Vi phạm về thuế VAT: Thủ đoạn tinh vi, luật không với tới...
Các đơn vị vi phạm về thuế giá trị gia tăng (VAT) đã có thêm nhiều thủ đoạn mới, tinh vi nhằm trốn thuế và bán hàng lậu. Dù đã bị cơ quan thông tin đại chúng phản ánh liên tục trong thời gian dài vừa qua nhưng Bộ Tài chính và ngành thuế cứ rị mọ không có giải pháp gì. Luật điều chỉnh được ban hành cách đây gần chục năm, nay đã lạc hậu! Vi phạm tràn lan, chẳng lẽ cơ quan chức năng chịu buông xuôi?
Vi phạm tràn lan
Sau khi báo chí phản ánh, cán bộ thuế đến chốt chặn kiểm tra buộc các cửa hàng phải xuất hóa đơn bán hàng thì doanh số bán hàng đã tăng 30% - 40%. Thế nhưng, sau một vài tháng im lặng, việc vi phạm lại tái diễn. Nhiều siêu thị điện máy quay về với… phiếu xuất kho, phiếu tạm tính.
Ở Siêu thị điện máy Đệ Nhất Phan Khang (Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), chưa đầy 15 phút, hàng chục lượt khách mua hàng đều chỉ nhận được phiếu nhận tạm ứng. Ông Hoàng Văn Hải (cán bộ nghỉ hưu sống tại quận 12) mua hàng với giá gần 10 triệu đồng vẫn không được siêu thị xuất hóa đơn.
Rất khôi hài là ở Công ty TNHH Vương Quỳnh Trinh treo tấm băng rôn đỏ chói với dòng chữ “Đề nghị khách nhận hóa đơn VAT tại quầy thu ngân” nhưng lại không thực hiện. Theo quan sát của chúng tôi, tại quầy thu ngân không xuất bất kỳ hóa đơn VAT nào cho khách hàng, dù giá trị món hàng khá lớn.
Quay lại quận 1, Công ty cổ phần Máy tính Hoàn Long (Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3); Trung tâm Điện máy Ideas (Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, quận 5); Siêu thị Điện máy Chợ Lớn (Tản Đà, quận 5) thì… lúc xuất lúc không. Em Lê Thị Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cầm trên tay tấm phiếu thanh toán tiền trị giá 12 triệu đồng, nhưng Công ty Hoàn Long vẫn không xuất hóa đơn bán hàng.
Đối với Siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Trần Hưng Đạo, quận 1), khách hàng cũng có thể nhận hóa đơn VAT hoặc không. Chị Phương Vi nhà ở Tây Ninh cho biết, chị mua chiếc TV LCD với giá gần chục triệu đồng, nhưng chỉ được siêu thị Nguyễn Kim xuất hóa đơn cho phần quà khuyến mãi kèm theo (trị giá vài trăm ngàn đồng nhưng không ghi rõ giá trị), còn món hàng chính được bán với giá trị cao thì… quên xuất!
Thủ đoạn tinh vi
“Sở dĩ các “đại gia” bán hàng điện máy dùng nhiều thủ đoạn để tránh né việc xuất hóa đơn bán hàng là để bán hàng lậu” - một nhân viên phụ trách thu mua vừa nghỉ việc ở một siêu thị lớn nói. Anh giải thích, nhiều cửa hàng xen hàng trôi nổi vào, nếu bán hàng không xuất hóa đơn thì không phải khai thuế mà “ẵm” trọn các khoản tiền lời, tiền thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một lý do khác khiến các doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu không xuất hóa đơn, vì hàng được khai gian ngay từ cửa khẩu để giảm thuế (ví dụ, chiếc máy giặt 7kg thì chỉ khai 5kg để đóng thuế thấp), nếu giờ xuất hóa đơn đúng giá bán, phải khai thuế thì không thể đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, nhiều công ty bán lẻ triển khai hình thức mới là mở cửa hàng ở nhiều nơi, nơi nào ngành thuế không kiểm soát thì không xuất hóa đơn và loại ra khỏi sổ sách báo cáo thuế, coi như hàng lậu vào và ra không qua sổ sách.
Nhìn các đơn vị bán hàng có xuất hóa đơn đàng hoàng, tưởng đã “ngon”, không ngờ nhiều nơi còn sử dụng thủ đoạn cao cơ hơn. Lợi dụng việc nhà nước cho doanh nghiệp được phép tự in hóa đơn, có nơi đã dùng thủ đoạn in trùng số sê-ri trên các quyển hóa đơn. Công ty có nhiều chi nhánh, các chi nhánh xuất hóa đơn cùng số với nhau, coi như báo cáo thuế chỉ 1 lần bán, những số sê-ri trùng sẽ được trốn thuế, hàng lậu cứ vào và ra không cơ quan nào kiểm soát được. Hành vi này đã bị phát hiện đầu tiên ở Hà Nội, hiện nay đang được kiểm tra ở TPHCM, nhưng chưa thể kiểm tra xuể.
Thời gian gần đây, khi cán bộ thuế đẩy mạnh kiểm tra việc xuất hóa đơn bán hàng, “đầu ra” rõ ràng thì phải có “đầu vào”. “Chiêu” mới xuất hiện. Để hợp pháp hóa hàng lậu, một số công ty ở TPHCM đã làm thủ tục bán lô hàng về công ty ở tỉnh, sau đó làm thủ tục mua lại lô hàng đó, coi như… có hồ sơ chứng minh “đầu vào”! Hàng lậu trở thành hàng hợp pháp. Việc bán hàng về tỉnh là nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế, vì ngành thuế hiện chưa “với tay” từ tỉnh này sang tỉnh khác được.
Thủ đoạn mới phát sinh nhiều, ngày một tinh vi, nhưng luật điều chỉnh đối với hành vi này được ban hành cách đây gần… chục năm, phạt “ngọn” hành vi bán hàng không xuất hóa đơn chỉ vài triệu đồng. Trong khi quy trình thủ tục xử lý kéo dài, nhiêu khê, lực lượng kiểm tra lại thiếu.
Do vậy, khi chúng tôi phản ánh việc các cơ quan thuế địa phương thiếu trách nhiệm, để vi phạm kéo dài, Chi cục Thuế Tân Bình cho rằng mình không thiếu trách nhiệm vì đã “kiên quyết xử lý”, xử phạt đơn vị vi phạm đến… 2 lần (trong khoảng thời gian từ tháng 8-2009 đến nay, doanh số bán lên đến tiền tỷ). Còn Tổng cục Thuế trả lời phỏng vấn cho rằng “sẽ sớm có biện pháp xử lý” nhưng đến giờ vẫn im hơi lặng tiếng, vi phạm vẫn kéo dài, ở các tỉnh, việc bán hàng không xuất hóa đơn vẫn tràn lan…
Thi Hồng - Chế Hân
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|