Thứ Sáu, 21/05/2010 16:12

Kinh tế Hoa Kỳ: Thời gian để tái cân bằng

Nền kinh tế Mỹ đang dần chuyển từ thỏa mãn tiêu dùng bằng hàng hóa nhập khẩu và nợ nước ngoài sang hướng đẩy mạnh xuất khẩu và tiết kiệm hơn. Thế giới sẽ chứng kiến những chuyển đổi rất lớn của nền kinh tế này trong thập kỷ tiếp theo.

Trong hai năm trở lại đây, nhiều ngành công nghiệp của Hoa Kỳ đã phải cắt giảm một lượng nhân công lớn và nạn nhân lớn nhất của sự sa sút này chính là người tiêu dùng. Số việc làm trong ngành xây dựng và sản xuất xe ca đã giảm khoảng 1/3 trong vòng hai năm qua, trong khi ngành bán lẻ và ngân hàng cũng phải cắt giảm tới 8% số nhân công. Khi kinh tế dần phục hồi, một số người sẽ lại có việc làm, nhưng phần đông sẽ vẫn sống trong cảnh thất nghiệp, bởi đây không phải là một cuộc suy thoái đơn giản và thông thường. Bong bóng bất động sản, điều kiện tài chính dễ dãi và nguồn dầu mỏ giá rẻ đã giúp nước Mỹ trở thành một xã hội tiêu thụ thoải mái trong một thời gian dài, nhưng những điều kiện này sẽ không sớm quay lại trong bối cảnh hiện nay.

Thay vào đó, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ có sự chuyển dịch lớn trong những thập kỷ tới. Điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ chuyển từ trạng thái nợ nần và tiêu dùng thoải mái sang tiết kiệm và xuất khẩu. Kinh tế vi mô cũng thay đổi tương tự. Những phong cách sống mới, những công việc mới và môi trường kinh doanh mới sẽ xuất hiện.

Cuộc khủng hoảng và tiếp sau đó là suy thoái đang tạo ra một dấu chấm hết cho mô hình kinh tế cũ. Mặc dù những dấu hiệu phục hồi ban đầu đã xuất hiện nhưng giá nhà đất vẫn thấp hơn ít nhất 29% so với mức đỉnh điểm năm 2008 và giá cổ phiếu cũng tương tự. Tài sản của các hộ gia đình cũng giảm khoảng 12 ngàn tỷ USD, tương đương với 18% so với năm 2008. Do đó, phần thu nhập khả dụng cũng giảm xuống, bằng với mức của năm 1995. Nếu người tiêu dùng cảm thấy họ đang nghèo đi, họ sẽ chi tiêu ít đi. Các ngân hàng cũng không muốn cho người đang nghèo vay mượn, bởi nó đi kèm với rủi ro về khả năng trả nợ. Ngược lại, họ thắt chặt điều kiện tín dụng để bảo vệ số tài sản còn sót lại sau khủng hoảng; cũng như đáp ứng những yêu cầu mới khắt khe hơn về an toàn tài chính và phòng chống rủi ro hệ thống.

Theo số liệu thống kê của viện nghiên cứu McKinsey Global (Mỹ), nợ tiêu dùng của Mỹ đã tăng từ mức 80% tiêu dùng khả dụng vào 20 năm trước lên tới 129% tiêu dùng khả dụng vào năm 2007; cho thấy người Mỹ đã tiêu dùng dựa trên số tiền đi vay nợ trong một thời gian dài. Nếu các cuộc khủng hoảng trong nửa đầu thế kỷ trước để lại một kinh nghiệm nào đó thì chính là xu hướng giảm dần tỷ lệ nợ của người tiêu dùng Mỹ trong 6-7 năm nữa, để đưa chúng về ngưỡng có thể kiểm soát được. Thực tế cho thấy những thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế Mỹ đã diễn ra từ năm 2009: Nếu như tỷ trọng chi tiêu dùng trong GDP đã tăng từ 70% vào năm 1991 lên 76% vào năm 2005 thì vào năm ngoái, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 73% và có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, mặc dù 73% vẫn là mức cao so với mức chung của thế giới.

