CTCK “trẻ” nhưng không “non”
Khi "chiếc bánh” TTCK đã được phân chia khá ổn định cho các CTCK lâu năm, thì công cuộc giành giật thị trường của các CTCK mới ra đời là không hề đơn giản.
Tuy nhiên, với nhiều cách đi riêng, các CTCK "trẻ” đang chứng tỏ: họ xứng đáng có được những “phần bánh” tương xứng với trí lực và tiền bạc đã bỏ ra.
Chính yếu tố cạnh tranh khốc liệt và có tính đào thải khắc nghiệt của TTCK luôn tạo ra cơ hội cho những người đến sau. Các CTCK mới thành lập đã tận dụng triệt để đặc thù này, để buộc các CTCK "chiếu trên " phải chia sẻ "miếng bánh" thị trường cho mình.
Ra đời năm 2008, đúng vào thời điểm "siêu lạnh" của TTCK Việt Nam, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) bước đầu khẳng định được vị thế của mình khi vừa niêm yết thành công trên HNX.
Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, sức cạnh tranh của VIG một phần có được nhờ tránh dược sai lầm của các CTCK đi trước trong đầu tư công nghệ.
Thay vì chọn công nghệ nước ngoài đắt đỏ, bảo hành, nâng cấp khó khăn, đôi khi ít thân thiện với đặc thù giao dịch của TTCK Việt Nam, VIG đã mua công nghệ trong nước với nhiều ưu thế. Sự đi sau trong đầu tư công nghệ cũng đương nhiên được thừa hưởng các tính năng tài việt của thế hệ công nghệ mới.
Lợi thế công nghệ mới cũng được TS. Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK An Thành (ATSC) tiết lộ là một thế mạnh tạo ra sức cạnh tranh cho Công ty.
Hoạt động năm 2007, CTCK An Thành coi sự tinh gọn của bộ máy, cùng công nghệ mới là những bệ đỡ cho ATSC vượt qua thời kỳ "đại suy" của TTCK Việt Nam năm 2008. ATSC có được lợi thế cạnh tranh nhất định nhờ chi phí đầu tư công nghệ ban đầu tiết kiệm nhưng lại có nhiều tính năng ưu việt so với các thế hệ công nghệ trước đây.
"Dựa trên dữ liệu của TTCK và diễn biến giá cổ phiếu, hệ thống công nghệ giao dịch hiện tại của Công ty giúp cảnh báo những rủi ro mà NĐT có thể gặp phải, từ đó dựa chọn phương án đầu tư hiệu quả”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Khối môi giới, ATSC nói.
Do ít khách nên các CTCK trẻ có nhiều điều kiện để chăm sóc khách hàng "tận răng" thông qua cung cấp các dịch vụ: tư vấn đầu tư đến từng mã, từng nhóm cổ phiếu; thu xếp hỗ trợ tài chính nhanh; tiện ích giao dịch từ xa..., nên đã làm xiêu lòng NĐT, nhất là NĐT cá nhân.
Do các CTCK có thâm niên hoạt động lâu năm có quá đông khách, nên ít có điều kiện chăm sóc chu đáo tất cả. Đây là lý do khiến không ít khách hàng đã bỏ CTCK "già " tìm đến CTCK "trẻ " để được chăm sóc chu đáo. Thậm chí, có NĐT đã được thăng hạng VIP kể từ khi chuyển sang giao dịch tại CTCK trẻ . Nhờ đó, lượng khách tìm dấn CTCK mới tăng dần.
Ghi nhận của ĐTCK, cách chia sẻ những thông tin có ảnh hưởng đến xu hướng của TTCK với NĐT như "người trong nhà " của các CTCK mới ra đời cũng là cách để họ níu kéo khách hàng. Tuy số lượng tài khoản NĐT tại các CTCK mới thành lập chưa nhiều, nhưng lãnh đạo nhiều công ty khẳng định, chất lượng các tài khoản khá tốt.
Ông Long cho biết: Cách đây 5 - 6 năm, phong trào mở tài khoản tại các CTCK rất rầm rộ, nhưng nhiều tài khoản trong số đó hiện gần như không giao dịch. Trong khi đó, với những CTCK ra đời cách đây 2 - 3 năm, nghĩa là thời điểm TTCK đã hoạt động chuyên nghiệp hơn, nên NĐT mở tài khoản cũng có tính chuyên nghiệp cao. Điều này giúp các CTCK trẻ có được chất lượng tài khoản khá tốt, với giá trị giao dịch tăng khá ổn định.
Tăng cường kiểm soát rủi ro cũng là biện pháp được các CTCK trẻ tập trung thực hiện để khẳng định uy tín của mình. Do bộ máy tinh gọn, khách hàng không quá đông, lại đúc rút được kinh nghiệm của người đi trước và nhận được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, nên các CTCK mới đang quản lý rủi ro khá bài bản . Điều này giúp họ tạo dựng được hình ảnh đáng tin cậy trong mắt NĐT và tạo ra sức hút đối với "thượng đế".
Theo ông Phú, Công ty đã có văn bản nghiêm cấm nhân viên môi giới mua - bán chứng khoán và chuyển tiền trong tài khoản của NĐT khi chưa có lệnh của khách hàng. Nếu nhân viên nào cố tình vi phạm, ngoài bị đuổi việc còn bị công bố thông tin công khai và chuyển hồ sơ cho cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.
Một lợi thế khác cũng đang được các CTCK trẻ triệt để khai thác nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, đó là tận dụng sự hỗ trợ tài chính, cơ hội đầu tư, phát triển khách hàng từ công ty mẹ, các cổ đông sáng lập. Điều này đã được CTCK Kỹ Thương (Techcom Securities) thành lập năm 2008 áp dụng khá thành công.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Techcom Securities có nhiều lợi thế trong cung cấp dịch vụ tài chính cho NĐT nhờ luôn có được sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ - Techcombank và các đối tác chiến lược như HSBC, Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Trong chiến lược hoạt động sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu các dịch vụ dựa trên thế mạnh này, để tạo ra sức cạnh tranh mới...
Bộ máy tinh gọn, dễ xoay xở khi TTCK có biến động mạnh, quy trình ra quyết định chính sách nhanh gọn, chớp cơ hội đầu tư tốc độ...cũng là những lợi thế mà các CTCK mới ra đời đang tận dụng, để khẳng định chỗ đứng trên TTCK vốn luôn cạnh tranh gay gắt và có tính đào thải cao với bất kỳ CTCK dù ở đẳng cấp nào.
Hữu Hòe
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|