Thứ Hai, 24/05/2010 09:53

Níu chân dòng vốn gián tiếp

Trong bối cảnh các trung tâm tài chính lớn của thế giới đang gặp khủng hoảng, dòng vốn đầu tư gián tiếp đang có xu hướng chảy ngược về các thị trường đang phát triển với triển vọng tăng trưởng tốt và rủi ro thấp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc níu chân dòng vốn này ở lại lâu dài tại thị trường như Việt Nam đặt ra nhiều yêu cầu về chính sách cũng như một định hướng chiến lược rõ ràng.

Hấp dẫn thị trường mới nổi

Cuối tuần qua, đi ngược lại những suy giảm khá rõ ràng trên TTCK VN, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục có thêm tuần mua ròng thứ 11 liên tục. Theo ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch UBCKNN, trải qua nhiều thăng trầm, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ quý II/2009 đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường Việt Nam, với tổng giá trị danh mục thời điểm hiện tại khoảng trên 6 tỉ USD.

Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế, dòng vốn đầu tư gián tiếp đã và đang có xu hướng vận động ngược trở lại khu vực Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Cuối tuần qua, đại diện một trong những quỹ đầu tư lớn nhất tại các thị trường mới nổi - Quỹ Templeton lại lên tiếng về cơ hội đầu tư mới của dòng vốn đang “bức bí” tìm điểm dừng mới.

“Trái phiếu và CK của các thị trường mới nổi là địa điểm đầu tư an toàn hơn trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Châu Âu và các thị trường phát triển khác đang vật lộn trong đống nợ nần” - Chủ tịch Cty quản lý Quỹ Templeton Mark Mobius trao đổi với Bloomberg hôm 20.5.

Theo vị Chủ tịch điều hành Cty đang quản lý trên 34 tỉ USD tài sản tại các thị trường mới nổi, các thị trường này đang có mức nợ quốc gia trên GDP thấp và mức dự trữ ngoại hối tốt. Những thị trường như Việt Nam, Kazakhstan, Nigeria và Ukraina là ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn của quỹ này. Với chi phí bảo hiểm cho rủi ro khủng hoảng nợ quốc gia ở Châu Âu đã tăng gấp đôi trong năm nay, “điều đó có nghĩa là các quốc gia mới nổi đang an toàn hơn để bỏ đồng vốn đầu tư vào từ góc độ quan ngại về rủi ro nợ quốc gia” - Mobius nhận xét.

Theo một bản báo cáo công bố ngày 14.5 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 14.5, ước tính tỉ lệ nợ của các quốc gia phát triển sẽ tăng lên tới 110% GDP vào năm 2015, trong khi con số này năm 2007 chỉ là 73%. Tại các nước đang phát triển, tỉ lệ nợ so với GDP lại có xu hướng giảm. Đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam ngày 21.5 cũng khẳng định vấn đề nợ trong trung hạn của VN là bình thường và “IMF chưa thấy có vấn đề liên quan đến nợ tại quốc gia này”.

Bloomberg cũng trích dẫn nhận xét của nhà chiến lược Jonathan Garner tại Morgan Stanley cho rằng, việc giảm tỉ lệ nợ trên GDP của các nước đang phát triển đang tạo ra một giá trị đáng kể đối với dòng vốn đầu tư vào các địa chỉ này, đặc biệt là TTCK tại các quốc gia Châu Á.

“Các thị trường mới nổi đang có rủi ro thấp, trong khi lợi nhuận lại cao. Cơ hội luôn luôn hiện hữu và lúc này chúng ta đang đối mặt với rủi ro với cuộc khủng hoảng tại Châu Âu, nhưng dòng vốn có thể tận dụng cơ hội ở nơi khác”.

Dòng vốn chảy vào TTCK VN từ đầu năm đến nay là một ẩn số khó lý giải đối với NĐTTN. Bất chấp xu hướng tiêu cực của TTCK thế giới cũng như những biến động không mấy khả quan của TTCK trong nước, NĐTNN tiếp tục tạo nên hiện tượng khó lý giải: Tổng vốn mua ròng tính trên toàn thị trường trong gần 5 tháng đạt xấp xỉ 5.337 tỉ đồng, không kể các giao dịch trái phiếu.

