Thay đổi lớn trên thị trường quặng sắt và tác động tới lạm phát toàn cầu
Việc các công ty thép Nhật Bản và Trung Quốc thay thế các hợp đồng thường niên bởi các hợp đồng kỳ hạn 3 tháng có những hệ lụy về nhiều mặt. Sự thay đổi đó không chỉ có tác động đến cơ chế hợp tác giữa các công ty cung cấp quặng và các công ty sản xuất thép mà còn có những hệ lụy rộng hơn nữa đến kinh tế toàn cầu. Một số người thậm chí còn cho rằng “cuộc chiến” giữa các đại gia ngành sắt thép sẽ làm tăng lạm phát và hạn chế sự hồi phục của kinh tế thế giới trong thời gian tới.
Việc 4 nhà điều hành của Rio Tinto bị đối tác Trung Quốc bắt giam cho thấy công ty này đang bị thất thế, không chỉ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc mà còn gây thiệt hại cho hoạt động lâu dài của tập đoàn này trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, khi những cuộc đàm phán với các đối tác Trung Quốc không còn khả thi thì các giao dịch quặng sắt trên thị trường ngắn hạn sẽ tạo ra những chi phí khổng lồ không chỉ riêng cho ngành sắt thép, mà còn tác động đến hoạt động của rất nhiều ngành khác trên thế giới.
Trước tiên phải nói đến những tác động trực tiếp của sự thay đổi trên thị trường quặng sắt. Giá quặng sắt trong những hợp đồng mới đã tăng 90-100% so với các hợp đồng ký trước đây một năm. Giá giao ngay hiện cũng cao hơn 30% so với các giá của các hợp đồng mới kí kết, do đó, khi một hợp đồng đáo hạn trong ba tháng, rất có thể giá quặng sắt sẽ còn cao hơn nữa. Phần giá tăng lên sẽ lại được các công ty thép tính vào chi phí sản xuất hàng hóa và làm giá bán ra thị trường tăng lên. Trong khi đó, thép chiếm khoảng 95% trọng lượng các mặt hàng được làm từ kim loại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá quặng sắt tăng kỷ lục sẽ kéo theo giá của hàng loạt mặt hàng khác. Mức tăng của giá quặng sắt lớn gấp hai lần giá dầu. Trong kinh tế thế giới hiện nay, thép không quan trọng bằng dầu mỏ nhưng hệ số co dãn của cầu theo giá của thép thấp hơn dầu mỏ, cho thấy khi giá thép tăng lên, mức giảm của cầu sẽ thấp hơn so với trường hợp của dầu mỏ.
Nhiều NHTW trên thế giới thống nhất rằng lạm phát trong năm 2010 vẫn chưa ở mức độ nguy hiểm, nhưng nhận định của họ có vẻ như đang trở nên bất khả thi. Hiện nay, kinh tế toàn cầu đã bật lên khỏi đáy suy thoái, mặt bằng giá chung sẽ không tiếp tục giảm như thời kỳ khủng hoảng bởi giá nhân công giảm ở các nước phương Tây sẽ được cân bằng bởi lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và ấn Độ. Lạm phát đang có dấu hiệu đạt tới 2 con số tại ấn Độ và bong bóng tài sản cũng đang đe dọa làm lạm phát ở Trung Quốc tăng trở lại, mặc dù các số liệu thống kê chính thức của nước này không phản ánh điều đó. Với việc giá nguyên vật liệu đã tăng gấp hai lần trong một năm trong khi số lượng nhân công rẻ mạt cũng tăng tương ứng, 25 năm không bị áp lực lạm phát của phương Tây dường như đang chấm dứt và lạm phát sẽ xuất hiện trở lại chỉ trong vài tháng tới.
Bên cạnh đó, còn có một hiệu ứng thứ cấp của những thay đổi trên thị trường quặng sắt toàn cầu. Hiệu ứng này có thể góp phần tạo nên lạm phát trong kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Đó là sự chuyển dịch sang các giao dịch thanh toán ngay và sự gia tăng tương ứng của thị trường quặng sắt phái sinh.