Tác động của sự trượt giá tài sản, thắt chặt tín dụng và tăng giá năng lượng lên nền kinh tế Hoa Kỳ đang được thể hiện ngày càng rõ nét. Chỉ rất ít người bỏ tiền ra mua nhà trong thời gian gần đây, những ngôi nhà bán được cũng chủ yếu thuộc nhóm nhỏ và kém tiện nghi hơn. Năm 2008, kích cỡ trung bình của các ngôi nhà được bán đã giảm khoảng 1/3 so với 13 năm trước. Số lượng thẻ tín dụng được lưu hành cũng giảm khoảng 1/5. Ví dụ, Tờ American Express đã thu lại các thẻ tín dụng và chuyển sang hình thức yêu cầu thanh toán đủ số tiền hàng tháng để chắc chắn khả năng thu phí ấn phẩm và dịch vụ.

Như vậy nếu Hoa Kỳ muốn tránh sự suy thoái đình trệ mà Nhật Bản đã rơi vào sau sự đổ vỡ của bong bóng tài sản, họ sẽ phải dựa vào những động lực tăng trưởng nào? Trong ngắn hạn, Chính phủ Mỹ sẽ vẫn duy trì được một số chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, ví dụ cung cấp các khoản vay với tổng trị giá lên tới 10% GDP để bù đắp cho sự sụt giảm của tiêu dùng tư nhân và đầu tư. Nhưng các chính sách kích thích tăng trưởng sẽ được giảm dần. Tổng thống Obama mong muốn thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 3% vào giữa thập kỷ tới. Nhưng nếu phần còn lại của nền kinh tế vẫn trì trệ, Chính phủ có thể sẽ phải do dự trước việc dừng sớm chính sách kích thích tăng trưởng để nền kinh tế không rơi vào suy thoái và mục tiêu về ngân sách sẽ khó thực hiện được.

Trong khi đó, tín dụng và vay tiêu dùng, trong bối cảnh bị thắt chặt như hiện nay, sẽ không còn là động lực lớn cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đồng Đôla mạnh lên và giá dầu được giữ mức thấp trong một thời gian dài đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của Hoa Kỳ trong nhiều năm. Nhưng ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, xu hướng này đã bắt đầu thay đổi khi đồng Bạc xanh giảm giá và sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi làm thay đổi cơ cấu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông thường thì tiếp theo sau các cuộc khủng hoảng sâu là nhu cầu mạnh mẽ của việc tự bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro mà người ta đã từng phải đối mặt trong khủng hoảng. Trong đợt suy thoái vừa qua, GDP của Hoa Kỳ giảm 3,8%, mức sụt giảm lớn nhất kể sau đại chiến thế giới lần thứ II. Nếu may mắn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại với tốc độ 6-8% trong vài năm tới và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm đi, như những gì đã diễn ra trong hai cuộc suy thoái trước đó, vào năm 1973 và 1982.

Nhưng cuộc suy thoái lần này có nhiều điểm đặc biệt, nó bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính và đã phá hủy nhiều kênh tài chính quan trọng tại Mỹ, cắt đứt kênh luân chuyển nguồn vốn cho hoạt động đầu tư sinh lời và khiến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp phải vật lộn với nợ nần, dư thừa hàng hóa và làm đóng băng thị trường bất động sản. Do tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lần này, sự phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp và yếu hơn, trong khoảng 9 tháng tới, tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 4% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ không thay đổi nhiều, mặc dù đã giảm nhẹ trong tháng 2/2010.

