Kiến nghị giảm trần thuế xăng dầu
Để quyết định ban hành một sắc thuế mới cần phải trả lời thoả đáng 2 câu hỏi quan trọng nhất là đối tượng chịu thuế và thuế suất. Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) chưa có câu trả lời thoả đáng cho 2 câu hỏi này.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng chưa bền vững đã và đang dẫn đến hệ luỵ là môi trường thiên nhiên bị phá huỷ do khói bụi, ô nhiễm nguồn nước, không khí... Từ thực tế này, hầu hết các đại biểu Quốc hội và đông đảo người dân đều mong muốn có một sắc thuế để “điều tiết” tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi bàn về những nội dung cụ thể, thì Ban soạn thảo với các nhà lập pháp và giữa những nhà lập pháp với nhau vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong 2 nội dung quan trọng nhất trên, đặc biệt là thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo Dự thảo Luật Thuế BVMT, xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật (thuộc nhóm hạn chế sử dụng) nằm trong đối tượng chịu thuế. Việc đánh thuế BVMT nhằm góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thay thế hoặc hạn chế tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm. Vì vậy, ông Trần Hanh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đã đề nghị, cần phải bổ sung một số nhóm đối tượng nữa vào đối tượng chịu thuế như thuốc lá, chất tẩy rửa... Quan điểm này cũng nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.
Khi thảo luận về Dự thảo Luật Thuế BVMT ở tổ cũng như tại Hội trường tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan ngại về mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, vì mức thuế này quá cao (từ 1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít).
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vũ Văn Ninh, khẳng định, khi Luật Thuế BVMT có hiệu lực (ngày 1/1/2012), sẽ bỏ phí xăng dầu hiện đang thu theo mức 1.000 đồng/lít, song không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, cho dù có chuyển phí xăng dầu sang thuế BVMT, thì mặt hàng xăng dầu vẫn bị ảnh hưởng “bởi tâm lý”. Hệ quả của tâm lý “té nước theo mưa” là hàng loạt sản phẩm hàng hoá, dịch vụ sẽ “ăn theo” giá xăng dầu như đã từng diễn ra mỗi khi giá bán lẻ xăng dầu tăng.
Hiện xăng dầu đang phải chịu thuế nhập khẩu 17%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, đóng góp vào Quỹ Bình ổn xăng dầu là 300 đồng/lít và sắp tới đây, sẽ thu thêm 1.000 đồng vào Quỹ Bảo trì đường bộ, vì vậy, theo ông Danh Út (Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), nếu tiếp tục thu thuế BVMT đối với mặt hàng này thì “sẽ tác động xấu đến sản xuất, đặc biệt là người tiêu dùng”.
“Việc thu thuế BVMT đối với mặt hàng chiến lược và vô cùng nhạy cảm là xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng thiết yếu của người dân cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh”, bà Dương Thị Thu Hà (Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) lo ngại và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đưa ra một mức thuế thật hợp lý đối với mặt hàng chiến lược không thể thay thế này để bảo đảm sắc thuế BVMT chắc chắn không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Xăng dầu không chỉ là nhiên liệu không thể thay thế trong lĩnh vực vận tải, cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều lĩnh vực, mà còn là loại nhiên liệu không thể thay thế đối với sản xuất của nông dân như đánh bắt xa bờ... Vì vậy, theo nhiều đại biểu Quốc hội, nếu đánh thuế BVMT đối với xăng dầu đồng nghĩa với việc đánh thuế vào đại bộ phận người dân, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Để giảm thiểu tác động của sắc thuế BVMT, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lý Kim Khánh cho rằng, phải hạ mức trần thuế suất đối với mặt hàng này xuống còn 50% so với đề xuất của Bộ Tài chính.
Phó chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, việc đánh thuế BVMT cao đối với mặt hàng xăng dầu một mặt sẽ bỏ phí xăng dầu khi Luật Thuế BVMT có hiệu lực, mặt khác, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì Việt Nam phải giảm dần thuế nhập khẩu xăng dầu từ mức cao nhất (40%) hiện nay xuống còn 5% và 0%. Song song với lộ trình giảm thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nâng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu để bảo đảm không giảm thu ngân sách, đồng thời không tác động xấu tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, trong tương lai, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ được xây dựng, nên Việt Nam sẽ không phụ thuộc hoặc phụ thuộc rất ít vào việc nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, có thể hiểu tại sao nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về việc lấy căn cứ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để tăng thuế BVMT đối với mặt hàng này và kiến nghị một mặt đánh thuế BVMT theo thuế suất tương đối và giảm mức trần thuế suất để “giảm thiểu tác động xấu đến sản xuất và đời sống người dân”.
Mạnh Bôn
ĐẦU TƯ
|