Nếu xem xét tác động của các hình thức phái sinh đối với các mặt hàng khác, có thể thấy tác động chính của nó là làm mức giá dễ thay đổi hơn, cũng như góp phần thổi giá lên và tạo ra độ lệch giá (theo hướng tăng). Vàng là một trong những mặt hàng vốn được giao dịch theo hình thức giao ngay và thanh toán ngay, sau đó thị trường vàng nhanh chóng xuất hiện các hình thức giao dịch phái sinh. Giá vàng bị thổi lên rất cao so với nhu cầu thực tế. Từ năm 1973 trở lại đây, khi thị trường vàng phái sinh phát triển, giá vàng đã dao động và tăng rất mạnh so với thời kỳ trước đó. Một ví dụ khác cũng rất tiêu biểu là trường hợp của dầu mỏ. Nếu không tính cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970 thì giá dầu tương đối ổn định cho đến trước năm 2000. Sau đó, nạn đầu cơ và sự nở rộ của các giao dịch phái sinh trên thị trường dầu mỏ đã khiến giá dầu biến động rất mạnh. Thực tế là giá dầu đã tăng gấp hai lần trong giai đoạn 2003-2007 và tiếp tục tăng gấp hai lần nữa chỉ trong hai năm 2007-2008, trước khi sụt giảm trong ba quí liên tiếp khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đến nay, khi kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, giá dầu đã quay trở lại với mức liền trước năm 2007, năm tiền khủng hoảng.
Trong trường hợp của quặng sắt, trước năm 2007, giá quặng sắt chỉ dao động rất nhẹ trong khoảng 15-20%/năm và duy trì quanh mức 24,3 USD - 32,4USD/tấn trong suốt giai đoạn 1982-2000. Nhưng giờ đây, mọi việc đã thay đổi. Giá quặng sắt, cũng như giá dầu, có thể tăng gấp hai lần hoặc giảm một nửa chỉ trong vòng vài tháng và cũng sẽ dao động rất mạnh khi hoạt động đầu cơ trên thị trường phái sinh đẩy giá mặt hàng này ngày càng xa so với hoạt động kinh tế thực. Xét một cách tự nhiên thì những biến động này chủ yếu có lợi cho giới đầu cơ có liên quan, đặc biệt là những “đại gia” của Phố Wall.
Trong khi đó, điều này sẽ gây ra khó khăn cho tất cả những ai tham gia chuỗi sản xuất quặng sắt và thép. Không phải ai cũng có thể tự bảo hiểm cho mình trước sự biến động của giá quặng thông qua thị trường phái sinh. Việc này đòi hỏi mức thanh khoản tương thích trong vòng 1-2 năm và sẽ là một nguy hiểm lớn nếu người tham gia đánh cược sai về mức giá. Nếu như vào năm ngoái, một nhà sản xuất quặng sắt muốn an toàn và cố định giá bán ở mức ở 50 USD/tấn trong vòng 2 năm tới thì năm nay, anh ta sẽ phải hối tiếc vì giá quặng đã tăng rất mạnh. Đó là chưa kể đến những bất lợi lớn khi giá nhân công, vận tải, phương tiện khai khoáng và các chi phí sản xuất khác sẽ tăng giá mạnh, khiến giá thanh toán ngay của quặng sắt có thể lên tới 150 USD/tấn, tức là gấp 3 lần so với mức giá của hợp đồng cố định mà anh ta đã kí kết trước đó. Trong khi đó, một nhà sản xuất thép đã kí hợp đồng mua quặng với mức giá cố định cao cũng sẽ phải ngậm ngùi hối tiếc nếu giá quặng sắt giảm.
Ngoài ra, những bất cập trong hệ thống kế toán hiện đại cũng là một nhân tố gây ra sự bất ổn định trên thị trường sắt thép. Theo tiêu chuẩn kế toán tài chính FAS153, những giao dịch phái sinh phải được hạch toán theo giá thị trường. Nếu một công ty tự bảo hiểm cho đầu ra hoặc đầu vào của họ trong vòng 2-3 năm tới, lợi nhuận thực tế của anh ta sẽ bị bóp méo bởi sự xuất hiện của giá trị của các hợp đồng phái sinh. Ví dụ, những người tin tưởng rằng dầu sẽ tăng giá vào giữa năm 2008 đã tự bảo hiểm doanh số bán của họ vào năm 2010 dựa trên mức giá dầu là 100 USD/thùng. Họ có thể là những người may mắn bởi giá dầu trung bình ở thấp hơn mức này. Tuy nhiên, giá trị của các khoản tự bảo hiểm của họ đã vượt xa so với giá trị của doanh thu thực tế thường niên từ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ và bóp méo kết quả kinh doanh của các công ty này. Do vậy, khi giá dầu giảm vào cuối năm 2008, các công ty này đã thông báo lợi nhuận khổng lồ. Sau đó vào năm 2009, giá dầu hồi phục, lợi nhuận mà các công ty này công bố cũng giảm đi.
Đối với các nhà đầu tư và các ngân hàng, bản công bố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên bí hiểm và khó hiểu đến mức không còn là căn cứ để xác định được công ty này có lợi nhuận thật hay không. Như vậy, các hình thức tự bảo hiểm bằng giao dịch phái sinh, trong khi bảo vệ “giá trị kinh tế” ở một khía cạnh “bí hiểm” nào đó thì không có ích gì trong việc đảm bảo sự ổn định của lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Nguy hiểm hơn, nó còn gây hại cho hoạt động đầu tư vốn. Các công ty thép sẽ không gặp nhiều khó khăn bởi họ có thể đảm bảo rằng phần biên giữa chi phí quặng sắt và giá bán sản phẩm sẽ duy trì ổn định. Nhưng một nhà sản xuất quặng sắt sẽ không thể cân nhắc ngân sách thăm dò, khai thác hoặc đầu tư một lượng vốn đáng kể vào các mỏ mới khi anh ta không dự đoán được mức giá quặng sắt trong thời gian tới. Điều này đã từng diễn ra trong ngành dầu mỏ, khi các giao dịch phái sinh nở rộ và giá dầu biến động mạnh trong thập kỷ vừa qua. Với các nhà cung ứng dầu truyền thống ở Trung Đông, câu hỏi luôn là nguồn tài nguyên mà họ đang nắm giữ có giá trị lớn như thế nào, họ có thể sử dụng các quỹ dầu mỏ để bảo hiểm trước những biến động về giá, nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn hơn khi xu hướng giá trong dài hạn không rõ ràng như những gì chúng ta đang thấy vào thời điểm hiện nay.
Khó khăn hơn nữa là những vấn đề mà các nhà sản xuất dầu cát của Canada đang vấp phải. Trước năm 2008, các nhà sản xuất dầu kỳ vọng giá dầu sẽ lên tới 147 USD/thùng. Do đó, đến khi giá dầu giảm xuống vào cuối năm 2008, những dự án sản xuất dầu cát trị giá 90 tỷ USD đã bị ngưng trệ hoặc hủy bỏ. Trong khi đó giá dầu tăng lên 80 USD/thùng đã giúp nhiều dự án kiểu này thoát khỏi cảnh bị “xếp xó”. Cái giá của sự lộn xộn này rất đắt, nó có thể gây ra những chi phí lớn cho kinh tế thế giới, nhiều hơn so với lợi ích mà người ta kỳ vọng có được từ các giao dịch phái sinh dầu mỏ.
Sự chuyển dịch sang các giao dịch thanh toán ngay (hoặc ngắn hạn như thương vụ vừa rồi giữa các công ty thép và các nhà sản xuất quặng), cũng như sự phát triển của thị trường phái sinh quặng sắt sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Đơn giản nhất, nó làm tăng tiền thuê các nhân viên giao dịch của phố Wall trong khi áp mức chi phí khổng lồ lên những người khác. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới lạm phát cao, nạn tham nhũng và sự ngưng trệ các dự án trong thời điểm giá thấp, kết hợp với nạn đầu cơ tích trữ hàng hóa hữu hình, khiến giá cả leo thang và nguồn cung sắt thép không ổn định. Những thị trường như đồng, kẽm và các nguyên liệu thô khác cũng sẽ biến động tương tự, khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn hơn.
Sự thật là việc chuyển cơ chế giá ổn định trong dài hạn sang các “sòng bạc” đầu cơ sẽ mang lại lợi ích lớn cho một số thành phố của phố Wall và nhiều thị trường hàng hóa khác, nhưng gây ra những thiệt hại lớn cho những người còn lại. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới, thay vì bỏ tù các đối tác trong cuộc đàm phán về giá cả thường niên, phía Trung Quốc nhẽ ra nên đưa họ quay trở lại với bàn đàm phán, tại đó họ có thể tìm ra một mức giá hợp lí hơn và tránh để mình bị rơi vào vòng xoáy của các “sòng bạc” phái sinh tinh vi.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã dạy cho chúng ta bài học về cơn khát lợi nhuận của phố Wall có thể dẫn chúng ta đi đến đâu. Sự bùng nổ vượt tầm kiểm soát của chứng khoán phái sinh đã bóp méo các hoạt động kinh tế thực, tạo ra những bong bóng tài chính khổng lồ mà kết cục là sự đổ vỡ và khủng hoảng trên diện rộng. Một thập kỷ, hoặc nhiều hơn nữa ngập úng trong lượng tiền rẻ của Fed có thể khiến cho hoạt động kinh tế thực ngày càng khó nhận diện.
Rõ ràng, đây là lúc cần phải đổi mới, cải tổ hệ thống, khởi đầu bằng việc điều chỉnh chính sách lãi suất theo thực tế nền kinh tế, trước khi Phố Wall lại thành công trong việc tạo ra lạm phát và lợi nhuận cho mình trong khi những người khác gánh chịu hậu quả nặng nề từ một nền kinh tế bị bóp méo.
Tin Thương mại
|