Thứ Sáu, 11/06/2010 08:40

Ngày 11/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua

(Vietstock) – Xuất khẩu Tháng 5 của Trung Quốc tăng mạnh gần 50%, Tổng sản phẩm quốc nội quý I của Nhật tăng trưởng vượt dự báo, Ủy ban Chứng khoán Mỹ phê chuẩn quy định áp dụng thiết bị tạm ngừng giao dịch đối với các cổ phiếu biến động 10%, các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất thấp kỷ lục… là các sự kiện tiêu biểu trong một ngày tràn ngập các số liệu của nền kinh tế thế giới hôm 10/06.

Kinh tế Mỹ

Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm 3 ngàn người xuống 456 ngàn người nhưng vẫn còn cao hơn so với dự báo giảm xuống 450 ngàn người từ các nhà kinh tế. Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp sụt mạnh 255 ngàn người xuống mức thấp nhất kể từ Tháng 12/2008.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại Tháng Tư tăng 0.6% lên 40.3 tỷ USD từ mức điều chỉnh giảm 40 tỷ USD trong tháng trước. Dù vậy kết quả này vẫn còn thấp hơn so với ước tính tăng lên 41.3 tỷ USD của các nhà phân tích.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo ngân sách Tháng 5 bị thâm hụt 136 tỷ USD, thấp hơn dự đoán 143 tỷ USD của các nhà kinh tế. Được biết đây là tháng thứ 20 liên tiếp ngân sách chính phủ Mỹ bị thâm hụt.

Một ủy ban chung gồm các nhà lập pháp của Thượng viện và Hạ viện sẽ có cuộc họp vào cuối ngày Thứ Năm để dung hòa các điểm khác biệt giữa hai dự luật cải cách tài chính đã được hai viện thông qua trước đó. Các nghị sỹ Đảng Dân chủ hy vọng cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra trước ngày 04/07.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã chính phê chuẩn quy định cho phép ngừng giao dịch cổ phiếu của một công ty trong 5 phút khi cổ phiếu này tăng hay giảm 10% trong thời gian tối đa 5 phút. Đây là động thái nhằm ngăn chặn sự tái diễn của phiên sụt giảm kinh hoàng ngày 06/05, quét sạch hơn 862 tỷ USD trong chưa đầy 20 phút. SEC cho biết các quy định này sẽ có hiệu lực vào sáng ngày Thứ Sáu 11/06.

Kinh tế châu Á

Sơ lược sự kiện ngày mai

Mỹ:

- Doanh số bán lẻ

- Tâm lý tiêu dùng Tháng 6 của Đại học Michigan

- Lượng hàng tồn kho doanh nghiệp

Đức: Chỉ số giá bán buôn

Eurozone: Thành viên điều hành ECB, Juergen Stark, tranh luận về tương lai của đồng EUR.

Trung Quốc:

- CPI, PPI Tháng 5

- Sản lượng công nghiệp

- Doanh số bán lẻ 

Tại Nhật Bản, số liệu điều chỉnh được công bố cho thấy GDP 3 tháng đầu năm nay tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế cũng như số liệu ước tính được công bố trước đó là 4.9%. GDP quý I cũng được điều chỉnh tăng 1.2% so với quý IV/2009, khớp với kết quả được công bố lần trước nhưng vượt kỳ vọng tăng 1% từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters và Dow Jones Newswires. Chỉ số giá bán buôn Tháng 5 tăng 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc trong Tháng 5 tăng vọt 48,5% so với cùng kỳ năm trước, đà tăng mạnh nhất trong hơn 6 năm qua và cao hơn mức 30.5% trong Tháng 4, trong khi nhập khẩu tăng tháng thứ bảy liên tiếp 48.3% dù thấp hơn so với mức 49.7% trong tháng trước đó. Do vậy thặng dư thương mại của nước này mở rộng 19.5 tỷ USD trong Tháng 5, tăng 11 lần so với mức 1.7 tỷ USD trong Tháng 4.

Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết, giá bất động sản tại 70 thành phố lớn nhất nước này trong Tháng 5/2010 tăng 12,4% so với cùng kỳ, thấp hơn  so với mức tăng kỷ lục 12,8% trong Tháng 4/2010. Giá trị giao dịch giảm 25%.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 2% như dự đoán tháng thứ 16 liên tiếp. Quyết định này thể hiện mối quan ngại của các quan chức BoK về sức khỏe của các nền kinh tế châu Âu dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ khu vực. 

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương New Zealand tuyên bố tăng lãi suất thêm 0.25% lên 2.75% như dự báo, đánh dấu lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Lý do cho động thái này chính là đà phục hồi ngày càng mạnh của nền kinh tế New Zealand.

Theo Cơ quan Thống kê Australia, trong Tháng 4, thị trường lao động nước này có thêm 26,900 việc làm nâng tổng số việc làm trong nền kinh tế lên 11.06 triệu, đánh bật dự đoán tăng 20 ngàn việc làm của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cùng tháng giảm từ 5.4% xuống 5.2%, khả quan hơn dự báo đứng yên.

Kinh tế châu Âu

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất tại mức thấp kỷ lục lần lượt là 1% nhưng tuyệt đối im lặng về chi tiết của chương trình mua trái phiếu.

Cùng lúc, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng duy trì lãi suất ở mức 0.5% và cho biết sẽ tiếp tục ngừng việc in tiền cũng như duy trì các chương trình nới lỏng tín dụng. Bên cạnh việc giữ nguyên các chính sách như thường lệ, BoE cũng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về quyết định của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC). Được biết trong Tháng 4, thâm hụt thương mại của Anh mở rộng với xuất khẩu giảm 0.6%, còn nhập khẩu giảm 0.4%.

Nền kinh tế Hy Lạp càng chìm sâu vào suy thoái sau khi số liệu công bố ngày hôm qua cho thấy GDP quý I suy giảm 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái, xấu hơn dự báo tăng trưởng âm 2.3% của các nhà kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Hy Lạp và Liên minh Châu Âu (EU), GDP của nước này có thể sụt giảm tới 4%trong năm nay do các biện pháp cắt giảm chi phí và lương bổng cũng như tăng thuế nhằm đối phó với khủng hoảng nợ. Hy Lạp đang đứng trước áp lực cắt giảm thâm hụt ngân sách hiện chiếm 13.6% GDP xuống mức trần 3% của EU. Ngoài ra, Hy Lạp cũng bác bỏ lời tin đồn rằng nước này sẽ không sử dụng đồng tiền chung của khu vực, EUR.

Vòng quanh các thị trường

Kết thúc ngày giao dịch tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng vọt 273.28 điểm (2.76%) lên 10,172.53 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 31.15 điểm (2.95%) lên 1,086.84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh 59.86 điểm (2.77%) đóng cửa tại 2,218.71 điểm.

Trên thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.9%, chỉ số DAX của Đức cộng 1.2% và chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 2%.

Tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1.1%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0.3%, tuy nhiên chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lại đánh mất 0.8%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.22% lên 3.32%.

Tại Mỹ, đồng USD mất giá với các đồng ngoại tệ khác. Cụ thể, đồng bạc xanh rớt 1.3% so với đồng EUR và bảng Anh và giảm nhẹ so với đồng JPY. Đáng chú ý, đồng EUR vượt mốc 1.2 USD/EUR lần đầu tiên trong tuần qua khi tăng 1.4% lên 1.2142 USD/EUR.

Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York giảm 7.7 USD/oz xuống 1,220.80 USD/oz. 

Đồng USD yếu và việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu thô năm 2010 đã giúp giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 7 trên sàn NYMEX tăng phiên thứ ba liên tiếp khi nhận thêm 1.10 USD/thùng (tương đương 1.5%) lên 75.48 USD/thùng

Phạm Thị Phước

Các tin tức khác

>   BP: Trữ lượng dầu mỏ phát hiện trên thế giới tăng (10/06/2010)

>   Địa ốc Trung Quốc tiếp tục “sôi” (10/06/2010)

>   Ngày 10/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (10/06/2010)

>   Tăng lương, Trung Quốc kết thúc “nền sản xuất giá rẻ”? (10/06/2010)

>   Tòa nhà ở cao nhất thế giới sắp được xây dựng (10/06/2010)

>   Trung Quốc: Ồ ạt đình công (09/06/2010)

>   HTC thâu tóm Abaxia (09/06/2010)

>   Ngày 09/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (09/06/2010)

>   Công nhân TQ được tăng lương: Dấu hiệu thay đổi kinh tế? (08/06/2010)

>   Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (08/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật