SCIC sẽ chỉ là đầu mối tiếp nhận vốn nhà nước
Bộ Tài chính đang bắt tay vào hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - một doanh nghiệp đặc thù có vốn điều lệ dự kiến được nâng lên mức 50.000 tỷ đồng, so với 15.000 tỷ đồng hiện nay.
Hiện SCIC nắm giữ 1,8% tổng số vốn Nhà nước đầu tư tại các DN. Tuy nhiên, với việc toàn bộ 1.036 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay sẽ tiến hành cổ phần hoá hoặc chuyển thành công ty TNHH, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (DN) thì trách nhiệm của SCIC trong việc tiếp nhận và làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sẽ ngày càng tăng.
Trên thực tế, với số lượng DN được giao quản lý quá lớn lại đa ngành, đa lĩnh vực và trải dài khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, thì băn khoăn của các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế về hiệu quả hoạt động của SCIC là có cơ sở. Chưa kể tới 87% số DN này có quy mô vốn nhỏ (dưới 10 tỷ đồng), hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Ngoài ra, với mô hình hoạt động đặc thù là đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nên có nhiều câu hỏi được đặt ra về nghĩa vụ của “siêu tổng công ty” này với ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đồng thời là Chủ tịch HĐQT của SCIC cho hay, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, Chính phủ nhất quán chủ trương bán toàn bộ hoặc một phần vốn nhà nước tại các DNNN đang hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối. Chính vì vậy, Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của SCIC đang xây dựng sẽ mở rộng phương thức bán vốn nhà nước tại DN mà SCIC đang hoặc sẽ làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận quản lý, SCIC sẽ thực hiện bán cổ phần các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận trên thị trường chứng khoán tập trung. SCIC cũng sẽ được giao quyền chủ động lựa chọn phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư ở các DN đại chúng chưa niêm yết. Đối với DN còn lại, SCIC sẽ đấu giá công khai toàn bộ hoặc một phần số cổ phần dự kiến bán. Trường hợp đấu giá không thành công, SCIC được quyền điều chỉnh giá khởi điểm để tổ chức đấu giá lại, hoặc được sử dụng giá khởi điểm để thỏa thuận việc bán cổ phần.
Cũng theo Dự thảo Nghị định, SCIC được bán thỏa thuận vốn nhà nước với giá thấp hơn mệnh giá ở những DN thua lỗ 3 năm liên tiếp mà giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán thấp hơn vốn thực góp hoặc đã mất hết vốn. Hội đồng thành viên của SCIC sẽ được chủ động việc bán vốn đối với DN mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, hoặc ở các DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối nếu sau khi bán vẫn đảm bảo tỷ lệ cổ phần trên 50% vốn điều lệ.
Cùng với việc trao quyền chủ động bán vốn nhà nước, ông Ninh cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ coi SCIC là đầu mối tiếp nhận vốn để tiếp tục triển khai cổ phần hoá, chứ không coi SCIC là cổ đông sáng lập (bị ràng buộc thời gian bán vốn tối thiểu sau 3 năm kể từ khi tiếp nhận) nên chắc chắn tiến trình bán vốn nhà nước sẽ diễn ra nhanh hơn.
“Nhưng không phải vì thực hiện mục tiêu này càng nhanh càng tốt mà sẽ có chuyện “bán đổ bán tháo”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói và nhấn mạnh, quá trình bán vốn nhà nước tại DN vẫn phải diễn ra thận trọng, phù hợp với tình hình của thị trường và mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận của đồng vốn nhà nước đã đầu tư vào DN”.
Theo Dự thảo Nghị định, doanh thu của SCIC và công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bao gồm hai phần, cổ tức được chia từ phần vốn mà các tập đoàn, tổng công ty trực tiếp đầu tư và từ tiền bán toàn bộ hoặc một phần vốn nhà nước tại DN thành viên. Các đơn vị này cũng được giữ toàn bộ khoản thu nhập nêu trên sau khi nộp 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. “Quy định này là bất hợp lý, bởi trên thực tế các tập đoàn, tổng công ty không phải làm gì mà có được khoản thu nhập rất cao, trong khi ngân sách lại thất thu”, ông Cao Ngọc Xuyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét.
Đồng tình với quan điểm này, TS.Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cho rằng, tổng số vốn nhà nước đầu tư tại các DN vào khoảng 500.000 tỷ đồng, với mức cổ tức hàng năm tối thiểu là 10% thì các tập đoàn, tổng công ty đã có thu nhập trước thuế khoảng 50.000 tỷ đồng. “Đây là nguồn lợi quốc gia, cần phải có cơ chế để thu lại”, ông Lịch nêu quan điểm.
Còn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh lại cho rằng, về nguyên tắc, Nhà nước là chủ sở hữu nên có quyền thu hồi toàn bộ cổ tức và tiền bán phần vốn nhà nước tại DN vào ngân sách, nhưng có nên thu hay không, thu bao nhiêu thì còn nhiều quan điểm khác nhau. “Do Nhà nước không đầu tư vốn bổ xung cho DN nên việc để lại khoản thu nhập từ cổ tức, từ bán vốn nhà nước (sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) để giúp DN tăng tiềm lực tài chính là phù hợp”, ông Ninh nói.
Mạnh Bôn
Đầu tư
|