Thứ Bảy, 05/06/2010 15:40

Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường

Chưa bao quát hết các loại hàng hóa, sản phẩm

Các đại biểu kiến nghị, để bảo đảm tính thuyết phục của Dự án Luật, Chính phủ cần có lý giải cụ thể về căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế.

Ngày 5/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến đối với Luật thuế bảo vệ môi trường.

Các đại biểu đều đồng tình với những phân tích của Chính phủ cũng như thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách về sự cần thiết phải ban hành luật thuế bảo vệ môi trường nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường; khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững; đồng thời đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Một số ý kiến cho rằng, Luật Thuế bảo vệ môi trường là chính sách tài chính mới ở Việt Nam; mặc dù có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, song không tránh khỏi tác động nhất định đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua việc tăng giá hàng hóa, nhất là đối với một số hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu… Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn về tác động của việc ban hành luật đối với sản xuất, kinh doanh, với người tiêu dùng; tập trung đánh giá cụ thể những mặt trái phát sinh khi áp dụng chính sách, từ đó có giải pháp xử lý hữu hiệu; đồng thời xác định lộ trình áp dụng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Đối tượng chịu thuế chưa đầy đủ

Về các nội dung cụ thể, các đại biểu bày tỏ bức xúc khi thấy rằng dự thảo luật chỉ quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng là chưa đầy đủ và bao quát hết các loại sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Các đại biểu kiến nghị, để bảo đảm tính thuyết phục của Dự án Luật, Chính phủ cần có lý giải cụ thể về căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế.

Các đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), Nguyễn Thị Thu Hồng (đoàn Thừa Thiên-Huế) đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, tại thời điểm hiện nay, khi bước đầu áp dụng luật thì có thể xem xét, áp dụng theo lộ trình thích hợp, lựa chọn những đối tượng phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vẫn cần có sự rà soát đầy đủ các loại sản phẩm, hàng hoá gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người để đưa vào luật, tạo một lộ trình thích hợp, sản phẩm hàng hoá nào gây ô nhiễm ở mức độ thấp thì đánh thuế vừa phải hoặc quy định mức thuế suất bằng 0, nhằm đảm bảo tính toàn diện của luật này trong một thời gian dài.

Đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế

Đại biểu Lê Dũng (đoàn Tiền Giang), Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đề nghị bổ sung thêm thuốc lá vào diện chịu thuế. Phân tích tác hại của khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người; các chất có trong đầu lọc thuốc lá đối với môi trường, các đại biểu này cho rằng, thuốc lá hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí đánh thuế của Chính phủ.

Các đại biểu cho rằng, thật vô lý khi Việt Nam là nước sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới và giá bán cũng rẻ nhất thế giới. Điều này tạo điều kiện cho thanh niên, người nghèo dễ tiếp cận với thuốc lá, và cũng làm cho rất nhiều người phải hít khói thuốc lá. Các đại biểu cho rằng, việc đánh thuế đối với thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá là cần thiết, góp phần hạn chế người sử dụng, vì vậy đánh thuế càng sớm càng tốt.

Tiêu chí đánh thuế chưa phù hợp

Qua nghiên cứu dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường, các đại biểu còn có cảm nhận chung đó là luật thuế này chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng đối với các loại hàng hoá, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người. Điều đó dẫn đến các tiêu chí đánh thuế đối với các sản phẩm này chưa phù hợp.

Đại biểu Bùi Thị Hoà (đoàn Đắk Nông) cho rằng thuế đối với xăng là 1.000 - 4.000 đồng/lít, trong khi dầu diezel là 500 - 2.000 đồng/lít là chưa hợp lý vì khi sử dụng xăng gây ô nhiễm ít hơn dầu diezel; than là sản phẩm gây ô nhiễm nặng khi sử dụng, tuy nhiên mức giá sàn quá thấp (6.000 - 30.000 đồng/tấn)...

Thuế, phí môi trường: Tránh tình trạng thuế chồng thuế

Để tránh tình trạng thuế bảo vệ môi trường trùng lặp với phí bảo vệ môi trường một số đại biểu cho rằng, đối với những mặt hàng đang chịu phí môi trường như xăng, dầu, than, nhựa, hóa chất… khi đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì không nên tiếp tục chịu phí môi trường.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm (thu vào các chất thải ra trong quá trình sản xuất như phí nước thải, phí chất thải rắn...). Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế bảo vệ môi trường ở những công đoạn khác nhau.

Theo quy định tại Điều 13 của Dự thảo luật thì chỉ riêng đối với mặt hàng xăng, dầu khi áp dụng thuế môi trường sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu còn đối với một số mặt hàng khác như than… vẫn tiếp tục phải chịu thêm cả phí môi trường.

Do đó, cần làm rõ sự khác nhau về bản chất giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường; lý giải cụ thể, có cơ sở khoa học về trường hợp nào chỉ áp dụng thuế bảo vệ môi trường, trường hợp nào áp dụng cả phí và thuế, tránh tình trạng thuế chồng lên thuế, đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) kiến nghị.

Có ý kiến cho rằng, đối với sản phẩm đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... thì có thể không áp dụng thuế bảo vệ môi trường. Về vấn đề này nhiều đại biểu thống nhất: mỗi sắc thuế có tính chất khác nhau, điều chỉnh đối tượng, hành vi khác nhau; không thể lấy sắc thuế này thay thế sắc thuế khác. Vì vậy, sẽ có mặt hàng vừa là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... song cũng vẫn là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 7/6, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; đồng thời thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Đài TNVN sẽ tường thuật trực tiếp phiên làm việc này./.

Thanh Hà - Bích Lan

vovnews

Các tin tức khác

>   Lùi hạn nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân đến 31/7 (05/06/2010)

>   Dự luật thuế nhà, đất: Liệu có chệch mục tiêu? (05/06/2010)

>   Tổng cục trưởng Tổng cục thuế bị điều chuyển (04/06/2010)

>   Thuế thu nhập cá nhân: Đề nghị gia hạn quyết toán thuế đến 30-6 (03/06/2010)

>   Yêu cầu báo cáo vụ doanh nghiệp “lôi” thuế ra tòa (03/06/2010)

>   Lại đề nghị tăng thuế xuất khẩu gỗ (02/06/2010)

>   Hơn 20 nghìn tỷ đồng bội chi ngân sách 5 tháng đầu năm (02/06/2010)

>   Kho bạc Nhà nước: Phát hiện 2.200 khoản chi chưa đúng thủ tục (02/06/2010)

>   Huy động vốn mới đạt 26% kế hoạch (01/06/2010)

>   Hướng dẫn càng thêm rối  (01/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật