Hơn 6 tỷ USD vốn ngoại trên TTCK Việt Nam
“Trên 6 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua TTCK (FII) chỉ là con số khá khiêm tốn so với 124 tỷ USD mà nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thu hút được trong 10 năm qua. Nhưng xét về trung và dài hạn, đây là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, với quy mô thị trường tăng trưởng mạnh qua các năm”.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch UBCK đã khẳng đinh như vậy tại Hội thảo Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế, được tổ chức tại Hà Nội sáng 21/5.
Các diễn giả tham dự Hội thảo cũng thể hiện rõ cách nhìn đầy lạc quan về dòng vốn này. Thậm chí, ông Hùng còn tiên liệu, kênh huy động này đang dần thay thế nguồn vốn FDI.
Làm thế nào để kênh dẫn vốn này ngày càng trở nên hấp dẫn, chính sách giám sát luồng vốn này sao cho an toàn hệ thống… được ông Hùng chia sẻ thẳng thắn với báo giới.
Làm thế nào để TTCK Việt Nam hấp dẫn nguồn vốn FII, thưa ông?
Có thể khẳng định, đây là nguồn tài chính quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra sức cầu và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN nhà nước cùng các hoạt động phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, hiệu quả lớn nhất mà dòng vốn này tạo ra là tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán, góp phần kiến tạo một văn hóa đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước còn chưa nhiều kinh nghiệm, góp phần hoàn thiện thị trường, làm thị trường trở nên sôi động hơn.
Để thu hút thêm nhiều dòng vốn này, ngoài việc tạo ra các hàng hóa tốt (cổ phiếu của DN làm ăn hiệu quả, quản trị tốt…) cũng cần xem xét các nhân tố đang cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại như khống chế room 49%, các hạn mức về biên độ giao dịch tại 2 sàn giao dịch chứng khoán (5% và 7%)… Đồng thời, cần có chính sách nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư dài hạn.
Ông vừa nhắc đến quỹ đầu tư dài hạn, chính sách thu hút các quỹ này là gì?
Hiện, tại TTCK Việt Nam, hầu như không có quỹ đầu tư dài hạn. Chúng ta nên có cơ chế khuyến khích các hình thức đầu tư tập thể, đầu tư liên kết bảo hiểm, hưu trí; phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững chắc, có năng lực quản trị rủi ro… nhằm can thiệp và bình ổn thị trường trong những trường hợp cần thiết, nâng cao khả năng phòng vệ của nền kinh tế trước những biến động của thị trường thế giới và khả năng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Khi thị trường có nhiều hàng hóa tốt, thanh khoản cải thiện… sẽ thu hút các quỹ này vào.
Không phủ nhận ý nghĩa mà FII mang lại cho nền kinh tế, nhưng không loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực mà kênh này sẽ gây ra. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Đúng vậy. Ảnh hưởng tiêu cực nhất và đáng lưu ý nhất mà FII có thể mang lại đó là nguy cơ bất ổn không chỉ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà đối với cả nền kinh tế của quốc gia, hay thậm chí là cả một khu vực.
Điều này xuất phát từ đặc tính nổi bật của FII, đó chính là sự linh hoạt trong hoạt động lưu chuyển vốn quốc tế và tính lây lan, dây chuyền. Dòng vốn này tăng giảm rất nhanh nên khi có khủng hoảng, dòng vốn chảy ra nhanh, mạnh không những tác động ngay đến TTCK trong nước mà còn tác động ngay đến nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia, tỷ giá hối đoái… làm kinh tế trong nước gặp khó khăn. Ngoài ra, khi dòng vốn chảy vào quá lớn có thể làm giảm hiệu quả của các chính sách tiền tệ, gây tác động không tốt tới khu vực tài chính, cán cân thanh toán và cả nền kinh tế.
Như vậy, cần đưa ra biện pháp giám sát chặt chẽ dòng vốn này?
Chúng ta một mặt vừa thu hút FII trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mặt khác, cần chủ động có những biện pháp phòng ngừa trước sự vận động liên tục của dòng vốn này, giảm bớt rủi ro tiềm ẩn của chúng. Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế, FII đang có xu hướng vận động ngược trở lại khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Vì vậy, chúng ta cần đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK. Chẳng hạn như xây dựng các biện pháp dự phòng, biện pháp tăng cường dự trữ ngoại hối, giám sát nhằm kiểm soát các hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng…
Hiện tại UBCK là một trong 3 cơ quan giám sát (cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) thực hiện công tác giám sát dòng vốn đầu tư này.
Với khoảng 13.000 tài khoản giao dịch của NĐTNN (chiếm 1,5% số tài khoản NĐT trong nước), trong đó có trên 1.200 tài khoản là của tổ chức và các quỹ nước ngoài nhưng khối lượng giao dịch lại chiếm tới 20-25% với giái trị danh mục chứng khoán tại thời điểm hiện tại khoảng trên 6 tỷ USD…
Quy mô của TTCK tập trung được mở rộng, tổng giá trị thị trường tại thời điểm hiện tại đạt tới 40% GDP của năm 2009. Số lượng CP, chứng chỉ quỹ niêm yết tăng từ 2 (năm 2000) lên 517 (tính đến thời điểm hiện tại). Ngoài ra, còn có 573 loại trái phiếu niêm yết tại 2 Sở. Tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng liên tục qua các năm và đạt mức đỉnh là 127.000 tỷ đồng vào năm 2007 (chiếm 11,69% tổng vốn huy động toàn nền kinh tế).
TTCK cũng dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước thông qua các cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ. Tính từ khi có thị trường cho đến nay, TTCK là kênh huy động tới 42% tổng giá trị các đợt phát hành trái phiếu chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh phát hành.
(Trích báo cáo tham luận của ông Nguyễn Đoan Hùng) |
Diệu Trang
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|