Thứ Sáu, 21/05/2010 16:15

Nhật Bản lúng túng trong giảm phát

Những ngày qua, người dân ở Đông Nam á có thể sang Tokyo để mua quần áo với mức giá rẻ bất ngờ, chỉ 700 Yên (tương đương với 7,45 USD) một chiếc quần Jean, 1000 Yên một đôi bốt phụ nữ và 7800 Yên cho một bộ nam phục. Mức giá hiện nay chỉ còn bằng 1/3 so với một thập kỷ trước, khi người Nhật thường sang Băng Kốc và Hồng Kông mua sắm để hưởng mức giá rẻ hơn.

Trong 12 tháng liên tiếp, hàng hóa tại Nhật Bản liên tục trượt giá. Thông báo chính thức của tổng cục Thống kê nước này cho thấy giá đất tại Nhật Bản đã giảm một nửa so với 20 năm trước. Tháng 1/2010, mức giá tiếp tục giảm thêm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương (BOJ) đã trấn an dư luận bằng cam kết ngăn chặn đà sụt giảm mạnh của mặt bằng giá chung, trong khi nhiều chuyên gia tài chính và kinh tế cho rằng, nếu Chính phủ không can thiệp kịp thời, giảm phát sẽ làm trì hoãn mọi động thái hồi phục của nền kinh tế từng một thời hùng mạnh này.

Thực vậy, giá cả trong xu hướng giảm đã khuyến khích người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm trong hiện tại với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm. Điều này ngay lập tức sẽ làm giảm doanh thu và lợi nhuận của các công ty, khiến họ buộc phải giảm giá hơn nữa để tăng doanh số. Thu nhập của chính phủ từ thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác cũng giảm theo, gây áp lực lên ngân sách quốc gia.

Nhưng theo Eisuke Sakakibara, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Nhật Bản vào những năm 1990, giảm phát tại Nhật Bản hiện nay không hoàn toàn là một điều tồi tệ. Thậm chí, Nhật Bản có thể tìm thấy những lợi ích nhất định từ giảm phát. Theo lập luận của ông, giảm phát của Nhật Bản có sự tác động của hội nhập kinh tế, do thương mại nội khối của khu vực Đông á đã chiếm tới 57% tổng giá trị thương mại của toàn châu á. Như vậy nếu Nhật Bản nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, giá bán tại thị trường này đương nhiên sẽ giảm xuống so với mức giá trước đó tại thị trường Nhật Bản. Và rất khó tránh được giảm phát do các chính sách tiền tệ nếu đó là sự thay đổi cơ cấu. Giảm phát ở mức độ tương đối thấp là một điều dễ hiểu ở Nhật Bản hiện nay.

Đối lập với quan điểm này, Masaaki Kanno, từng là quan chức tại NHTW Nhật Bản và hiện đang là kinh tế gia trưởng của JP Morgan tại Tokyo. Theo ông, giảm phát và nền kinh tế có tác động hai chiều với nhau. Theo ngôn ngữ của người Nhật thì rất khó xác định được đâu là con gà, đâu là quả trứng. Nếu giảm phát không sớm chấm dứt thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3% của Nhật Bản trong năm 2010 dường như không thể thực hiện được. (Kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 0,9% trong quí cuối năm 2009, trong khi tăng trưởng của Hoa Kỳ đạt 5,6% và Trung Quốc đạt trên 10%).

Cũng tương tự, Richard Jerram, kinh tế gia trưởng của Công ty chứng khoán Macquarie Capital tại Tokyo cho biết giảm phát đang bào mòn dần sức khỏe nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn. Các công ty phi sản xuất đang trở nên bi quan hơn so với một năm trước bởi giá hàng hóa liên tục giảm. Giảm phát cũng đồng nghĩa với việc không thể cố định các vấn đề tài chính trong một nền kinh tế không có tăng trưởng danh nghĩa. Nếu giảm phát tiếp tục duy trì trong 5-10 năm nữa, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng về tài chính công.

Do giá cả và tiền công giảm sút, nhiều người Nhật Bản đã “tạm ngừng” mua ô tô và đồ đạc gia đình bởi họ nghĩ rằng sang năm giá sẽ còn rẻ hơn nữa. Khảo sát thực tế tại các siêu thị Nhật Bản, nhiều người Nhật Bản cho biết họ rất lo sợ giảm phát. Sau khi trải qua một thập kỷ lạm phát, sau đó là giảm phát, kinh tế Nhật Bản đang đánh mất dần sức mạnh của mình và người tiêu dùng cũng kém tự tin hơn.

Nhưng họ cũng đang sống trong sự mâu thuẫn. Người tiêu dùng Tokyo, trong đó chủ yếu là những người đang ở nhà thuê, cho rằng ngay cả nếu họ phải trả 1000 USD cho một không gian chật hẹp ở vùng ven đô thì vẫn còn hơn là mua một căn nhà ở nội thành, bởi giá thuê bãi để xe cũng đã tới 200-600USD/tháng. Nhiều người cho rằng giá hiện nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm về mức bình thường chứ không quá đắt đỏ như những gì người ta đã thấy ở Tokyo thời gian trước. Theo họ, giá cả tại Tokyo đã bị thổi lên vào đầu những năm 1980, khi 300 Yên Nhật mới đổi được 1 Đôla Mỹ (hiện nay, khoảng 93 Yên Nhật đã đổi được 1 Đôla Mỹ). Khi đó, một phòng nghỉ nhỏ tại một làng ven biển, với mức giá 3000 Yên/người, tương đương với 40 USD/người cho một gia đình 4 người, có mức giá tương đương đương với giá của một phòng nghỉ ở khác sạn tại Mỹ. Vào thời đó, một người lao động phải trả 900 Yên cho một bữa trưa có thịt, gạo và một ít súp.

Sau hiệp ước Plaza 1985, nhiều thế lực đã can thiệp vào thị trường tiền tệ làm đồng Đôla Mỹ yếu đi trong khi đồng Yên Nhật mạnh lên. Mục tiêu gây sức ép quốc tế làm tăng giá đồng NDT Trung Quốc cũng đã từng được áp dụng với Nhật Bản, để nước này tăng nhập khẩu và giảm xuất khẩu. Đồng Yên đã nhanh chóng tăng gấp hai lần, giá bất động sản cũng leo thang chóng mặt, gấp 50 lần mức giá vào những năm 1950, khiến một ngôi nhà gỗ ở Osaka cũng có giá tới 1 triệu USD vào năm 1989.

Vào thời điểm đó, với hy vọng nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục mạnh lên, nhiều doanh nghiệp đã đẩy giá lên và người tiêu dùng chấp nhận sự tăng giá đó, khiến 60 Đôla Mỹ mới mua nổi một chai rượu vang và 100 USD mới mua được một quả dưa. Nhưng khi thị trường chứng khoán và nhà đất sụp đổ do bong bóng vỡ, chỉ số Nikkei 225 giảm từ 39.000 điểm xuống chỉ còn 9000 điểm vào những năm 1990, giá cả lại không giảm theo tương ứng. Nhiều chủ đất, nông dân và nhà cung ứng vẫn giữ mức giá của họ do tin rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục.

Ngày nay, ngay cả khi Nhật Bản đang ở trong giai đoạn kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Đại chiến thế giới II, nhiều người vẫn cho rằng họ có thể cho thuê những căn hộ 4 người với mức giá 12 ngàn Yên/tháng.

Hơn nữa, không phải cứ khi có tăng trưởng kinh tế là giá cả sẽ tăng lên tương ứng. Trong thời kỳ xuất khẩu của Nhật Bản nở rộ vào năm 2006, các công ty Nhật Bản đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng lương của người lao động không tăng lên. Người làm công cảm thấy bị phản bội và cố gắng không mua hàng hóa của chính công ty họ. Do đó, tiền lương đã giảm trung bình 10% so với năm 1997 và chi tiêu của các hộ gia đình vẫn tiếp tục giảm.

Trong khi đó, bất động sản ở ngoại ô đã giảm giá tới 50% so với mức đỉnh cao vào năm 1990. Ngay cả khi giá nhà đã giảm thì nhiều người Nhật, trong đó phần nhiều là người lao động trử tuổi vẫn không giám mua nhà, bởi lo sợ thất nghiệp sẽ khiến họ không thể duy trì cuộc sống nếu vay nợ để mua nhà. Họ cũng chờ đợi giá nhà tiếp tục giảm. Sự bùng nổ của thị trường bất động sản ở Trung Quốc không có tác động thuận chiều tới thị trường nhà đất Nhật Bản, bởi người Trung Quốc không thể xây những căn nhà giá rẻ và gửi nó tới Nhật Bản.

Ngoài ra, với dân số ngày càng già đi và tốc độ tăng dân số giảm sút, các nhà hoạch định chính sách nước này đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc thay đổi tình hình. NHTW Nhật Bản vào cuối tháng 3/2010 đã tăng gấp đôi giá trị chương trình tín dụng, trị giá 20 ngàn tỷ Yên. Thống đốc NHTW Nhật Bản Masaaki Shirakawa cho biết ông hy vọng chi phí vay thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tiêu dùng và giá cả tăng trở lại.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng BoJ có trách nhiệm phải chấm dứt giảm phát sớm. Họ không nên chờ đợi những động thái mới từ Chính phủ. Thảo luận về giảm phát và lạm phát giờ chỉ là một việc vô ích, mất thời gian bởi tác hại của giảm phát đã rất rõ ràng, ngay cả khi một số người vẫn cho rằng giá giảm là hợp lí và tốt cho người tiêu dùng Nhật Bản- những người đã từng có một cuộc sống rất đắt đỏ. Theo họ, việc chi 40-50 ngàn tỷ Yên có thể sẽ tạo ra lạm phát trong ngắn hạn nhưng không bền vững và sẽ làm tăng áp lực nợ nần cho Chính phủ. Những chính sách tốt cần phải tính đến sự hài hòa tương đối giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nếu không tính tới các rủi ro này, Nhật Bản có thể rơi vào cái bẫy tăng trưởng mà cần tới nhiều thập kỷ nữa họ mới vượt qua được. Chính phủ cần chỉ cho người dân thấy tác hại của giảm phát. Nhiều nhà báo Nhật Bản hiện giờ vẫn không muốn nói sự thật với công chúng Nhật Bản. Họ không dám đề cập đến việc hệ thống hưu trí của nước này có thể sẽ không còn duy trì được như ngày nay nữa.

Tuy nhiên, liệu NHTW có thể đối phó với giảm phát mà không cần tới sự can thiệp của Chính phủ hay không? Giảm phát vốn là một vấn đề tiền tệ, nhưng ở Nhật Bản, nó lại có những căn nguyên khác, từ việc giảm dần vai trò điều hành của Chính phủ. ở Mỹ, Chính phủ sẽ nhanh chóng áp dụng những biện pháp cứng rắn để đối phó với giảm phát. Để mục tiêu chống giảm phát sớm đạt được, nhiều nhà kinh tế cho rằng Chính phủ nên hành động cùng BOJ. Họ cũng nên thừa nhận rằng để giảm phát duy trì một thời gian dài là một sai lầm lớn, khiến nền kinh tế Nhật Bản mất đi sức mạnh thân kỳ của nó. Nếu ngay bây giờ Chính phủ can thiệp chống giảm phát, họ có thể động chạm tới lợi ích của những người về hưu và người lao động nghèo- những người luôn muốn giá tiếp tục giảm, nhưng chống giảm phát là điều cần thiết với kinh tế Nhật Bản trong dài hạn.

Trong khi đó, những người thiên về trường phái xã hội học, với lo lắng về một bộ phận đông đảo dân số già của Nhật Bản vẫn cho rằng kinh tế nước này có thể phục hồi trong khi giá không tăng trở lại.

Đúng là giá giảm không đồng nghĩa với nền kinh tế Nhật Bản đang suy thoái, nhưng nếu GDP sụt giảm liên tiếp trong một thời gian dài và sức mua của người Nhật sụt giảm thực sự so với mức trung bình của khu vực thì đó là lúc nền kinh tế này mất đi quán tính của mình và rơi vào cuộc suy thoái mới.

Tin thương mại

Các tin tức khác

>   Kinh tế Hoa Kỳ: Thời gian để tái cân bằng (21/05/2010)

>   Đức: GDP quý I tăng 0.2%, niềm tin doanh nghiệp giảm (21/05/2010)

>   "Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ giảm phát" (20/05/2010)

>   Kinh tế Singapore tăng trưởng vượt bậc 38.6% (20/05/2010)

>   Nhật Bản: GDP quý I tăng 4.9% khi đà phục hồi lan rộng (20/05/2010)

>   Cẩn trọng với những dòng vốn không ổn định (19/05/2010)

>   Châu Á có thể vượt qua “tường lửa” Hy Lạp (18/05/2010)

>   Châu Âu trước cú sốc thắt lưng buộc bụng (17/05/2010)

>   "Nền kinh tế Mỹ cần được tiếp thêm động lực" (17/05/2010)

>   Venezuela quốc hữu hóa một số công ty luyện kim (16/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật