Vì sao Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào Campuchia?
Tại sao Trung Quốc lại tăng cường đầu tư vào Campuchia và ai là người được hưởng lợi từ những chương trình đầu tư này?
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tìm mọi biện pháp để gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, trong đó Campuchia là một địa bàn chiến lược. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia ngày càng tăng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, ẩn chứa những tính toán riêng.
Campuchia: Vị thế địa - chiến lược
Dù Campuchia là nước có dân số không đông, thu nhập bình quân đầu người thấp, năng suất lao động không cao nhưng Trung Quốc vẫn giành sự ưu tiên đặc biệt. Campuchia luôn nằm trong danh sách 10 nước đứng đầu tiếp nhận FDI của Trung Quốc. Các lợi ích đan xen hỗn hợp về kinh tế, ngoại giao và quân sự đã khiến Campuchia có tầm quan trọng địa chính trị đối với Bắc Kinh.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể dùng Campuchia làm bàn đạp cùng với Lào ở phía Bắc để tiếp cận eo biển Malacca (từ tỉnh Vân Nam). Đây là một trong những tuyến hàng hải sầm uất nhất thế giới, nơi Trung Quốc trung chuyển 80% lượng dầu lửa nhập khẩu của mình.
Về mặt quân sự, các chuyên gia quốc phòng của Mỹ cho rằng, mục tiêu “dài hơi” của Trung Quốc tại Campuchia là hết sức to lớn. Nằm ở trung tâm của Đông Nam Á lục địa, cảng Sihanoukville của Campuchia được mệnh danh là một căn cứ có vị thế chiến lược tuyệt với để triển khai sức mạnh trên biển đối với Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca. Bên cạnh đó, các sân bay tại Campuchia có thể phát huy vai trò trong trường hợp Bắc Kinh thiếu khả năng tiếp dầu trên không để kiểm soát vùng trời trên biển.
Theo nhận định của giới quân sự, các căn cứ này không chỉ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc mà còn là một mắt xích quan trọng giúp Trung Quốc can dự vào ASEAN, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Một sự kiện quan trọng đánh dấu sự gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Trung Quốc với Campuchia là tháng 11/2008, tàu chiến Trung Quốc đã lần đầu tiên cập cảng Campuchia với sự chào đón của cả Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Về mặt ngoại giao, Campuchia luôn ủng hộ Bắc Kinh trong các vấn đề then chốt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ như Đài Loan và Tây Tạng. Cũng do ủng hộ Trung Quốc mà Campuchia đã thôi tán thành việc Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nhân tố Hoa kiều
Một lý do nữa giải thích việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Campuchia là nhân tố Hoa kiều. Trong khi các nhà đầu tư của phương Tây lo ngại môi trường đầu tư còn nhiều bất cập với tệ nạn tham nhũng ở châu Á thì các nhà đầu tư Hoa kiều lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Hoa kiều tại Campuchia còn được sự quan tâm, tạo điều kiện đầu tư của Hoa kiều từ Singapore và Malaysia. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại rủi ro trong môi trường kinh doanh ở Campuchia thì Hoa kiều tại đây lại góp phần thu hẹp khoảng cách về văn hóa và kinh tế cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Ai được lợi?
Số liệu thống kê cho thấy, trước năm 2006, phần lớn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đều là của tư nhân. Tổng số dự án đầu tư vào may mặc của Trung Quốc tại Campuchia trong giai đoạn từ năm 1998 - 2006 là 117, với giá trị lên tới 191 triệu USD. Từ năm 2006, các công ty Trung Quốc bắt đầu vào Campuchia để lấp chỗ trống do các nước phương Tây và các tổ chức đa phương để lại khi họ ngại tham gia vào lĩnh vực thủy điện gây nhiều tranh cãi.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, từ khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Campuchia, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là phía Trung Quốc, xét trên cả góc độ doanh nghiệp lẫn Chính phủ.
Các công ty Trung Quốc được hưởng lợi từ ưu đãi và dự án đầu tư do nguồn viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, bởi chính các công ty này thực hiện các dự án. Chẳng hạn, các công ty thủy điện Trung Quốc được phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ sang Campuchia. Chính phủ Campuchia không được tùy ý sử dụng các khoản viện trợ hay cho vay của Trung Quốc dành cho các công trình thủy điện tại nước này mà ngân khoản đó chỉ được chi trả trực tiếp cho các công ty Trung Quốc tham gia vào tổ chức, giám sát và xây dựng. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng, “Chính phủ Campuchia đang vay tiền của các ngân hàng Trung Quốc để tài trợ cho các công ty của chính Trung Quốc chứ không phải cho các doanh nghiệp của nước này”. Thêm vào đó, Trung Quốc còn thổi phồng chi phí dự án, ví dụ chi phí sửa chữa nhà máy thủy điện Kirirom I ban đầu ước tính 9 triệu USD nhưng Trung Quốc cho rằng phải lên đến 28 triệu USD. Đó là chưa đề cập đến việc Trung Quốc sử dụng máy móc thủy điện chất lượng thấp.
Thông qua các chương trình viện trợ và đầu tư này, Chính phủ Trung Quốc càng giành được sự ủng hộ từ phía các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý và công nhân Trung Quốc làm ăn tại Campuchia vì nhiều người trong số này không có nhiều cơ hội kinh tế nếu hoạt động trong nội địa Trung Quốc. Trung Quốc là nước viện trợ nhiều nhất cho Campuchia. Trong tổng số 1 tỷ USD viện trợ nước ngoài mà Campuchia có được năm 2009 thì Trung Quốc chiếm tới 257 triệu USD. Bắc Kinh thường nhấn mạnh đây là các khoản “viện trợ không điều kiện”, nhưng thực chất nó lại đi kèm với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ, theo đó chúng sẽ được sử dụng để tài trợ cho chính các dự án do Bắc Kinh thực hiện. Giới phân tích đánh giá, những ràng buộc với viện trợ của phương Tây là mở cửa cho cải cách (minh bạch, nhân quyền và dân chủ), còn với viện trợ của Trung Quốc là để mở cửa cho chính các nhà đầu tư của chính nước này.
Do lợi ích to lớn thu được mà Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty nước này đầu tư vào Campuchia. Sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc, nhất là là chính sách “Hướng ra bên ngoài”, đã cung cấp cho các công ty lớn của nước này những nguồn tài chính và tín dụng xuất khẩu cần thiết để đầu tư vào Campuchia. Trong khi đó, lãnh đạo Campuchia sẵn sàng bảo vệ các công ty Trung Quốc nhằm duy trì dòng đầu tư, viện trợ và cho vay của Bắc Kinh đối với nước mình. Đây chính là những điều kiện “đỡ đầu” quan trọng khiến các công ty Trung Quốc đầu tư vào Campuchia ngày một nhiều với quy mô không ngừng gia tăng.
Đại Lâm
tổ quốc
|