Châu Á trỗi dậy mạnh mẽ từ suy thoái
Trong khi Mỹ và châu Âu đang phải thắt lưng buộc bụng do khủng hoảng kinh tế, một dãy dài các tàu chuyên chở hàng hoá đang neo đậu ở cảng Singapore, giá thị trường bất động sản và chứng khoán đều tăng lên và nhu cầu máy tính cá nhân ở Indonesia vẫn không ngừng phình ra… là những bằng chứng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ từ suy thoái kinh tế của châu Á.
Châu Á dường như là khu vực duy nhất trên thế giới vẫn tương đối ổn định, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi những rắc rối về nợ nần và hệ thống ngân hàng mà đã gây ra các cuộc biểu tình trên đường phố Athens của Hy Lạp hay buộc Tây Ban Nha phải cắt giảm tiền lương. Bồ Đào Nha cũng phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng các kế hoạch tăng thuế và cắt giảm lương dành cho các nhân viên chính phủ. Châu Á, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đang dẫn đầu thế giới vượt qua sự suy thoái kinh tế. Các nền kinh tế của khu vực này cũng đang hội nhập nhanh hơn so với dự kiến, với nhiều dự án và các thoả thuận thương mại mới hứa hẹn sẽ thúc đẩy tiến trình phục hồi này. Các nhà kinh tế, doanh nhân và chính trị gia tại đây nói rằng nước Mỹ đang có nguy cơ tụt hậu sau khu vực này, là khu vực vốn đang ngày càng có khả năng biến những nguyên liệu thô thành các hàng hoá tư bản và tiêu dùng phục vụ cho chính nhu cầu của mình.
Ravi Menon, quan chức cấp cao của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nói: “Ai sẽ là người tăng gấp đôi nhập khẩu? Điều này vẫn chưa rõ ràng”. Ông Menon nói nhu cầu ngày càng tăng của châu Á đối với trang thiết bị, hàng may mặc, điện tử tiêu dùng và đồ gia dụng sẽ không giúp ích gì nhiều cho các doanh nghiệp của Mỹ.
Đặc khu Hồng Kông
Trong khi đó, ông Masanori Kudo, Phó chủ tịch cấp cao tại tập đoàn Showa Denko của Nhật Bản, phát biểu: “Chúng tôi đã nhận thấy sự phục hồi nhu cầu, nhưng điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia”. Các bộ phận phần cứng máy tính của công ty này chế tạo tại Singapore đã được chuyển tới các nhà chế tạo máy tính ở những nơi như Đài Loan để thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng, một ví dụ cho thấy quá trình sản xuất đã hội nhập trong toàn khu vực. Báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Đây là lần đầu tiên châu Á dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu”, với việc tăng trưởng không chỉ dựa trên các hàng hoá xuất khẩu mà còn từ chính nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sự tăng mạnh trong đầu tư.
Tuy nhiên cũng ngay tại châu Á, riêng Nhật Bản tiếp tục bị IMF đánh giá là sẽ tụt hậu, với dự báo GDP sẽ tăng 1,9% năm 2010 và 2% năm 2011.
Cụ thể, IMF dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10% trong cả hai năm 2010 và 2011, còn GDP của Ấn Độ ước tăng 8,8% năm 2010 và 8,4% năm 2011.
Báo cáo của IMF cho rằng kinh tế Mỹ dù không được ấn tượng như thế song cũng sẽ trở lại tăng trưởng ở mức 3,1% năm 2010 và 2,6% năm 2011.
Nước Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, một thị trường quan trọng cho các quốc gia khác và là trung tâm cho các triển vọng tăng trưởng của châu Á. Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về các loại hàng hoá và dịch vụ, mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách này. Nhưng những dự báo về nạn thất nghiệp kéo dài và sự tăng trưởng chậm chạp ở các nước phát triển cũng như mức độ nợ nần cao đã tạo ra một cảm giác cắt bớt chi tiêu ở những nước công nghiệp phát triển. Ngược lại, châu Á nổi bật với tốc độ tăng trưởng hai con số của Trung Quốc, chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ và ảnh hưởng gia tăng của các xã hội thương mại như Singapore. Sự tăng trưởng của châu Á vẫn là một tin tức tốt lành cho các công ty Mỹ. Các con chíp silic ở mỗi chiếc máy tính gia đình ở Indonesia có thể vẫn bắt nguồn từ một nhà máy của Mỹ. Các công ty kỹ thuật và quản lý của Mỹ có thể vẫn giám sát hàng tỷ USD dự kiến đầu tư vào đường sá, sân bay hay các cầu cảng trong khu vực. Thu nhập của người dân các nước châu Á gia tăng cũng đồng nghĩa với việc doanh số bán hàng cao hơn cho các hàng hoá cao cấp của Mỹ và châu Âu, khối lượng khán giả nhiều hơn cho các bộ phim của Hollywood và nhu cầu cao hơn cho các dịch vụ quản lý và dịch vụ khác.
Nhưng sự cạnh tranh trên tất cả các mặt trận đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Có một sự quan ngại, cả giữa các tập đoàn kinh doanh của Mỹ lẫn các quan chức châu Á về nguy cơ tiềm ẩn Trung Quốc chi phối khu vực và việc chính quyền Obama chưa đề ra một chương trình nghị sự thương mại bao quát hơn. Hàng chục hiệp định thương mại đã được thương lượng giữa các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm gần đây, và một số hiệp định tiềm năng đã được thực hiện, ví dụ như hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ liên kết ba nền kinh tế chính trong khu vực thành một liên minh kinh tế gần gũi hơn.
Trong khi đó, chính quyền Obama chỉ tập trung vào một hiệp định: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thoả thuận được cho là ít có tầm quan trọng kinh tế ngay trước mắt. Tổ chức gồm 8 nước này có 4 quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, trong đó có Singapore. Trong số những nước khác, chỉ có Việt Nam được coi là đủ đông dân để có ý nghĩa quan trọng khi nước này phát triển.
Chính trị nội bộ ở Mỹ đã biến thương mại trở thành một vấn đề phức tạp đối với ông Obama khi mà cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, với tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao gần 10%. Các tổ chức lao động và sản xuất cho rằng các thoả thuận thương mại trước đây đã đẩy hàng triệu việc làm của Mỹ ra nước ngoài và họ nói rằng Chính quyền Obama cần phải đưa ra các chính sách công nghiệp và thuế má trực tiếp hỗ trợ các nhà sản xuất của Mỹ.
Một số khác cho rằng hiệu quả nhất để hỗ trợ việc làm ở Mỹ là xuất khẩu hàng hoá nhiều hơn, đặc biệt là việc sử dụng tiền từ các quốc gia khác để hỗ trợ việc làm ở Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc và một số nước khác đã nói với các quan chức Mỹ rằng lợi ích không chỉ là về mặt kinh tế. Họ lo ngại rằng nếu không có đối trọng, sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng các nước láng giềng của Bắc Kinh ngày càng phụ thuộc về mặt kinh tế và chính trị vào Trung Quốc.
Ngoại trưởng Singapore George Yeo nói: “Khi mà Trung Quốc ngày càng phát triển thì Mỹ càng mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ ở đây”. Thoả thuận TPP được coi như một sự thoả hiệp thăm dò: một hiệp định sẽ đặt Mỹ, châu Á và các nhà đàm phán khác vào chung một phòng, có thể thiết lập một khuôn mẫu đàm phán với các nước khác và có phạm vi giới hạn vừa đủ để có thể được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, liệu thoả thuận này có giúp tăng cường xuất khẩu như kế hoạch của ông Obama hay không lại là một vấn đề khác.
Tổ Quốc
|