Thứ Sáu, 09/04/2010 06:53

TCSC - Một liên kết có vấn đề

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của CTCK Thành Công (TCSC) đã thất bại khi các cổ đông không thông qua các nội dung quan trọng (báo cáo ban kiểm soát, kế hoạch kinh doanh năm 2010). Nhiều cổ đông phản ứng vì sao năm qua các CTCK đều ăn nên làm ra, chí ít cũng hòa vốn, mà TCSC lại lỗ. Đằng sau sự kiện này là bài học của công ty đại chúng có sự liên kết với đối tác ngoại ở Việt Nam.

Công ty thua lỗ, lương cho nhóm đối tác ngất ngưởng

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của TCSC, Seamico (đại diện cho nhóm NĐT Thái Lan) nắm chức Chủ tịch HĐQT với hơn 18,9% tỷ lệ sở hữu, đã tổ chức bộ máy điều hành công ty mang tên Ủy ban điều hành, trực tiếp tham mưu cho vị chủ tịch này điều hành hoạt động.

Thế nhưng qua hơn 2 năm ủy ban này vẫn chưa thúc đẩy được hoạt động nào, nhưng phía TCSC lại phải chi ra một khoản chi phí “hợp đồng tư vấn” để chuyển ra nước ngoài một khoản tiền tương đương 700 triệu VNĐ/tháng.

Về bản chất, hợp đồng này nhằm hợp thức hóa khoản chi phí lương cho Ủy ban điều hành, nhưng đối tác này không giúp ích được gì cho công ty trên phương diện ngân hàng đầu tư trong việc tìm kiếm các thương vụ huy động vốn và tư vấn doanh nghiệp, ngay cả mảng phát triển khách hàng nước ngoài mà cụ thể là NĐT Thái Lan đến với TTCK Việt Nam.

Trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2009 cho thấy thị phần môi giới chỉ 0,04%, thu được 1,2 tỷ đồng và doanh thu của nghiệp vụ tư vấn chỉ là con số 0.

Thực ra cũng không lấy gì làm lạ, bài học từ các liên doanh của Việt Nam với nước ngoài trước đây đã chỉ ra rằng khi đối tác nước ngoài nắm quyền điều hành công ty họ áp đặt rất nhiều khoản chi phí cho liên doanh cũng như định giá chuyển giao trong liên doanh với các công ty trong tập đoàn công ty mẹ.

Chính điều này đã đẩy liên doanh liên tục thua lỗ, buộc công ty mẹ yêu cầu tăng vốn hoặc mua lại phần vốn của phía Việt Nam. Sau khi đối tác nước ngoài đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa và đối tác Việt Nam không còn tham gia trong công ty, hoạt động của công ty này trở nên có lợi nhuận cao.

Vấn đề đáng lưu ý là chỉ với tỷ lệ sở hữu 18,9% mà phía đối tác Thái Lan đã tiếp sức nhấn chìm hoạt động TCSC bằng việc áp đặt chi phí cao và một cách thức quản trị công ty kém hiệu quả.

HĐQT TCSC được cơ cấu gồm 9 thành viên, chia thành 3 nhóm: phía đối tác Seamico nắm giữ 18,9% (với 4 thành viên), đại diện Công ty Dệt may Thành Công - TCM với tỷ lệ 9,8% (4 thành viên) và nhóm cổ đông của Kittivalai chiếm 15% (1 thành viên).

Bằng cơ cấu này phía Thái Lan bao gồm Seamico và Kittivalai đã thống trị HĐQT, bằng chứng là tiền lương mà HĐQT trả cho bà Kittivalai trong năm 2009 với tư cách là tổng giám đốc - CEO lên đến trên 500 triệu VNĐ/tháng. Như vậy chỉ với 5 ghế trong HĐQT nắm giữ 33,9% tổng số vốn, phía Thái Lan đã đủ chi phối cổ đông phía Việt Nam chiếm đến trên 55% (cổ đông đại chúng).

Việc chi phối này đã đẩy công ty lâm vào cảnh thua lỗ. Phía Việt Nam đã sớm phát hiện ra điều này và yêu cầu bà Kittivalai từ bỏ vị trí CEO của công ty. Nhưng cũng chính sự từ bỏ này mà ĐHCĐ TCSC diễn ra ngày 27-3-2010 đã không thông qua báo cáo của ban kiểm soát và kế hoạch kinh doanh năm 2010.

Với tình hình này, TCSC khó có kết quả khởi sắc trong năm 2010 và nguy cơ tiếp tục thua lỗ là điều có thể.

Một kịch bản có khả năng xảy ra

Không tính phần sở hữu của TCM, các cổ đông đại chúng của phía Việt Nam nắm giữ trên 55%. Với mức sở hữu này, họ có thể tìm kiếm những người có năng lực và am hiểu tại TTCK Việt Nam để giúp họ có một tiếng nói mạnh trong việc hoạch định chiến lược phát triển công ty. Chí ít họ cũng có thể cắt giảm những chi phí không cần thiết về tiền lương và những hợp đồng thiếu căn cứ.

Việc cắt giảm những chi phí này sẽ giúp TCSC không thua lỗ, chứ chưa thể nói đến việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của công ty gia tăng.

ĐHCĐ TCSC đã không thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2010 dù rằng kế hoạch này đưa ra phương án để sau 2 năm liên tiếp (2008-2009) thua lỗ nặng sẽ trở về mức hòa vốn và có lãi. Nhiều cổ đông không tin tưởng vì cho rằng năm qua hầu hết các CTCK đều có lợi nhuận cao, tại sao TCSC lại lỗ.

Trong khi đó giá CP TCSC trên thị trường OTC tiếp tục giảm, chỉ còn dưới 7.000 đồng/CP. Liệu khả năng mua vào để tăng tỷ lệ sở hữu của đối tác nước ngoài sẽ dễ dàng hơn và những toán tính của họ trở nên hiện thực hơn?

Theo báo cáo kiểm toán của TCSC, hiện công ty còn một khoản tiền mặt trên 220 tỷ đồng, đây là số tiền mà nhiều CTCK Việt Nam rất mong muốn có được. Nếu tiếp tục đà hoạt động kinh doanh hiện tại, giá CP của TCSC năm sau còn thấp hơn mức 7.000 đồng/CP trên thị trường OTC.

Giả sử, phía đối tác Thái Lan tăng tỷ lệ sở hữu để chi phối công ty lên 51% từ mức 33,9% hiện tại, chi phí bỏ ra chỉ khoảng 43 tỷ VNĐ (tính trên giá 7.000 đồng/CP) họ sẽ chi phối một lượng tiền mặt lên đến 220 tỷ đồng. Phía cổ đông Việt Nam không nhận ra vấn đề này, hay vì tỷ lệ sở hữu của từng cổ đông quá nhỏ bé nên họ không thể nói điều này?

Cũng có thể chính vì yếu tố đại chúng quá lớn nên các cổ đông nhỏ đã không thể biết hết những tính toán của cổ đông lớn và họ không tìm thấy một ai giúp họ nói lên điều cần nói. Tại ĐHCĐ của TCSC, số lượng cổ đông thời điểm chốt danh sách lên đến trên 500 nhưng số lượng hiện diện chỉ chưa đầy 85 người.

Điều này càng nói lên các cổ đông nhỏ mà cụ thể các cổ đông Việt Nam đã không quan tâm đến sự phát triển TCSC, tạo điều kiện thuận lợi cho một số cổ đông lớn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ thực hiện những toan tính của mình.

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Vietinbank được lập công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (08/04/2010)

>   5 công ty Việt đến Mỹ quảng bá thị trường chứng khoán (08/04/2010)

>   Lãi suất tăng, doanh nghiệp lên sàn huy động vốn (08/04/2010)

>   Thông tin “mật” về giao dịch tổ chức xuất hiện từ bao giờ? (08/04/2010)

>   BVS ra khỏi diện cảnh báo nhờ lãi hơn 174 tỷ đồng năm 2009 (08/04/2010)

>   Bài học mới từ một sơ hở pháp lý (08/04/2010)

>   Thị trường méo mó vì rò rỉ thông tin (08/04/2010)

>   Woori CBV đưa bộ chỉ số VSI lên cổng thông tin Reuters (08/04/2010)

>   Cổ phiếu thép có ăn theo sóng ngân hàng? (07/04/2010)

>   SME sôi động hơn trên sàn niêm yết (07/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật