Tin mật thực sự có ích?
Sau giờ giao dịch hoặc đầu giờ mỗi buổi chiều, anh G - nhà đầu tư lớn tại CTCK HSC đều nhận được một bản thống kê chi tiết giao dịch từ tài khoản tự doanh của một số CTCK hàng đầu. "Lúc đầu, tôi tưởng thông tin này ghê gớm lắm, nhưng xem hàng ngày thấy thất vọng, vì chỉ có các mã chứng khoán mà không có số lượng giao dịch. Tự doanh CTCK mua những mã mà tôi đánh giá không cao lắm…", anh G nói.
Mấy ngày gần đây, thị trường xôn xao về việc rò rỉ thông tin mật: “danh mục chứng khoán mua bán từ tài khoản tự doanh của các CTCK”.
Xét từ góc độ bảo mật thông tin của cơ quan quản lý thì đây là vấn đề đáng để bàn xem thông tin phát ra ngoài từ nguồn nào, quy trình quản lý thông tin ra sao, ai kiếm lợi cá nhân khi cung cấp thông tin như vậy ra thị trường…
Tuy nhiên, các bản thông kê mua bán của CTCK hay tổ chức đầu tư nước ngoài chỉ có ý nghĩa nhất định, chưa đến mức có khả năng đem lại cơ hội kiếm tiền hay tránh tổn thất cho nhà đầu tư. Điều này có thể có trên lý thuyết, nhưng thực tế, tình hình không đến nỗi nghiêm trọng như vậy.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC bình luận, bản danh mục tự doanh của CTCK không phải kim chỉ nam cho một nhà đầu tư nào đó hay cho cả thị trường, vì hoạt động mua bán cổ phiếu của CTCK là bình thường, trong cùng thời gian CTCK có thể vừa mua vừa bán một cổ phiếu, hay có thể lời hoặc lỗ khi đầu tư vào một cổ phiếu. Nhà đầu tư mua theo CTCK có khi hỏng. "Tôi có xem danh mục này, nhưng thực sự không để ý lắm", ông Tuấn nói.
Giám đốc một CTCK tại Hà Nội đánh giá, hiện nay, thị trường có vài chục công ty tự doanh, công ty này mua vào, công ty kia bán ra là bình thường.
Trước kia chỉ có năm bảy CTCK tự doanh, thì động thái mua bán của CTCK mới có khả năng ảnh hưởng đến xu thế thị trường. Mặt khác, danh mục chứng khoán tự doanh lưu truyền trên thị trường chỉ có mã chứng khoán, mà không có số lượng cụ thể, nên cũng khó phân tích động thái mua bán này để có quyết định mua hay bán theo. "Thông tin này biết chỉ để biết mà thôi", ông này khẳng định.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, đối với sàn TP. HCM hiện nay, khi khớp lệnh đối ứng hàng ngày, hàng giờ là CTCK có thể nhìn thấy ngay số tài khoản khớp lệnh.
Theo nguyên tắc thanh toán bù trừ đa phương, nhà đầu tư chỉ cần biết lệnh của mình khớp hay không khớp, còn việc ai khớp lệnh với mình không quan trọng.
Còn giao dịch tại sàn Hà Nội, số tài khoản hiện lên chi tiết đến mức có thể biết được đích danh người mua bán chứng, chứ không chỉ biết tài khoản đó thuộc CTCK nào.
Trước đây, sàn TP. HCM cũng như vậy, nhưng gần đây, sàn TP. HCM thay đổi định dạng file, nên phần mềm của CTCK không đọc được thông tin về tài khoản khớp lệnh đối ứng.
"Nhưng có thể có ai đó viết được phần mềm giải mã file dữ liệu của Sở gửi ra để đọc danh mục chứng khoán tự doanh của CTCK", giám đốc một CTCK đặt giả thiết.
Câu trả lời của vụ rò rỉ "thông tin mật" đang chờ cơ quản lý công bố. Nhưng với đa số nhà đầu tư, việc ai làm rò rỉ thông tin không quan trọng bằng việc phân định thế nào là thông tin mật.
Những số liệu nào thị trường cần, cơ quan quản lý nên có thống kê và công bố. Việc có những thông tin không cần thiết phải bảo mật, mà lại bảo mật trong khi nó vẫn được tuồn ra ngoài sẽ dẫn đến nguy cơ là ai đó phát tán những thông tin ảo để trục lợi.
Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|