Dự luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Còn quá sơ sài
Dù đã được đưa vào nghị trình kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) vẫn còn quá sơ sài, rất cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.
So với tên thuế nhà đất, tên thuế SDĐPNN có hai ưu điểm: 1) Xác định rõ đối tượng chịu thuế không phải là tài sản, mà là thu nhập thu được từ sử dụng tài nguyên đất; 2) Thống nhất với tên thuế sử dụng đất nông nghiệp, một sắc thuế đồng dạng trong nông nghiệp. Đây không đơn giản là ngôn từ, mà là diễn đạt đúng bản chất. Đặt tên như vậy, Nhà nước khẳng định không thu thuế vào tài sản như là của cải tích lũy, mà thu vào kết quả khai thác tài nguyên, vừa tạo nguồn thu ngân sách, điều hòa thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân, vừa tác động tới một số mục tiêu kinh tế - xã hội khác.
Tư tưởng chính sách thuế chưa định hình
Như mọi thuế khác, thuế SDĐPNN chỉ là một công cụ phân phối. Tuy không tạo ra thu nhập nhưng nó có thể huy động cho Nhà nước một phần thu nhập mà xã hội đã tạo ra. Cho nên chính sách tài chính phải là vấn đề cần xét đầu tiên: thuế này có cần và có thể huy động bao nhiêu cho ngân sách? Vậy mà tất cả các điều khoản trong dự luật cũng như các giải trình chưa giúp hình dung ra điều quan trọng này.
Dự luật cho biết mấy con số về thuế suất như 0,03%, 0,06%, 0,10%… tất cả đều tính theo giá đất, nhưng giá đất là bao nhiêu lại là ẩn số vì đã trao quyền cho UBND tỉnh (và thành phố) quy định. Một câu hỏi đặt ra: thuế này phải có vai trò như thế nào trong giảm bội chi ngân sách hiện đã tới khoảng 7% GDP?
Về các chính sách kinh tế - xã hội, vấn đề được nhấn mạnh trong dự luật, trong các giải trình và cả trong nhiều ý kiến thảo luận là chống đầu cơ nhà đất, trong khi các vấn đề khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, khuyến khích tích lũy tạo dựng nhà cửa đàng hoàng hơn, điều tiết thu nhập đang rất bất hợp lý của người sử dụng đất, thực hiện công bằng xã hội, hầu như không được đề cập hoặc đề cập rất mờ nhạt, mà đó mới là những mặt tác động kinh tế - xã hội đích thực của thuế này.
Hiện nay nhiều người đồng nghĩa đầu cơ với kinh doanh nhà đất. Cần nói rằng đầu cơ là một tội hình sự. Ai phạm tội này phải bị truy tố hình sự. Song về hình thức hành vi, đầu cơ không khác mấy với kinh doanh (mua bán) nhà đất. Thị trường bất động sản luôn có ba loại người như mọi thị trường: người đầu tư đóng vai trò người sản xuất, người mua nhà để sử dụng đóng vai trò người tiêu dùng, nhà buôn đóng vai trò người trung gian. Nhà buôn mua nhà khi có người sản xuất cần bán, tất nhiên giá phải tương đối rẻ hơn và bán nhà khi có người tiêu dùng cần mua, tất nhiên với giá tương đối cao hơn.
Đó là quy luật giá trị điều tiết cung cầu của kinh tế thị trường. Rõ ràng nhà buôn nhà đất mua rẻ bán đắt, nhưng không phải là đầu cơ, mà là hoàn thành chức năng xã hội của mình, giúp cho người cần bán có chỗ để bán và người mua có chỗ để mua. Nếu chỉ vì thế mà gọi họ là đầu cơ, thì không khác gì câu nói “tư thương ép giá” quen miệng thiếu nghĩ một thời.
Căn cứ tính thuế hoàn toàn bị áp đặt
Dự luật dự kiến hai căn cứ tính thuế. Căn cứ thứ nhất là giá tính thuế do chính quyền địa phương quy định. Rõ ràng đây là một sự áp đặt, mà lại là áp đặt bởi cơ quan hành pháp địa phương. Không thấy các tác giả dự luật giải trình cơ sở lý luận và thực tiễn của quy định này.
Ai cũng biết giá là giá trị hàng hóa được biểu hiện trong mua bán. Nó có thể được dùng làm căn cứ tính thuế trong những trường hợp thuế đó tính theo kết quả kinh doanh (mua bán), chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng thuế SDĐPNN không có liên quan gì với việc mua bán đất, cho nên lấy giá đất làm căn cứ tính thuế là khiên cưỡng, thiếu cơ sở khoa học.
Xét từ mặt thực tiễn, giao cho chính quyền địa phương quyền định giá tính thuế có nghĩa là Quốc hội từ bỏ quyền và trách nhiệm ấn định thuế quy định trong Hiến pháp, bởi số thuế phải thu nộp chủ yếu phụ thuộc vào giá tính thuế, thì lại đã giao cho địa phương. Về khả năng định giá này của chính quyền địa phương thế nào thì cũng cần được suy xét từ kinh nghiệm định giá đất không mấy thành công trong thi hành luật đất đai gần 20 năm qua.
