Blue-chip: Thoái trào sau chia tách
Mua cổ phiếu sau chia tách là một trường phái đầu tư ngắn hạn khá quen thuộc đối với nhiều NĐT Việt Nam dù lý do tăng giá khó giải thích theo các nguyên tắc giá trị. Theo phương pháp này, vào ngày DN chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chốt quyền mua cổ phần..., giá cổ phiếu bị chỉnh kỹ thuật. Mức độ điều chỉnh càng lớn, giá cổ phiếu càng có cơ hội bật lại mạnh. Tuy nhiên, phương pháp giao dịch ngắn hạn này gần đây bị phá sản khi hầu hết blue-chip sau khi điều chỉnh kỹ thuật giá đều bất ngờ trượt dốc mạnh. (Xem bảng)
Mã |
Lý do điều chỉnh giá |
Giá của ngày không hưởng quyền T+3 |
Giá đóng cửa ngày 18/05 |
Biến động |
SSI |
Thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 |
45.900 |
37.200 |
-18,9% |
HPG |
Trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 |
43.800 |
42.100 |
-12,8% |
ITC |
Thưởng cổ phiếu và quyền mua cùng tỷ lệ 1:1 |
38.500 |
37.100 |
-3,4% |
KDC |
Thưởng cổ phiếu tỷ lệ 4:1 |
53.000 |
52.000 |
-1,8% |
FPT |
Trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 3:1 |
64.000 |
61.000 |
-4,7% |
VNS |
Thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 |
34.500 |
33.100 |
-4,0% |
(Mức giá một số cổ phiếu blue-chip vào ngày chốt và ngày 18/5. Đơn vị tính: Đồng) |
Hiệu ứng ngược
Kỷ lục lượng đặt mua một cổ phiếu giá trần vào ngày chốt quyền trong thời gian gần đây thuộc về cổ phiếu KLS của CTCP Chứng khoán Kim Long với hơn 24 triệu cổ phần vào ngày 8/3. Sự quan tâm của NĐT với KLS vừa bị điều chỉnh giá (quyền mua cổ phiếu mới bằng mệnh giá, tỷ lệ 1:1) biến cổ phiếu này thành “nóng".
Hai phiên giao dịch kế tiếp, lượng đặt mua KLS giá trần vẫn duy trì trên dưới 10 triệu cổ phiếu/phiên. Kỳ vọng của NĐT đã kéo giá KLS tăng mạnh từ mức giá tham chiếu 22.200 đồng vào ngày chốt lên mức gần 27.000 đồng sau ba phiên.
Sơ bộ, nếu một NĐT mua KLS trước ngày chốt và kịp bán đúng vào ngày T+3, giá vốn đóng tiền mua KLS phát hành thêm đã giảm xuống gần 50%, tương ứng 5 .000 đồng, hay một mức lãi 22% tính trên số cổ phiếu "lăn chốt”! Có một hiệu ứng diễn ra khá phổ biến như KLS trên TTCK Việt Nam trong vài năm qua. Đó là việc giá cổ phiếu bị chia tách sẽ tăng vào ngày chốt quyền và các ngày kế tiếp.
Hiệu ứng này phổ biến đến mức khối lượng giao dịch của đa số cổ phiếu thường giảm mạnh trong ngày chốt quyền do NĐT găm hàng, chờ bán cổ phiếu ở các mức giá tốt hơn . Tuy nhiên, gần đây, các cổ phiếu blue-chip đã tạo "hiệu ứng ngược" khi đa số giảm trước, trong và cả sau ngày chốt quyền.
Chẳng hạn, vào cuối tháng 4, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 2: 1 . Giá HPG điều chỉnh kỹ thuật giảm tương ứng 33%.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi bị điều chỉnh, giá HPG đã tăng hết biên độ nhưng lực chốt lời của NĐT rất mạnh. Phiên giao dịch kế tiếp, HPG vẫn giữ được đà tăng nhưng ở mức tối thiểu +100 đồng). Sau đó, trong 12 phiên giao dịch cho tới nay, HPG có tới 9 phiên giảm và 3 phiên đứng ở mức tham chiếu; tương ứng giảm gần 13%.
Điều tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu SSI. Cổ phiếu này chỉ giữ được đà tăng trần trong phiên đầu tiên sau chốt quyền, sau đó bước vào xu hướng điều chỉnh giảm chủ đạo.
Nhưng các NĐT thực hiện "lăn chốt" SSI hay HPG vẫn còn may mắn hơn các cổ đông của KDC, VNS hay FPT vào đầu tháng 5 vừa qua. Trước ngày chốt quyền, giá các cổ phiếu này đã giảm.
Vào ngày chốt thậm chí các cổ phiếu này còn không giữ được gam màu xanh khi chỉ đạt mức giá thấp hơn hoặc ngang tham chiếu. Sau đó, diễn biến giá theo một trạng thái chán ngắt: Rơi dần đều! "Hiệu ứng ngược" các cổ phiếu blue-chip giảm sau ngày chốt quyền gần đây là bài toán mới cho cả NĐT giao dịch ngắn lẫn dài hạn.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có trường hợp ngoại lệ, tiêu biểu là trường hợp cổ phiếu PVX. Cuối tháng 4, sau khi bị điều chỉnh (do chốt quyền mua cổ phiếu mới tỷ lệ l:0,6166 với giá bằng mệnh giá), PVX rơi về mức giá trên dưới 22.000 đồng. Sau chốt, PVX đi ngang vài phiên, rồi bất ngờ tăng mạnh, đạt đỉnh gần nhất gần 37.000 đồng, tương ứng với mức tăng 68% trong vòng gần 2 tuần!
Chính các "ẩn số" ngựa ô như PVX đặt các NĐT ngắn hạn vào thế khó khi tiếp cận loại cổ phiếu blue-chip "lăn chốt”: Có thể nếm vị đắng ngắt khi bị chôn vốn, nhưng cũng có thể "hái" quả ngọt.
Cổ phiếu bị pha loãng đã hết thiêng
Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt nhận định, yếu tố tác động đến hiện tượng cổ phiếu tăng, giảm sau ngày điều chỉnh giá là do dòng tiền. Các cổ phiếu sau điều chỉnh giá, một số sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt một bộ phận NĐT cá nhân.
Vào thời điểm dòng tiền mạnh, NĐT sẽ chú ý đến các cổ phiếu này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng tiền có dấu hiệu yếu đi, các cổ phiếu sau chia tách không còn là đích đến lý tưởng, đặc biệt trong mắt nhiều NĐT hiện nay, cổ phiếu blue-chip vẫn chưa phải là sự lựa chọn số 1.
Trưởng phòng Phân tích CTCK Kim Eng, ông Bùi Việt Cường lý giải, nhóm cổ phiếu blue-chip đã đi ngang quá lâu, hiện tượng pha loãng cổ phiếu hiện nay quá nhiều khiến việc chia thưởng không còn được NĐT đón nhận hồ hởi; nhiều NĐT phải bán bớt cổ phiếu sau ngày chốt để thực hiện quyền mua là các lý do chính khiến cổ phiếu blue-chip giảm sau ngày chốt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt bổ sung, trong giai đoạn hiện tại, NĐT vẫn đang hoài nghi về khả năng bứt phá thực sự của nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
Theo ông Trung, hiện tượng cổ phiếu tăng giá sau khi chia tách mang màu sắc tâm lý hơn là các quy luật giá trị. Hiện nay, NĐT không còn kỳ vọng nhiều vào việc chia thưởng.
Hội tụ hai lý do giải thích hiện tượng blue-chip giảm sau ngày chốt quyền. Thiểu số vẫn có cổ phiếu tăng giá mạnh sau chia tách, nhưng về điều này, ông Trung cho rằng, có thể nội lực DN thực sự mạnh hoặc có các yếu tố đầu cơ bên ngoài.
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|