VN-Index đi qua vùng “thời tiết xấu”
Tuyết lở là hiện tượng tự nhiên thường xảy ra ở các vùng núi cao băng giá. Vì một lý do nào đó, một mảnh băng nhỏ bị vỡ ra, khi lăn xuống nó sẽ cuốn theo nhiều mảnh băng khác. Càng đi xuống, các mảnh băng đó càng nhiều và lao xuống càng mạnh, tạo thành một trận sạt lở kinh hoàng. Hiệu ứng tuyết lở có thể đúng cho VN-Index những phiên vừa qua, khi đi tìm lý do giải thích cho sự sụt giảm ngoài dự kiến.
Hiệu ứng tuyết lở
“Đã thành quy luật trên TTCK, khi sóng của các cổ phiếu nhỏ nổi lên cũng là lúc thị trường chung chuẩn bị thoái trào. Nhưng giai đoạn vừa qua khá đặc biệt, khi các cổ phiếu blue-chip đi ngang, trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ tăng nóng. Có thể diễn biến này đã khiến nhiều NĐT lơ là, mất cảnh giác trước các tín hiệu sớm. Sự điều chỉnh của thị trường khởi đầu từ nhóm cổ phiếu nhỏ và lan ra, càng lúc càng rộng”, Trưởng phòng Phân tích CTCK KimEng, ông Bùi Việt Cường nói khái quát với ĐTCK về sự sụt giảm bất ngờ của thị trường bắt đầu từ đầu tháng 5.
Thật vậy, kể từ đầu tháng 3, nhóm cổ phiếu nhỏ (penny-stock) đã thực hiện cuộc lật đổ ngoạn mục khi thu hút sự chú ý của NĐT. Từ sau Tết Nguyên đán, không hiếm cổ phiếu nhỏ đã tăng giá gấp 2 - 3 lần, đối lập với hình ảnh ì ạch của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nguyên lý đầu cơ nhóm cổ phiếu thị giá thấp tại một số CTCK lớn khá bài bản. CTCK chia NĐT thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm một broker tư vấn, hỗ trợ là một nhân viên phân tích. Mỗi nhóm này sẽ tập trung “đánh” vài mã nhỏ. Hoạt động đầu cơ tập trung, trên một nền giá thấp, với khối lượng cổ phiếu lưu hành không lớn đã đẩy giá nhiều cổ phiếu nhỏ tăng cao. Khi hết nguồn tiền tự có, NĐT sử dụng đến dịch vụ đòn bẩy tài chính do CTCK cung cấp.
Một sự điều chỉnh kỹ thuật được dự báo trước, VN-Index từ ngưỡng 540 - 550 điểm đi xuống, kéo theo sự rớt giá của nhiều cổ phiếu nhỏ. Khi giá bắt đầu chớm giảm, CTCK yêu cầu NĐT đóng thêm tiền. NĐT bắt đầu bán ra, ban đầu là chốt lãi các cổ phiếu nhỏ tăng nóng, sau đó là tới cả một số blue-chip dành cho mục đích đầu tư lâu dài.
Điều không may khi VN-Index bắt đầu chớm điều chỉnh cũng là lúc thị trường thế giới có diễn biến không thuận lợi.
Trong ngắn hạn, sự liên thông giữa TTCK Việt Nam với thế giới chỉ ở góc độ tâm lý. Tuy nhiên, tâm lý NĐT mới là nhân tố quyết định xu hướng thị trường hiện nay.
Sự kiện nợ công lan rộng ở một số quốc gia châu Âu khiến không ít NĐT hồi tưởng đến sự kiện hai năm trước. Khởi đầu từ sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, sau đó lan rộng, kéo theo nhiều ngân hàng Mỹ sụp đổ, đẩy nền tài chính toàn cầu vào vòng xoáy. Chịu các dư chấn gián tiếp, nhưng VN-Index tụt dốc mạnh trong 4 tháng, lui về đáy 234 điểm trước khi phục hồi.