Căn cứ thứ hai là thuế suất. Dự luật dự kiến thuế suất đối với đất ở là 0,03%, 0,06%, 0,10% giá tính thuế, tùy theo diện tích sử dụng so với hạn mức đất ở quy định. Đối với đất sản xuất kinh doanh (SXKD), thuế suất là 0,03%. Xin phép chưa bàn về thuế suất như vậy là cao hay thấp khi chưa biết giá tính thuế.
Điều đã rõ có thể kết luận là cả hai căn cứ tính thuế đều mang tính áp đặt chủ quan. Theo nguyên lý thuế, khi có hai căn cứ tính thuế thì chỉ có một căn cứ là áp đặt, thường là thuế suất, bắt nguồn từ nhu cầu về nguồn thu của ngân sách. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Quốc hội phải nắm quyền quyết định sự áp đặt này. Thuế suất luôn được ghi thành luật là vì thế.
Về hình thức, dự luật thuế SDĐPNN cũng tuân theo nguyên tắc đó, song thuế suất luật định lại bị vô hiệu hóa bởi giá tính thuế cũng bị áp đặt. Với những áp đặt như thế, mà thuế SDĐPNN lại thuộc nguồn thu ngân sách địa phương, các địa phương có động cơ và có khả năng sử dụng thuế này theo ý chí chủ quan của mình và Quốc hội mất khả năng kiểm soát. Để khắc phục tình trạng này, cần sửa lại căn cứ tính thuế trên cơ sở tham khảo luật sử dụng đất nông nghiệp. Căn cứ mang tính khách quan phải là diện tích đất có quyền sử dụng. Đối với đất lấn chiếm, không thu thuế, mà xử lý dưới hình thức phạt lấn chiếm đất. Về thuế suất, không áp dụng cách tính tỷ lệ phần trăm (%) trên giá đất như dự luật, mà tính bằng những thuế suất tuyệt đối, tính bằng một số tiền nhất định cho một đơn vị diện tích đất sử dụng (*).
Lấy tiền ở đâu để nộp thuế? Không nên thu thuế đất ở
Dự luật xác định hai đối tượng chịu thuế SDĐPNN là đất ở và đất SXKD. Trong bài này, đất ở tạm hiểu là đất trong khuôn viên nhà được người có quyền sử dụng đất sử dụng làm phương tiện thỏa mãn nhu cầu cư trú của mình. Còn đất SXKD là đất được người có quyền sử dụng đất sử dụng làm phương tiện kinh doanh, kể cả đất nhà ở cho thuê. Hiểu theo nghĩa này, theo khái niệm kinh tế học, đất ở là phương tiện tiêu dùng, tức là không tạo ra thu nhập hay nguồn (cơ sở kinh tế) để nộp thuế. Cho nên nếu phải nộp, người nộp thuế phải trích từ thu nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân của mình, có nghĩa là phải hạn chế những nhu cầu tiêu dùng khác.
Ngược lại, thuế thu vào đất SXKD có cơ sở kinh tế, đó là thu nhập thu được nhờ vào lợi thế vị trí của đất. Với quan niệm như vậy, nói chung chỉ nên thu thuế vào đất SXKD, không thu vào đất ở. Lý lẽ có thể biện minh cho ý tưởng này là: a) Coi đấy là một cách thực hiện quyền sở hữu của mỗi công dân đối với đất đai. Vì đất đai là của toàn dân, nên mỗi người cũng có “một mảnh cắm dùi”. b) Ngành thuế có thể giảm được hầu hết công việc thu thuế đất ở, nhờ đó giảm được chi phí hành thu. Cho nên không lo giảm thu ngân sách. Tuy nhiên để tránh lạm dụng, rất cần quy định hạn mức đất ở. Sử dụng vượt hạn mức, thuế thu như sử dụng đất SXKD. Việc tính và thu thuế đất ở được đơn giản tối đa.
Dù có thu thuế vào đất ở như dự luật hoặc không thu như đề xuất trên, luật rất cần minh định khái niệm đất ở và đất SXKD, trong đó quan trọng nhất là xác định rõ những tiêu chí phân biệt hai loại đất này. Điều này dường như các tác giả dự luật chưa quan tâm, nhưng đó lại là điều quan trọng trong thực tiễn hành thu. Không minh định rõ từ luật, dễ dẫn tới giải thích tùy tiện, bất nhất, gây ra lúng túng trong thi hành, tạo điều kiện cho lạm dụng.
(*) Thuế suất sử dụng đất nông nghiệp quy định như sau: đối với cây hàng năm, 6 thuế suất, thấp nhất là 50 ki lô gam thóc, cao nhất là 550 ki lô gam thóc/héc ta; đối với cây lâu năm, 5 thuế suất, thấp nhất là 80 ki lô gam, cao nhất là 650 ki lô gam/héc ta. |
Lê Văn Tứ
TBKTSG
|