Âu (lương tối thiểu tại các thành phố công nghiệp phía Nam Trung Quốc sẽ chỉ đạt xấp xỉ 125 USD/tháng). Tuy nhiên, thay đổi trên rồi sẽ gây không ít sóng gió đối với Trung Quốc và cả nền kinh tế thế giới, có thể gây tăng giá nhiều mặt hàng từ hàng hóa tiêu dùng, chiếc áo phông, đôi giày tennis đến các mặt hàng công nghệ cao như máy tính hay những chiếc điện thoại thông.
Sẽ kết thúc nền sản xuất giá rẻ ?
Ông Dong Tao, một nhà kinh tế tại Credit Suisse, cho rằng hai thập kỷ qua, việc hàng hóa được chuyển đến Trung Quốc sản xuất đã giúp các công ty toàn cầu hạ được giá thành, giúp giá cả sản phẩm rẻ, nhưng việc tăng lương có thể sẽ khiến “kết thúc thời đại hàng giá rẻ”.
Giáo sư về kinh doanh quốc tế tại đại học Georgetown, Pietra Rivoli, tác giả cuốn “Chuyến hành trình của chiếc áo thun trong kinh tế toàn cầu” cho rằng hiệu quả của việc tăng giá lao động sẽ biến đổi việc làm, sản xuất hàng hóa giá trị thấp như dệt may có thể phải chuyển đến miền tây Trung Quốc, thậm chí sang Việt Nam hoặc Bangladesh. Nhưng những sản phẩm điện tử kỹ thuật cao như điện thoại thông minh vẫn có thể được sản xuất tại Trung Quốc vì mặt hàng này có lợi nhuận cao và Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng tinh vi và một hệ thống kiểm soát chất lượng. “Lao động là chuyện nhỏ đối với ngành này. Tiền nằm trong thiết kế, tiếp thị và hệ thống phân phối phức tạp, bao gồm cả các cửa hàng bán lẻ. Thí dụ như Apple, họ cũng thuê các cửa hàng tại các trung tâm mua sắm, các cửa hàng và đầu tư cho người lao động khá tốn kém”, bà Rivoli nói về các hãng điện tử có danh hiệu.
“Trung Quốc không mất đi những cơ sở sản xuất vì nước này có một thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng nó sẽ đưa họ đến sản xuất hàng hóa cao cấp hơn, đáp ứng tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. họ không muốn trở thành nơi trưng bày sản phẩm mà họ muốn là nhà sản xuất hàng công nghệ cao”, Mary Gallagher, giám đốc trung tâm Trung Quốc học tại đại học Michigan nhận định.
Đầu tuần, công ty Foxconn Technology, một trong những công ty sản xuất điện tử đang làm những sản phẩm như iPhone, Dell cho biết tăng gấp đôi tiền lương của nhiều trong số 800.000 người lao động tại Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 10.2010. Mức lương tháng trung bình sau khi tăng sẽ vào khoảng 300 USD. Quyết định này được đưa ra sau nhiều báo cáo người lao động tại hai khu sản xuất của công ty tại miền nam Trung Quốc tự tử, và có những chỉ trích về cách công ty đối đãi với người động.
Tuần trước, hãng Honda của Nhật Bản đồng ý tăng từ 24- 32 % lương cho 1.900 người lao động tại các nhà máy ở miền nam Trung Quốc, khi vọng họ ngưng cuộc đình công kéo dài hai tuần. Như vậy, với mức lương mới, người lao động của nhà máy Honda cũng nhận 300 USD/tháng, không tính thời gian làm ngoài giờ.
Hôm 3.6, Bắc Kinh tuyên bố tăng mức lương tháng cơ bản của người lao động lên 20%, đạt khoảng 140 USD/tháng. Nhiều thành phố tại Trung Quốc cũng có kế hoạch tăng lương cơ bản thời gian tới. |
K.D – T.H ( AFP, CNN, New York Times)
Sài Gòn Tiếp thị
|