Thực tế là việc giá dầu tăng gấp 4 lần kể từ năm 1990 đã thay đổi động lực tiêu dùng và sản xuất trên thế giới. Những phương tiện giao thông đắt tiền và tốn nhiên liệu đã không còn phổ biến, thay vào đó người ta quan tâm hơn đến tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch. Các nhà sản xuất đã cố gắng tìm kiếm nguồn dầu từ các bãi cát lớn và vùng biển Bắc Mỹ. Nhập khẩu dầu mỏ đã giảm 10% kể từ năm 2006 đến nay và dường như sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, địa lí kinh tế của Hoa Kỳ cũng sẽ thay đổi. Giá dầu rẻ và tín dụng mở rộng đã khuyến khích hàng triệu người Mỹ chuyển đến các bang phía Nam và các tỉnh ở xa đô thị để sống trong các ngôi nhà rộng rãi. Ngày nay, sự đổ vỡ của thị trường nhà đất đã giữ họ ở lại những ngôi nhà mà họ không thể mua chúng. Tăng trưởng dân số của vùng ngoại ô đã chậm lại. Hiện nay, các ngành công nghiệp tập trung nhiều chất xám thường phát triển tại các khu trung tâm có lợi thế về cơ sở hạ tầng và ngồn nhân lực trình độ cao. Một số đô thị truyền thống như New York và một số khu đô thị cấp 2 cung cấp cho người lao động cơ hội có việc làm, với những ngôi nhà tiện nghi và thời gian di chuyển ít hơn.

Sự thay đổi của năng suất lao động cũng sẽ kéo theo sự thay đổi của thu nhập và lợi nhuận. Nếu thu nhập được cải thiện, nó sẽ cho phép người lao động trả các khoản nợ của họ để tiếp tục chi tiêu. Năng suất lao động trong ngành xây dựng hiện vẫn còn rất thấp trong khi các doanh nghiệp trong ngành này lại từng có lợi nhuận cao nhất trong nền kinh tế. Những tổn thất trong hệ thống tài chính đã khiến ngành xây dựng thiếu thanh khoản nghiêm trọng, dẫn đến sự hạn chế của các phát minh, sáng tạo. Triển vọng cho hoạt động đầu tư phụ thuộc vào đối tượng hướng tới là trang thiết bị hay là phòng ốc, nhà xưởng. Chi phí cho trang thiết bị trong quí IV/2009 đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2008. Vào tháng 2/2010, John Chambers, giám đốc của hãng Cisco Systems đã gọi đó là là điều ấn tượng và khả quan nhất mà ông ta từng thấy trong sự nghiệp của mình. Trong khi đó, nhu cầu về các phòng ốc mới lại rất thấp, nhiều cửa hàng và văn phòng đóng cửa đã bị bỏ không trong một thời gian dài. Xét ở tầm vĩ mô, đầu tư kinh doanh chỉ chiếm 10-12%GDP và dù có tăng mạnh trở lại thì cũng không đủ để bù đắp cho chi tiêu dùng.

Do người tiêu dùng Mỹ sẽ hình thành thói quen tiết kiệm để bảo vệ mình sau cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp nước này sẽ phải tìm kiếm các thị trường bên ngoài để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của mình. Nhưng sức cạnh tranh mạnh mẽ từ những nền kinh tế có nhân công giá rẻ, đặc biệt là Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Tại các thị trường này, các ngành công nghiệp nội địa như đồ nội thất, dệt may và điện tử dân dụng cũng đang nỗ lực vươn lên để chiếm lĩnh thị trường nội địa của mình, do đó, cơ hội thâm nhập của các nước khác.

Sự thay đổi về tỷ trọng của các nền kinh tế trong tăng trưởng toàn cầu và giá của đồng Đôla phụ thuộc vào sự thay đổi trong hoạt động xuất khẩu của các nước. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ là người tiêu dùng lớn nhất của thế giới trong khi các thị trường mới nổi đứng ở vị trí nhà sản xuất. Nhưng theo Bruce Kasman, kinh tế gia trưởng của JPMorgan Chase, điều này đang dần thay đổi. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ chỉ đóng góp 27% và tiêu dùng toàn cầu trong năm 2010 trong khi các thị trường mới nổi đóng góp 34%.