Níu chân dòng vốn dài hạn

Dòng tiền nóng tìm đến các thị trường mới nổi, trong đó có VN đã từng tạo ra mối quan ngại về sự ổn định. Bên cạnh hoạt động ủy thác đầu tư qua những tổ chức đã có chân tại TTCK VN, một trong những hình mới gần đây được nhắc đến nhiều là “P-Note” thông qua các tổ chức nước ngoài.

Ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch UBCKNN - cũng cho biết, hiện tại việc ước lượng dòng vốn gián tiếp chủ yếu qua giá trị danh mục đầu tư, “các hình thức như ủy thác, P-Note vẫn chưa thống kê được một cách chính xác. Đây là sản phẩm phổ biến ở nước ngoài, nhưng là mới ở VN. UBCKNN đã có đề xuất và thời gian tới sẽ có cân nhắc theo dõi”.

Dòng vốn gián tiếp có tính chất luân chuyển cao, tuy nhiên theo ông Nguyễn Thanh Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh CK - hiện tại giới đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận VN khác trước: “Tôi có điều kiện tiếp cận nhiều đối tác đầu tư nước ngoài, họ đều nhận xét VN là cơ hội đầu tư lớn vì có nền tảng kinh tế, chính trị ổn định, nền tảng tiềm lực còn lớn. Nếu chúng ta có sự ổn định hơn về chính sách thì sẽ thu hút được tốt hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp. Cho dù dòng vốn đó ban đầu mang tính chất ngắn hạn, nhưng nếu họ nhận thấy chính sách có sức thuyết phục, hiệu quả đầu tư lớn hơn trong tương lại thì họ sẽ ở lại”.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, xu hướng các luồng vốn dịch chuyển trên thế giới thì thanh toán xuất nhập khẩu chỉ chiếm 10-15%, còn lại là dòng vốn đầu tư gián tiếp. Để đón đầu dòng vốn này trong bối cảnh hậu khủng hoảng, VN cầm tập trung phát triển thị trường tài chính về chất, nâng cao thanh khoản, quy mô của TTCK, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao minh bạch, khuyến khích các dòng vốn dài hạn từ quỹ đầu tư liên kết bảo hiểm, quỹ hưu trí, phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội  Kinh doanh CK - ông Lê Văn Châu cho rằng, cần có một chính sách rõ ràng, đồng bộ để khuyến khích và giám sát dòng vốn gián tiếp: “Cần có những phân tích, đánh giá đúng vai trò và ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của nguồn vốn đầu tư gián tiếp, từ đó xây dựng chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, đóng góp vào sự phát triển của TTCK và nền kinh tế. Việc thiếu một định hướng rõ ràng và chính sách chưa đồng bộ trong việc thu hút, quản lý và kiểm soát luồng vốn này cũng ảnh hưởng tới tâm lý của NĐTNN”.

Nguyễn Hoàng

lao động

Các tin tức khác

>   Nâng chuẩn niêm yết để tăng "chất" cho thị trường (24/05/2010)

>   Thị trường chứng khoán tuần qua: Giật mình nhìn lại (24/05/2010)

>   Công bố thông tin cổ phiếu: Giải trình có cũng như không! (24/05/2010)

>   Cẩn trọng với vốn đầu tư gián tiếp  (24/05/2010)

>   Mekong Capital dự kiến lập quỹ quy mô 150 triệu USD (24/05/2010)

>   Chiến lược đầu tư và lựa chọn nhóm ngành (23/05/2010)

>   "Đột biến sinh lợi nhuận" (23/05/2010)

>   Nới quy định cho vay kinh doanh cổ phiếu (23/05/2010)

>   Hơn 6 tỷ USD vốn ngoại trên TTCK Việt Nam  (22/05/2010)

>   TMW chốt danh sách dự họp ĐHĐCĐ thường niên (22/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật