Thứ Hai, 26/04/2010 10:00

Sắp có loại công ty không… Tổng giám đốc

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố việc lấy ý kiến công chúng về dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc tổ chức, hoạt động và quản lý công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ.

Điểm đặc biệt của loại công ty này là không có cơ sở vật chất, không có bộ máy nhân sự, không có Tổng giám đốc và các chức danh điều hành. Loại công ty này chỉ có Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đặc trưng của loại công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ là ở chỗ loại công ty này buộc phải uỷ thác quản lý vốn cho một công ty quản lý quỹ, đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Mô hình công ty đầu tư chứng khoán lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam năm 2007, được đề cập trong Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, chưa có một công ty đầu tư chứng khoán nào được thành lập. Về bản chất, mô hình công ty đầu tư chứng khoán giống như một quỹ đầu tư thành viên, tuy nhiên, mô hình công ty đầu tư chứng khoán khác quỹ đầu tư đầu tư thành viên ở một điểm quan trọng, đó là một loại có tư cách pháp nhân, một loại không có.

Hai điểm mới quan trọng nhất của mô hình công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ là công ty này có thể có tối đa 99 cổ đông, không bao gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong khi mô hình quỹ đầu tư thành viên chỉ được có tối đa 30 thành viên góp vốn. Thứ hai, mô hình công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ được quyền huy động vốn của nhà đầu tư cá nhân (mức góp tối thiểu là 1 tỷ đồng, cổ đông là tổ chức góp tối thiểu 3 tỷ đồng), trong khi quỹ đầu tư thành viên không cho phép nhà đầu tư cá nhân góp vốn.

Mặc dù có nhiều quy định ràng buộc nghĩa vụ của cổ đông góp vốn (như hạn chế chuyển nhượng cổ phần  trong vòng 1 năm), nhưng loại công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ nếu được cho phép thành lập, sẽ giúp các công ty quản lý quỹ hiện thời "gỡ vướng" nhiều vấn đề. Gỡ vướng thứ nhất là nó cho phép quỹ đầu tư thành viên (hiện nay) khi chuyển sang mô hình công ty này, sẽ có tư cách pháp nhân và điều này giúp quỹ có quyền đầu tư bất động sản. Từ trước đến nay, đây là điểm vướng lớn nhất của các quỹ đầu tư thành viên khi muốn đầu tư bất động sản, thực tế này cũng đã và đang khiến quỹ đầu tư thành viên khó huy động vốn. Gỡ vướng thứ hai là đối tượng góp vốn vào quỹ được mở rộng. Theo quy định hiện hành thì các cá nhân, các DNNN hoặc các DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối không được tham gia góp vốn vào quỹ thành viên. Còn theo dự thảo quy định mới, ai có tiền đều có quyền góp vốn vào công ty đầu tư chứng khoán. Chỉ có điều việc góp vốn vào loại công ty này của các DNNN, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, sẽ thực hiện theo quy định có liên quan và các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hơn 3 năm qua kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, loại hình công ty quản lý quỹ xuất hiện khá dày đặc với 46 công ty đã được thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, 46 công ty này cho đến nay mới "đẻ" ra được 4 quỹ đầu tư đại chúng và khoảng 10 quỹ đầu tư thành viên. Tức là có đến gần 30 công ty quản lý quỹ cho đến lúc này vẫn chưa huy động được quỹ nào, "sống" chủ yếu dựa vào hoạt động nhận ủy thác đầu tư. Có nhiều lý do khách quan, nhưng cũng có nhiều yếu tố chủ quan, trong đó sự bó buộc về pháp lý là nhân tố có ảnh hưởng trọng yếu. Với việc cho phép lập quỹ đầu tư theo mô hình công ty như dự thảo, Việt Nam sẽ có thêm loại hình quỹ đầu tư tổ chức dạng công ty bên cạnh mô hình quỹ đầu tư theo hợp đồng. mô hình mới được kỳ vọng sẽ tạo thêm điều kiện để các dòng tiền nhàn rỗi trong dân chúng tìm đến với quỹ đầu tư.

Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để loại hình quỹ đầu tư có thể "sống" được, mà trước mắt là cần tháo gỡ về chính sách thuế. Lãnh đạo nhiều công ty quản lý quỹ cho biết, chính sách thuế hiện nay là vấn đề mấu chốt nhất gây nên tính kém hấp dẫn của quỹ đầu tư, đặc biệt với đối tượng nhà đầu tư cá nhân, bởi có một sự khác biệt rất lớn trong thuế suất áp dụng khi họ tự thực hiện đầu tư so với khi đầu tư qua quỹ nội địa (một cách thu 0,1% trên doanh thu; một cách thu 20% trên thu nhập). Đó là chưa nói đến việc cũng vì chính sách thuế mà quỹ đầu tư nội địa đang phải chịu thiệt thòi hơn so với các quỹ nước ngoài ngay trên "sân nhà".

Tường Vi

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Siết chặt chế tài, tăng tính răn đe (26/04/2010)

>   TTCK, sức hút mới trong con mắt quỹ đầu tư (26/04/2010)

>   PVS nhận bàn giao kho nổi FSO5 (26/04/2010)

>   Cổ đông lên tiếng (25/04/2010)

>   PVX: Khởi công xây dựng Khách sạn Dầu khí Thái Bình (25/04/2010)

>   SRA chốt danh sách họp ĐHĐCĐ 2010 và lấy ý kiến tăng vốn (24/04/2010)

>   Mạnh tay với sai phạm (24/04/2010)

>   ACB kết nối VNBC (24/04/2010)

>   Bốn nội dung chính về cơ hội năm 2010 (23/04/2010)

>   Cổ phiếu chưa niêm yết: Vẫn lại... đợi! (23/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật