Thứ Hai, 14/06/2010 08:20

Công nhân đòi tăng lương: Bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc

Cách đây hơn mười năm, Trung Quốc có đến hàng trăm triệu người lao động từ nông thôn ra thành phố kiếm việc làm. Do đó, họ không dám phàn nàn khi phải lãnh đồng lương quá thấp. Thời đó đã hoàn toàn qua rồi khi gần đây xảy ra các vụ đình công, thậm chí tự sát của công nhân để đòi tăng lương.

Các vụ đình công và tự sát xảy ra dồn dập

Mới đây ở Quảng Đông, công ty Foxconn, chi nhánh của công ty Đài Loan sản xuất dụng cụ tin học lớn nhất thế giới Hon Hai Precision Industry, đã phải đương đầu với một loạt vụ tự tử, trong khi các chi nhánh của công ty sản xuất xe ôtô Honda cũng đã phải chạm trán với mấy vụ đình công. Và hai công ty đã phải chấp nhận tăng lương đáng kể.

Theo báo Global Times, lương tối thiểu sẽ được tăng 20% (lên khoảng 140 USD) ở Bắc Kinh vào ngày 1.7 tới, tức là tăng gấp đôi so với các năm trước, kể từ khi lương tối thiểu ở thủ đô Trung Quốc được quy định vào năm 1994. Mới được tăng gần đây và cao nhất nước, lương tối thiểu ở Thượng Hải là 154 USD.

Một người đình công ở nhà máy Honda tại Quảng Đông cho biết là anh đã vào tập sự cách đây ba năm với lương tháng 800 nhân dân tệ (hơn 100 USD). Năm sau, anh được chính thức nhận vào làm với đồng lương 1.327 nhân dân tệ (160 USD), nhưng phải lao động tám giờ mỗi ngày cho sáu ngày trên bảy. Anh nói: “Lúc nhà máy mới mở, có rất nhiều người dân Quảng Đông vào làm. Sau đó họ thôi việc, vì thấy lương quá thấp. Dù không hút thuốc và uống rượu, tôi chỉ tiết kiệm được từ 300 – 500 nhân dân tệ mỗi tháng, thực quá ít!”

Ba nhân tố khiến phải tăng lương

Một tương quan lực lượng mới rõ ràng đang hình thành. Có ba nhân tố mới đã làm thay đổi toàn diện bài toán kinh tế của các công ty ở Trung Quốc hướng đến xuất khẩu.

Trước hết, nguồn nhân lực ở Trung Quốc không còn phong phú như trước đây. Dưới tác động kết hợp của chính sách hạn chế sinh đẻ rất hà khắc ở Trung Quốc và sự tạo thêm rất nhiều công ăn việc làm trong cả thập kỷ qua, số người nông dân sẵn sàng nhận đồng lương thấp giảm đi đáng kể. Theo nhiều nhà kinh tế Trung Quốc, nước này đã ở vào “bước ngoặt Lewis” (Lewisian Turning Point). Theo nhà kinh tế được giải Nobel Arthur Lewis, khu vực tư bản phát triển nhờ lấy lao động từ khu vực nông nghiệp còn lạc hậu nên quá thừa nhân công; do đó, lương trong khu vực công nghiệp bắt đầu tăng nhanh khi không còn được khu vực nông nghiệp cung cấp thêm lao động. Chẳng những thế, thế hệ lao động mới đòi hỏi nhiều hơn và có tham vọng lớn hơn thế hệ cha mẹ họ, vì họ có năng suất cao hơn nhờ được đào tạo tốt hơn. Họ muốn được trả lương cao và cảm thấy bất mãn khi phải làm những công việc quá đơn điệu. Lắm khi công nhân đình công phản đối chủ yếu cuộc sống quá căng hơn là đòi tăng lương.

Nhân tố thứ ba là khu vực dịch vụ ở Trung Quốc đã bắt đầu cất cánh. Đó là điều hoàn toàn hợp lý trên con đường phát triển kinh tế: nhờ năng suất lao động tăng nhanh trong các khu vực sản xuất hàng hoá, xã hội ngày càng tiết kiệm được nhiều thời gian để dùng trong khu vực dịch vụ, khiến cho các cửa hàng và các tiệm ăn ngày càng cạnh tranh mạnh với các nhà máy trên thị trường lao động.

Trước mắt, giới chủ ở Trung Quốc chưa phải lo âu nhiều về việc trả lương quá cao cho nhân viên của họ dù, trong khu vực chế tạo hàng hoá, lương giờ đã tăng đáng kể từ năm 2005, khi, theo thống kê chính thức, nó chỉ bằng 5% so với Hàn Quốc và 17% so với Brazil. Do tương đối còn nghèo, Trung Quốc vẫn giữ được ưu thế trong sự cạnh tranh với các nước đã phát triển.

Nhưng đã đến lúc người lao động Trung Quốc không thể tiếp tục chấp nhận bất cứ gì mà giới chủ áp đặt cho họ. Giới chủ phải ý thức đúng mức điều đó để phải tỏ ra hào phóng hơn trong thời gian tới.

Bài học của Henry Ford

Khi Henry Ford tăng gấp đôi lương ngày cho công nhân của ông năm 1914, báo Wall Street Journal đã la toáng cả lên vì cho rằng việc trả lương quá cao so với thị trường lao động là phi đạo lý. Thực ra, Henry Ford đã hiểu được rằng, khi nhận lương cao, người công nhân sẽ lao động hăng hái hơn, nên sẽ có năng suất cao hơn.

Một số người chủ ở Trung Quốc sợ rằng việc tăng lương sẽ phương hại đến xuất khẩu. Sự lo âu đó chỉ đúng cho các xí nghiệp mà năng suất tăng chậm hơn lương bổng. Mặt khác, vì thuế má thu được tăng theo thu nhập của người dân, nên nhà nước sẽ có thêm phương tiện tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực môi trường và xã hội.

Do lương tăng, người Trung Quốc sẽ tiêu dùng nhiều hơn, điều đó sẽ góp phần kích thích sự tăng trưởng không những ở Trung Quốc mà cả trên thế giới.

Sài gòn tiếp thị 

Các tin tức khác

>   Một giờ với tỉ phú Sheldon Adelson (13/06/2010)

>   Ngày 12/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (12/06/2010)

>   Anh phân vân với dự án tàu cao tốc (12/06/2010)

>   Pháp bán hàng nghìn tòa nhà để giảm nợ (12/06/2010)

>   Ngày 11/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (11/06/2010)

>   BP: Trữ lượng dầu mỏ phát hiện trên thế giới tăng (10/06/2010)

>   Địa ốc Trung Quốc tiếp tục “sôi” (10/06/2010)

>   Ngày 10/06: Điểm tin kinh tế thế giới 24h qua (10/06/2010)

>   Tăng lương, Trung Quốc kết thúc “nền sản xuất giá rẻ”? (10/06/2010)

>   Tòa nhà ở cao nhất thế giới sắp được xây dựng (10/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật