Bội chi ngân sách: Các số liệu quá vênh nhau
Trong bài Bội chi ngân sách 2009 là bao nhiêu? trên Tiền Phong ngày 15-5-2010, dựa vào số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, tôi nhẩm tính bội chi ngân sách 2009 chỉ ở mức khoảng 4% GDP và đặt nghi vấn “Tại sao lại chấp thuận thâm hụt ngân sách là 6,9% GDP?”.
Cách lý giải hợp lý là đưa ra giả thiết: “Các cơ quan nhà nước đã chưa thực hiện nghiêm luật ngân sách”, có nhiều khoản đã chi nhưng không được dự trù và nằm ngoài ngân sách phải xin hợp thức hóa, tức là chi thực lớn hơn số báo cáo nhiều.
Vì với mức thâm hụt 6,9% GDP vẫn chưa đủ bù cho các khoản đã chi “khiến cân đối ngân sách trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu và phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2010 và các năm tiếp theo” như phân trần của Bộ trưởng Tài chính, dễ thấy, mức bội chi có thể cao hơn 6,9% GDP.
Trong trả lời phỏng vấn Vietnamnet, đăng ngày 3-6-2010, Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tại Hà Nội, ông Benedict Bingham, nói, theo tính toán của họ, thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 lên đến 9% GDP.
Ông cho rằng, thách thức của năm nay, năm 2010, là “Chính phủ vẫn chưa rõ ràng về kế hoạch chi tiêu thực về cả hai khía cạnh là chi tiêu phát triển trong kế hoạch và ngoài kế hoạch”. Theo ông “Quốc hội cũng nên đòi hỏi Bộ trưởng Tài chính làm rõ kế hoạch chi tiêu” và “Bộ trưởng Tài chính cần minh bạch với kế hoạch chi tiêu thực”. Vấn đề là liệu Bộ trưởng Tài chính có đủ thẩm quyền để làm vậy hay không, hay những ai khác phải làm việc đó.
Có thể thấy, 4%, 6,9% và 9% GDP chênh nhau quá nhiều. Theo Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước, “dự toán chi ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 5% tổng số chi”. Nói cách khác, các khoản chi ngoài dự toán không thể vượt quá 5% của tổng số chi. Tuy nhiên, Khoản 2 của điều này, cũng như tại Điều 52, về “tạm cấp kinh phí cho các nhu cầu không thể trì hoãn được cho tới khi dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách được quyết định”, lại tạo điều kiện cho các khoản chi ngoài dự toán.
Tại sao có hiện tượng như vậy? Còn nhớ, khi Chính phủ đưa ra các gói kích thích kinh tế 8 tỷ USD vào cuối quý I-2009, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề về “địa vị pháp lý của gói kích cầu, nguồn kích cầu lấy từ đâu, và có phù hợp Luật Ngân sách không, có phải trình Quốc hội không, v.v”. Khi đó các quan chức Chính phủ giải thích chưa rõ ràng về nguồn nhưng khẳng định không phải lấy từ ngân sách nên không phải trình Quốc hội.
Cuối cùng, ai cũng biết, tiền nào cũng từ ngân sách nhà nước cả và lại phải xin hợp thức hóa, chính vì thế con số thâm hụt ngân sách mới lên cao như vậy. Để vượt qua suy thoái kinh tế, vì tình hình cấp bách, v.v., có thể là các lý do khiến người ta châm chước cho chuyện đã rồi. Nhưng với ngân sách 2010 không thể để tình trạng “tiền trảm hậu tấu” ấy diễn ra, vì nó có thể có những hậu quả khó lường.
Để không còn các số liệu quá vênh nhau
Một mặt, thâm hụt ngân sách liên tục, mà với các siêu dự án được trình cho kỳ họp Quốc hội lần này càng củng cố mối lo ngại đó, sẽ không thể tránh khỏi dẫn đến nợ nần ngày càng tăng.
Mặt khác, việc các cơ quan nhà nước chưa thực hiện nghiêm luật ngân sách nhà nước nêu lên một thực trạng buồn về việc thi hành pháp luật. Những người càng có trọng trách, các cơ quan nhà nước càng cao thì càng nên tuân thủ pháp luật để làm gương và, chỉ khi đó, yêu cầu các cấp thấp hơn và nhân dân tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp mới thực sự có ý nghĩa.
Hy vọng, trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ siết chặt kỷ cương trong việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2010, rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho dự toán ngân sách năm 2011 sắp tới. |
Để khắc phục tình trạng các cơ quan nhà nước chưa tuân thủ nghiêm Luật Ngân sách, có lẽ nên xem xét lại các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; xem xét lại trách nhiệm của Quốc hội (vì rõ ràng Quốc hội cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước); xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan.
Thông tin càng chính xác, càng minh bạch thì càng tạo được lòng tin của dân vào các cơ quan nhà nước. Nói cách khác, đấy không chỉ là nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm luật, không chỉ để làm gương và để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, mà còn vì uy tín của chính các cơ quan đó trước nhân dân và các đối tác quốc tế.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp tháng 11-2009. Đại diện IMF cho rằng, nếu Chính phủ giữ mức chi theo kế hoạch thì bội chi năm nay sẽ có thể chỉ ở mức 6,5% GDP.
Vẫn còn sáu tháng để cải thiện kỷ luật ngân sách. Hy vọng Quốc hội làm đúng chức năng của mình theo Luật Ngân sách Nhà nước để, đến cuối năm (hay đầu năm sau, khi quyết toán) sẽ không còn các số liệu quá vênh nhau như vừa qua.
Nguyễn Quang A
Tiền Phong
|