Đồng Đôla giá rẻ sẽ có lợi nhất cho những công ty mà hiện nay đang là những nhà xuất khẩu lớn. Những công ty này phản ánh sức mạnh của Hoa Kỳ trong các ngành dịch vụ cao cấp và ngành chế biến chế tạo đòi hỏi hàm lượng chất xám cao như thiết bị y tế, dược phẩm, phần mềm, cơ khí và các ngành dịch vụ như điện ảnh, kiến trúc và quảng cáo. Nhờ những thành tựu của công nghệ giá rẻ, Hàn Quốc và Ấn Độ đã tạo ra những xưởng phim với năng suất cao để cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ có các tổ hợp của Hollywood mới kết hợp được tính sáng tạo, sự chuyên nghiệp và nghiên cứu thị trường để làm nên những sản phẩm như Avatar, đem lại doanh số 2,6 tỷ USD, trong đó đến 70% thu được từ nước ngoài. Đây liệu có phải là xu hướng mới của Mỹ?

Xuất khẩu tăng lên là một tín hiệu truyền thống của sự phục hồi sau khủng hoảng. Đó là những gì chúng ta đã thấy ở Thụy Điển và Phần Lan vào đầu những năm 1990, ở Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc vào cuối những năm 1990, sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á. Nhưng với quy mô và tình trạng yếu ớt của các nước giàu khác, Hoa Kỳ sẽ khó khăn hơn khi muốn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, bởi sức mua ở phần còn lại của thế giới sẽ không lớn như trong giai đoạn trước. Thực tế là trong những năm gần đây, xuất khẩu của Mỹ sang các thị trường mới nổi lớn hơn so với xuất khẩu sang các thị trường phát triển, nhưng nếu Trung Quốc và các thị trường mới nổi không kích cầu tiêu dùng nội địa đủ để hấp thụ được hàng hóa cả từ các nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu, thì cơ hội cho Hoa Kỳ là không lớn.

Thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ đã giảm từ 6% GDP vào năm 2006 xuống chỉ còn 3% GDP vào năm 2009. Nhưng liệu mức thâm hụt này có thể biến mất hay không? Thực ra điều này đã từng có trong quá khứ, sau khi xuất khẩu của Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh trong vòng 5 năm, từ 1986-1991, năm 1991 Hoa Kỳ không bị thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai. Nhưng lần này, phần còn lại của thế giới cũng bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nên cơ hội để có 5 năm tăng trưởng mạnh, liên tục của xuất khẩu là rất khó. Tuy nhiên, với mức thâm hụt ổn định chỉ 3% GDP, Hoa Kỳ cũng có thể giảm được tốc độ tăng của nợ nước ngoài trong 1 - 2 năm tới.

Tin Thương mại

Các tin tức khác

>   Đức: GDP quý I tăng 0.2%, niềm tin doanh nghiệp giảm (21/05/2010)

>   "Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ giảm phát" (20/05/2010)

>   Kinh tế Singapore tăng trưởng vượt bậc 38.6% (20/05/2010)

>   Nhật Bản: GDP quý I tăng 4.9% khi đà phục hồi lan rộng (20/05/2010)

>   Cẩn trọng với những dòng vốn không ổn định (19/05/2010)

>   Châu Á có thể vượt qua “tường lửa” Hy Lạp (18/05/2010)

>   Châu Âu trước cú sốc thắt lưng buộc bụng (17/05/2010)

>   "Nền kinh tế Mỹ cần được tiếp thêm động lực" (17/05/2010)

>   Venezuela quốc hữu hóa một số công ty luyện kim (16/05/2010)

>   Tiền vay đi đâu? (16/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật