Vụ tiết lộ thông tin giao dịch của tổ chức:
Thống kê đơn giản hay mang tính hệ thống?
Mấy ngày gần đây thị trường chứng khoán xôn xao về vụ lộ thông tin mật liên quan đến hoạt động giao dịch của các tổ chức bao gồm các quỹ và tự doanh của công ty chứng khoán.
Tuy nhiên nếu tiếp cận bản tin này có thể thấy sự cẩu thả và sơ sài của thông tin chứ không hẳn là một bản báo cáo hoành tráng như nhiều người tưởng, đó là chưa kể đến tính chính xác của những thông tin như vậy.
Chỉ là sự cóp nhặt?
Ấn tượng đầu tiên về một bản “Thông tin giao dịch của tổ chức” là một file excel được thiết kế kém như của một bàn tay nghiệp dư. Thông tin cũng sơ sài và không được cập nhật đầy đủ theo thời gian. Nội dung nhiều nhất là tên mã các CP được cho là mua bán, còn lại rất ít các thông tin về giá hay tên quỹ, đặc biệt là thiếu khối lượng giao dịch. Liệt kê tên các CTCK thì nhiều nhưng số liệu lại thiếu và “nhảy cóc”.
Một nhân viên tự doanh của CTCK cho biết bản thông tin này chẳng có gì mới. Thực tế trên một số diễn đàn có nhân viên tự doanh của CTCK nhảy lên khoe về giao dịch hàng ngày, mua gì bán gì. Nhiều nick khác còn thống kê tình hình giao dịch mua/bán ròng của một số CTCK mà nhiều nhất là CTCK Thăng Long, SSI, SBS... nhưng không có ai kiểm chứng nội dung.
“Bản excel này có vẻ như chỉ là sự cóp nhặt của một số người từ một số nguồn không chính thống rồi về tổ chức lại thành một bản tin. Nếu thông tin này được trích xuất từ những báo cáo chính thống, chẳng hạn của sở hay TTLK thì phải nhiều thông tin hơn và tổ chức chuyên nghiệp hơn. Theo dõi giao dịch mà không có khối lượng thì vô ích. Ngay trường hợp bạn bè cùng làm mảng tự doanh ở các CTCK khác nhau cũng hay trao đổi thông tin cụ thể hơn”, chuyên viên tự doanh này cho biết.
Ông Phạm Vĩnh Thành, Phó TGĐ Kim Long (KLS), đơn vị bị liệt kê giao dịch chi tiết nhất cho biết thực tế đã nghe thông tin như vậy từ lâu, ít nhất là 6 tháng trước: “Buổi sáng tự doanh Kim Long mua bán gì, chiều lên mạng là đã thấy rồi, chính xác tuyệt đối!”. Ban đầu KLS cũng có rà soát các khâu nội bộ và nhận thấy thông tin không phải được tiết lộ từ bên trong mà là từ bên ngoài. “Như thế không thể kiểm soát được hết và KLS chấp nhận không giữ bí mật danh mục đầu tư của mình”, ông Thành cho biết.
Đánh giá về tính chất bản báo cáo giao dịch các tổ chức, ông Thành cho rằng sự liên kết để có được thông tin đó chưa ở mức chuyên nghiệp. Có thể là do mối quan hệ cá nhân với các đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin. Đây chưa phải là thông tin dưới dạng đặt hàng mà là bị tiết lộ trên cơ sở “cả nể” của cá nhân, cho là không quan trọng lắm. Do đó đây chưa phải là trường hợp lộ thông tin mang tính chất hệ thống.
Dè chừng hiện tượng mua bán thông tin
Theo ông Phạm Vĩnh Thành, về nguyên tắc các CTCK có trách nhiệm bảo mật tài khoản của khách hàng, kể cả cá nhân và tổ chức. Tài khoản CK cũng tương tự tài khoản ngân hàng, mọi thông tin không được phép công bố, nếu có chỉ đối với trường hợp có yêu cầu của cơ quan chức năng.
“Tuy nhiên, những thông tin về giao dịch hàng ngày của các thành viên thị trường, NĐT có rất nhiều đầu mối được tiếp cận, chẳng hạn: Sở GD có phòng hệ thống giao dịch, bộ phận giám sát giao dịch, bộ phận công nghệ thông tin, trung tâm lưu ký hay ban giám sát của UBCKNN dĩ nhiên biết. Số lượng người có khả năng tiếp cận những thông tin này lên tới cỡ 50 người. Do đó rò rỉ là điều khó tránh”, ông Thành nói.
Về khả năng bảo mật thông tin của CTCK, ông Thành cho biết hệ thống quản lý, giám sát nội bộ của mỗi Cty cũng có nhiều đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin tài khoản của NĐT như phòng môi giới, kế toán lưu ký, ban kiểm soát nội bộ.
“Quan trọng là CTCK phải có quy trình giám sát nhân viên của mình thật chặt. Nếu có rò rỉ thông tin của khách hàng mà khách hàng phản ánh, Cty sẽ điều tra được ngay từ khâu nào. Các Cty đều có quy định chế tài chặt chẽ nếu nhân viên để lộ thông tin có thể bị kỷ luật hoặc đuổi việc”, ông Thành khẳng định.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội NĐT tài chính (Vafi) cho biết, cũng không bất ngờ gì khi biết thông tin như vậy: “Thị trường Việt Nam minh bạch kém nên có lộ ra những thông tin này không có gì là mới. Những số liệu như vậy còn không giá trị bằng thông tin nội gián”.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng đây là một tín hiệu cảnh báo. Các cơ quan quản lý cần xem xét điều tra để làm rõ. Thứ nhất, có khả năng xảy ra tình trạng mua bán thông tin hay không vì nhiều người sẵn sàng trả tiền để có được. Đây mới là một trường hợp, nhưng có khả năng sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Thứ hai, liệu hiện tượng này có mang tính hệ thống hay không. Sẽ là nguy hiểm nếu việc cung cấp những thông tin này có tính hệ thống.
Thứ ba, các cơ quan quản lý cần ban hành quy chế bảo mật thông tin rõ ràng để có thể giới hạn các đầu mối tiếp cận cũng như có thể quy trách nhiệm trong trường hợp cần thiết. Thứ tư, các tổ chức cần nâng cao trách nhiệm cũng như đạo đức của nhân viên.
Hoàng Nguyên
LAO ĐỘNG
|