Hiện tại, TTCK Việt Nam vẫn đang hoạt động trên gốc rễ của tâm lý ngắn hạn. Khi NĐT nhận thấy sự đi lên của VN-Index bắt đầu không chắc chắn và diễn biến xấu trên thị trường tài chính toàn cầu, thì hoạt động bán tháo bắt đầu diễn ra, đối với các cổ phiếu nhỏ và cả blue-chip, các cổ phiếu giá đã tăng giá phi lý và cả những cổ phiếu đang bị định giá thấp. NĐT muốn đứng ngoài do chưa định lượng được trước các rủi ro tiềm ẩn. Đã có những phiên VN-Index bất ngờ rớt sâu, do áp lực giải chấp tại các CTCK lớn.
Nhưng lý do đi xuống của thị trường không hoàn toàn thuộc về tâm lý. Theo ông Cường, thị trường đang “bội thực” trước lượng cổ phiếu mới. Nhiều DN niêm yết có kế hoạch huy động vốn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đang có kế hoạch tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng. Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6 là thời điểm NĐT phải đóng tiền. Thực tế, hầu hết NĐT cá nhân đã cạn tiền mặt, họ phải bán bớt cổ phiếu để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Các tổ chức cũng chịu áp lực tương tự khi sở hữu một danh mục cổ phiếu rộng.
Lực cản
“Cú rớt của VN-Index khỏi ngưỡng 500 điểm trong ngày 19/5 được xem có phần thái quá trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng khả quan và hứa hẹn dòng tiền chảy vào chứng khoán sẽ được mở rộng”, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt nhận định.
Như để “chuộc lỗi” sau sự quá đà, ngay trong phiên kế tiếp, VN-Index đã lấy lại phần nào số điểm đánh mất, bật lên trên 500 điểm. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Thi, Giám đốc Phân tích CTCK Âu Việt, trên đường hồi phục ngắn hạn, VN-Index sẽ gặp nhiều lực cản. Thứ nhất, một lượng cổ phiếu giải chấp trực chờ ở phía trước. Số lượng và giá trị vẫn là ẩn số, nhưng cần vài phiên thị trường ổn định để hấp thụ hết lượng cung này. Thứ hai, gánh nặng tâm lý đang đè nặng lên một số NĐT. Họ ở trạng thái “chân ngoài, chân trong”, sẵn sàng thay đổi vị thế tiền mặt/cổ phiếu khi thị trường “có biến”.
Theo ghi nhận của ĐTCK tại một số CTCK lớn, phiên phục hồi hôm qua, NĐT vẫn chủ yếu mua vào các loại cổ phiếu có sẵn. Sắp tới, nếu VN-Index đi lên sẽ có một bộ phận NĐT sẵn sàng bán ra chốt lời hay cắt lỗ cổ phiếu. Sự tăng giảm của VN-Index sẽ phụ thuộc phần lớn vào quan hệ cung cầu. Xa hơn, không có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường. Các tin tức vi mô về DN đã được hấp thụ hết sau mùa ĐHCĐ. Kết quả kinh doanh quý II của các DN chỉ bắt đầu hé lộ từ đầu tháng 7 và như thường lệ, khó có thể kỳ vọng đây là lực kéo toàn thị trường. Các tin tức vĩ mô đã bão hòa, khi NĐT đang chờ đợi một câu chuyện mới hơn. Đặc biệt, trong đợt giảm mạnh vừa qua, khối ngoại vẫn mua ròng, nhưng khá dè dặt, thấp cả về khối lượng và giá trị. Động thái giao dịch này vẫn đang là ẩn số.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, hiện tại các ngân hàng đã sẵn sàng cho vay với chứng khoán. Thậm chí, các CTCK còn được ngân hàng săn đón và chào mời, khác với vài tháng trước. Tuy nhiên, vốn khả dụng ngân hàng vẫn chưa chảy vào chứng khoán. Theo ông Giang, có hai lý do chính. Thứ nhất, trên góc độ cơ bản, NĐT lớn không kỳ vọng lợi nhuận của các DN năm 2010 có sự đột biến. Thứ hai, áp lực nguồn cung trên thị trường đang quá lớn.
Theo ước tính của HSC, thời gian tới, thị trường cần khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng để hấp thụ số cổ phiếu mới phát hành. HSC ước tính, con số này trong cả năm 2010 khoảng 50.000 tỷ đồng. Đó là lý do giải thích chứng khoán khó kỳ vọng bật mạnh khi các nhân tố cơ bản đã sẵn sàng. Hiện tại, nhiều NĐT vẫn đang phải bán bớt cổ phiếu để thực hiện quyền mua.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|