Kinh tế toàn cầu trước tác động của suy thoái tại châu Âu
Khủng hoảng nợ châu Âu đang dấy lên lo ngại là kinh tế toàn cầu còn ảm đạm, nhất là sau khi Chính phủ Đức ban hành qui định cấm bán khống các loại chứng khoán rủi ro, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã đồng loạt lao dốc ngay trong phiên giao dịch ngày 20/05 với mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008, quét đi khoảng 5.300 tỉ USD giá trị cổ phiếu, giá dầu giảm 2,7% xuống 68,01 USD/ thùng do số người mất việc làm tại Mỹ tăng trở lại. Chỉ số S&P 500 giảm 3,9%, chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,2% sau khi giảm 35 trong phiên trước, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm tiếp 2% như phiên trước.
Rủi ro trái phiếu châu Á tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, chỉ số chứng khoán tổng hợp châu Á – Thái Bình Dương giảm 1,4% xuống 111,82 điểm, mức thấp nhất trong 8 tháng qua và giảm 10% trong tháng này. Ngược lại, đồng euro phục hồi 0,7% lên 1,2579 USD do đồn đoán là hội nghị các bộ trưởng tài chính châu Âu nhóm họp tại Brussels vào ngày 21/05 sẽ hỗ trợ thị trường, trong đó bộ trưởng tài chính Đức sẽ trình bày kế hoạch 9 điểm nhằm tránh lặp lại khủng hoảng Hy Lạp.
Khủng hoảng nợ châu Âu tuy không tác động nhiều đến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn tài khóa có thể đẩy châu Âu vào tình trạng “suy thoái kép”, ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển.
Khủng hoảng nợ Hy Lạp đang lan sang các nước đông Âu, tốc độ phục hồi kinh tế tại khu vực này cũng chậm lại, nhất là các nước thuộc bán đảo Balkan. Đặc trưng của khu vực này là thị trường tài chính chưa phát triển, mức tiết kiệm thấp và lãi suất trong nước cao đã làm tăng các khoản vay nước ngoài trong những năm thành đạt. Vì thế, căng thẳng của đồng euro có thể làm giảm giá trị xuất khẩu vào các thị trường chủ chốt như CHLB Đức và Cộng hòa Pháp, gây rối loạn các thị trường vốn đông Âu, đẩy các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào tình thế khó khăn trong việc tái cấp vốn cho các khoản vay cầm cố và cho vay tiêu dùng.
Đối với châu Á, hoạt động xuất khẩu đã giúp nhiều nước trong khu vực phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Trong quí 1/2010, thương mại Nhật Bản đã đóng góp trên 50% vào tốc độ tăng trưởng GDP trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2010, kinh tế Singapore tăng 38,6% so cùng kỳ năm trước, kinh tế Đài Loan tăng 13,3%, tốc độ cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Vì thế, sự trượt giá của đồng euro làm cho hàng hóa châu Á trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu sang châu Âu có thể giảm mặc dù xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường mới nổi vẫn phục hồi. Tính từ đầu năm, đồng euro giảm khoảng 12-21% so với 10 đồng tiền chủ chốt của châu Á, bao gồm nhân dân tệ và đồng won của Hàn Quốc. Khi đồng euro mất giá, NHTW Trung Quốc tạm dừng kế hoạch tăng lãi suất và định giá lại đồng bản tệ, nên đồng nhân dân tệ giảm 0,3% xuống còn 6,7706 USD.
So với những khu vực khác trên thế giới, các nước phát triển châu Á lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu với khoảng 60% lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Bên cạnh khó khăn tại châu Âu, các nền kinh tế châu Á cũng phải đối mặt với khả năng giảm lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng 4/2010, xuất khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc và Nhật Bản chiếm khoảng 44%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 10%; xuất khẩu của Singapore sang Trung quốc và Hồng Kông chiếm 21,4%, trong khi sang châu Âu chỉ chiếm 13,8%.
Tăng trưởng kinh tế tại châu Á cũng sẽ chậm lại khi các NHTW châu Á bắt đầu rút bỏ các biện pháp kích thích kinh tế để kiềm chế lạm phát và bong bóng tài sản. Chính phủ Trung Quốc có ý định hạ nhiệt hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc yêu cầu các NHTM tăng dự trữ gấp 3 lần so với trước đây, NHTW Ấn Độ đã tăng lãi suất gấp đôi, Malaysia đã hai lần tăng lệ phí vay vốn vào tháng 3 và tháng 5. Trong đó, tăng trưởng kinh tế tại Singpore và Malaysia sẽ giảm mạnh do hai nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Có thể nói, khủng hoảng nợ Hy Lạp đang chuyển dịch rủi ro quốc gia thành rủi ro quốc tế và ảnh hưởng phần nào đến tốc độc phục hồi kinh tế toàn cầu thông qua cơ chế điều chỉnh lại các thị phần và giá trị xuất nhập khẩu, trong đó các nước đông Âu và châu Á bị tác động mạnh nhất.
Ts.Hoàng Thế Thoả
SBV
|