Thứ Tư, 02/06/2010 09:23

Chứng khoán Việt “ngó” trời tây

Một cuộc thăm dò “bỏ túi” với một số nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn cho thấy, mối quan ngại nhất của họ lúc này là những yếu tố khó xác định liên quan đến diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới.

Đa nghi là bệnh phổ biến của các NĐT, nhưng đó cũng là cách để giảm bớt rủi ro trên TTCK.

Rủi ro cao, thanh khoản thấp

Ba câu hỏi cùng được đưa ra với nhiều người là tỉ lệ tiền mặt/CP hiện tại là bao nhiêu; những thông tin gì mới nhất khiến anh/chị lo ngại; và nếu giá CP tăng ngày mai, anh/chị có mua vào hay không.

Kết quả với câu hỏi thứ nhất đa số có vị thế tiền mặt tối thiểu trên 60%, tức là chỉ có dưới 40% là nằm trong CP. Quyết định mua hay không phụ thuộc vào diễn biến giao dịch cụ thể mà yếu tố đầu tiên được xem xét là thanh khoản. Một số NĐT chọn chiến thuật đánh ngắn, tức là cân nhắc mua vào một phần lượng CP đang có sẵn dưới dạng đầu tư dài hạn và sẵn sàng bán ra ngay T+1 hoặc T+2.

Đánh giá về thông tin, điều khá thú vị là đa số NĐT cho biết quan tâm lớn nhất lúc này là diễn biến của TTCK thế giới. Có ý kiến lo ngại về diễn biến chạy đua lãi suất huy động mới đây. Các thông tin vĩ mô trong nước hay câu chuyện soát xét báo cáo tài chính bán niên, triển vọng kinh doanh của DN niêm yết... đều bị bỏ qua.

Anh Dũng, NĐT tại sàn HBBS cho biết, thói quen quan sát diễn biến của TTCK thế giới đang trở lại một cách phổ biến: “Mối quan tâm lớn của nhiều người lúc này là câu chuyện khủng hoảng nợ tại Châu Âu. Thông tin trên mạng nước ngoài cũng khá lộn xộn. Tuy nhiên cứ nhìn vào các chỉ số CK quan trọng là đủ vì các NĐT lão luyện nước ngoài đã đánh giá hộ rồi. CK Mỹ, Châu Âu còn giảm mạnh thì mọi chuyện vẫn chưa xong!”.

Liên quan đến những động thái mới của lãi suất huy động, mức cao nhất của ngày cuối tháng 5 đã là 11,99%, chưa kể các loại khuyến mãi, thưởng. Điều này hoàn toàn đi ngược lại mong muốn hạ lãi suất cho vay để DN dễ tiếp cận vốn. Ngay lập tức đại diện NHNN lên tiếng sẽ kiểm tra gắt những ngân hàng tăng lãi suất huy động tới 12%.

“Mặc dù NHNN nói lộn xộn trên thị trường lãi suất chủ yếu từ một số ngân hàng thương mại nhỏ mới “lên đời”, nhưng rõ ràng đã có lộn xộn là có nguyên nhân. Nếu chưa giải quyết được và chưa thấy lãi suất giảm, ổn định thì thị trường còn chưa yên tâm. NĐT đa nghi lắm!” - anh Hòa, sàn VNDirect nhận xét.

Sự cẩn trọng trong quyết định đầu tư đã tạo ra tình trạng giao dịch cầm chừng trên cả hai sàn. Hai phiên đầu tuần, tổng khối lượng khớp lệnh HoSE và HNX chỉ đạt bình quân 68,2 triệu CK/phiên, trong khi mức bình quân 20 phiên của tháng 5 lên tới 102,8 triệu CK/phiên. Thanh khoản thấp không hẳn là do thị trường cạn tiền mà là do NĐT chấp nhận đứng ngoài, hoặc chỉ bỏ một phần vốn nhỏ vào giao dịch nhằm hạn chế rủi ro.

Khủng hoảng nợ ảnh hưởng đến đâu?

“TTCK tháng 6 sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu, mặc dù tình nhìn hình chung tích cực hơn so với tháng 5” - báo cáo phân tích của CTCK SME vừa công bố hôm 1.6 nhận xét. Theo báo cáo đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu với TTCK Việt, tình hình vĩ mô trong nước tháng 6 sẽ tiếp tục duy trì như trong tháng 5, thậm chí lạm phát có thể thấp hơn do giảm giá xăng dầu.

Kịch bản lạc quan nhất là cuộc khủng hoảng nợ được cơ bản giải quyết trong phạm vi Hy Lạp, các nước khác đồng thuận chung tay giải quyết, các khu vực kinh tế chủ chốt nhanh chóng thích ứng với đồng EUR yếu... Kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ hầu như không bị ảnh hưởng. Tâm lý NĐT sẽ được hỗ trợ mạnh và thị trường sẽ tăng bền vững.

Kịch bản thứ hai là cuộc khủng hoảng dần được kiểm soát, nhưng các nền kinh tế chủ chốt khác cần  thời gian dài hơn để điều chỉnh các hoạt động thương mại và chính sách tiền tệ nhằm hạn chế tác động tiêu cực. Khủng hoảng có khả năng ảnh hưởng đến một số nước khác và cần sự can thiệp mạnh tay, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại. Khi đó hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhưng tổng thể không đáng lo ngại vì tỉ trọng thương mại không lớn, đồng EUR yếu bất lợi cho xuất khẩu nhưng lại có lợi cho nhập khẩu. Một số ngành có thể bị ảnh hưởng như thủy sản, may mặc, caosu tự nhiên, thép.

Kịch bản xấu nhất là khủng hoảng vượt tầm kiểm soát và các nền kinh tế chủ chốt có nguy cơ rơi vào suy thoái. Dĩ nhiên, khi đó TTCK toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng toàn diện. Tuy nhiên, kịch bản xấu được xem là ít khả năng xảy ra nhất.

Một phân tích khác của chuyên gia nước ngoài - ông Lawrence Wolfe của CTCK Đông Á cũng cho rằng khủng khoảng nợ công ở Châu Âu tác động trực tiếp đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam là không đáng kể trên các phương diện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào, thị trường xuất khẩu (vào 3 nước có nguy cơ) trong khi các yếu tố vĩ mô nôi tại vẫn ổn định. Ảnh hưởng lớn nhất chỉ là yếu tố tâm lý.

Hoàng Nguyên

lao động

Các tin tức khác

>   Hệ thống giao dịch trực tuyến của nhiều CTCK chưa linh hoạt (02/06/2010)

>   Xu hướng sáp nhập công ty con (02/06/2010)

>   536 NĐTNN được cấp mã giao dịch trong 5 tháng (01/06/2010)

>   Đối thoại với PVA về tính khả thi của các dự án (01/06/2010)

>   TTCK: Thời điểm nhạy cảm (01/06/2010)

>   Mua cổ phiếu để được chầu rìa (01/06/2010)

>   Cần một cái nhìn công bằng!  (01/06/2010)

>   Lưu ký chậm, lỗi tại ai? (01/06/2010)

>   Nửa cuối năm 2010: TTCK sẽ bật mạnh (01/06/2010)

>   Chuyện tình “một chỉ vàng” và trò phù phép chứng khoán Penny (01/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật