Công bố thông tin cổ phiếu: Giải trình có cũng như không!
Cần phải siết lại việc giải trình cổ phiếu tăng, giảm. Nghi vấn giải trình để làm giá cổ phiếu.
Thông tư 09 hướng dẫn việc công bố thông tin ở thị trường chứng khoán đã quy định rõ về việc doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin khi giá cổ phiếu tăng giảm bất thường. Theo thông tư này, khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn năm phiên liên tiếp mà không theo xu hướng chung của thị trường, hoặc giá cổ phiếu niêm yết tăng trần hoặc giảm sàn từ 10 phiên liên tiếp trở lên thì tổ chức niêm yết phải công bố các sự kiện liên quan có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, hiện nay việc giải trình từ phía doanh nghiệp khi giá cổ phiếu tăng hay giảm lại được thực hiện như một cách đối phó hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ.
Giải trình theo văn mẫu
Thống kê sơ bộ các công văn giải trình của doanh nghiệp niêm yết về vấn đề này gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hay Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đều giống nhau như văn mẫu. Cụ thể khi giá cổ phiếu tăng doanh nghiệp giải trình rập khuôn kiểu: “Hiện công ty vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường còn việc biến động giá cổ phiếu là do thị trường quyết định, ngoài tầm kiểm soát của công ty”. Hay “Công ty cam đoan không có bất kỳ thông tin nào khác để tác động đến việc giao dịch của nhà đầu tư”.
Còn khi giá cổ phiếu giảm thì doanh nghiệp không nói về hoạt động sản xuất kinh doanh mà giải thích… do những tác động từ bên ngoài. Mới đây có công ty niêm yết trên sàn HOSE giải trình về giá cổ phiếu giảm năm phiên liên tiếp đã viết: “Theo đánh giá của hội đồng quản trị và ban điều hành công ty, khủng hoảng nợ ở châu Âu trở nên căng thẳng khiến thị trường ngoại hối, thị trường kim loại quý biến động mạnh, thị trường chứng khoán thế giới tụt dốc ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và cổ phiếu công ty nói riêng… Bởi những lý do nêu trên nên giá cổ phiếu giảm ngoài tầm kiểm soát của công ty”.
Đọc các kiểu công bố thông tin bất thường như trên, nhà đầu tư không thể lọc ra được thông tin gì để biết vì sao giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó biến động.
Tại sao không biết?
Liên quan đến chất lượng các báo cáo giải trình kiểu về tăng, giảm giá cổ phiếu, trả lời báo chí ông Lê Hải Trà, Phó Giám đốc HOSE, cho biết khó định nghĩa doanh nghiệp giải trình thế nào là hợp lý. Hiện nay, quy trình tại HOSE là khi nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp, Sở chỉ kiểm tra xem có sai sự thật, sai số liệu hay không và sau đó công bố lên website của Sở cho nhà đầu tư tham khảo.
Cách trả lời của cơ quan quản lý về thị trường chứng khoán như trên làm nhà đầu tư bất an. Dư luận cho rằng quản lý nhà nước như vậy là không linh hoạt và có phần lỏng lẻo. Nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao các cơ quan quản lý không siết lại việc giải trình này của doanh nghiệp. Tại sao không yêu cầu doanh nghiệp giải trình lại khi việc giải trình không có nội dung. Thậm chí việc này có thể xử lý mạnh tay hơn. Như lưu lại các giải trình làm bằng chứng để xử lý nếu trong thời gian giải trình mà có những nội dung doanh nghiệp không công khai minh bạch.
Còn trước kiểu giải trình về tăng giảm giá cổ phiếu “có cũng như không” của các doanh nghiệp niêm yết khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin. Kênh chứng khoán trồi sụt thất thường cũng vì những điều tưởng nhỏ này. Giới đầu tư cho rằng doanh nghiệp niêm yết cần có trách nhiệm với việc công bố thông tin về cổ phiếu của mình. “Giải trình một cách trung thực cũng là cách để doanh nghiệp nâng cao uy tín, thương hiệu đến với công chúng đầu tư” - anh Tấn An, nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Sen Vàng, bộc bạch.
Nghi vấn giải trình để làm giá cổ phiếu
Trong quý I-2010 vụ việc Công ty Cổ phần Vật tư vận tải Xi Măng (mã chứng khoán VTV) giải trình giá cổ phiếu tăng năm phiên liên tiếp là do có tác động của một cổ đông lớn chào mua công khai cổ phiếu.
Chuyện giải trình này khiến giới đầu tư xì xào là doanh nghiệp nêu lý do có lợi cho một thương vụ chào mua công khai cổ phiếu VTV. Vì sau đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố một số vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Nguyễn Kim Phượng, cổ đông lớn của Công ty VTV, người đã đăng ký chào mua công khai nhưng sau đó lại âm thầm bán ra cổ phiếu VTV. |
Bùi Nhơn
PHÁP LUẬT
|