Thứ Sáu, 23/04/2010 09:41

Cổ phiếu chưa niêm yết: Vẫn lại... đợi!

Đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn là mong mỏi của nhiều nhà đầu tư.

Cứ mỗi mùa Đại hội cổ đông đến, khi nhận được giấy mời họp Đại hội cổ đông, nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường chưa niêm yết (OTC) lại thêm một lần háo hức… rằng giá cổ phiếu mình mua sẽ phục hồi, vì cổ phiếu của mình sắp niêm yết.

Khi cơn sóng hốt bạc tỷ trên TTCK tập trung hồi cuối năm 2006 và đầu năm 2007 dâng cao và lan tỏa mạnh đến cuộc sống thường nhật của mọi gia đình đẩy trào lưu nhà nhà buôn cổ phiếu, người người buôn cổ phiếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng... thì cũng là lúc cổ phiếu của các Cty cổ phần chưa niêm yết cũng lên “cơn nóng hầm hập”. Chưa bao giờ lòng tin của những nhà đầu tư lại lớn như vậy khi họ có thể hùn tiền triệu, tiền tỷ cùng bạn bè, người quen mua cổ phiếu mà cũng chẳng cần giấy biên nhận, giấy ủy quyền... cho đến một ngày sự mừng vui của những nhà đầu tư này chưa kịp trọn vẹn thì giá cổ phiếu giảm mạnh theo từng ngày, muốn cắt lỗ cũng khó bởi chẳng ai dám mua vì sợ kém thanh khoản... Cho đến nay, cùng với sự thăng trầm của TTCK tập trung, các nhà đầu tư trên sàn OTC vẫn phải trung thành với mớ cổ phiếu mất giá đến 80 - 90% so với mức đặt mua ban đầu và trở thành những cổ đông bất đắc dĩ, dài cổ chờ đợi ngày DN đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn tập trung, may ra mới thu hồi được vốn.

Thông thường, những mã cổ phiếu sắp lên sàn sẽ là những cổ phiếu "nóng" vì có tốc độ tăng giá khá nhanh. Vì vậy, trước những lời hứa sẽ đưa cổ phiếu lên sàn của một số lãnh đạo DN, nhiều nhà đầu tư đã tranh mua khiến cổ phiếu của những DN đó hút khách. Tuy nhiên, hiện nay rất ít lãnh đạo Cty thực hiện lời hứa, mà đa phần đều lấy cớ là TTCK đang lình xình chưa thích hợp với việc lên sàn. Theo thống kê của UBCKNN, hiện nay số CtyCP đại chúng đăng ký với UBCKNN đã lên gần 1.000 Cty và gần 4.000 CtyCP đã được chuyển đổi qua quá trình cổ phần hóa DN. Nhưng cho đến nay số lượng Cty niêm yết (CtyNY) và Cty đăng ký trên sàn UPCoM chỉ đạt tương ứng 498 CtyNY và 47 Cty. Có nghĩa là cổ phiếu của hơn 500 Cty có tính thanh khoản và được đảm bảo công bố thông tin đầy đủ theo luật định. Số các Cty cổ phần còn lại thì đang ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Theo quan sát, trong trào lưu săn tìm cổ phiếu trên thị trường OTC thì nạn nhân lớn nhất thuộc về cổ phiếu ngân hàng. Tuy một thời được mệnh danh là cổ phiếu vua và là cổ phiếu "hot" khi được trả cổ tức cao, được thưởng bằng cổ phiếu... Tuy nhiên, cho đến nay giá cổ phiếu ngân hàng lại bị giảm nhiều nhất bởi cổ đông đứng trước sức ép phải góp thêm vốn cho ngân hàng tăng vốn điều lệ. Mặt khác, việc các NHTM phải liên tiếp tăng vốn đồng nghĩa với việc pha loãng cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu giảm. Nhiều nhà đầu tư OTC đã phản ánh rằng, trước đây khi tìm hiểu mua cổ phiếu ngân hàng, ngoài việc hưởng cổ tức, đa phần nhà đầu tư đều được “khuyến mãi” thêm những lời hứa là cổ phiếu sắp lên sàn. Tuy không được như kỳ vọng ban đầu nhưng từ đó đến nay, cứ đều đặn đến hẹn lại lên, họ lại được nhận đều đặn những cái “trát” nộp tiền tăng vốn đợt 1, đợt 2... và nỗi lo pha loãng chưa biết lúc nào ngừng.

Cho đến nay, các nhà đầu tư trên sàn OTC vẫn phải trung thành với mớ cổ phiếu mất giá đến 80 - 90% so với mức đặt mua ban đầu và trở thành những cổ đông bất đắc dĩ.

Năm 2010, thông qua các phương tiện truyền thông, các NHTM lớn như BIDV, LienVietBank, Nam Viet Bank, SaigonBank... và một số đại gia tên tuổi như  Sabeco, Habeco, MobiFone, VinaPhone, Vietnam Airlines... lại rộ lên thông tin lên sàn. Tuy nhiên, đi cùng với sự niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung, một số DN này cũng lại có cả kế hoạch tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN. Nhà đầu tư lại tiếp tục lộ trình... nộp tiền tăng vốn. Trong bối cảnh thị trường vẫn trong xu thế đi ngang như hiện nay, chẳng có nhà đầu tư nào hào hứng với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không ngậm bồ hòn làm ngọt mua tiếp cổ phiếu thì sẽ còn thua thiệt nhiều hơn.

Với ngành ngân hàng được tiếng là thanh khoản, nhưng nhà đầu tư lỡ ôm cổ phiếu ngành này mà vẫn phải khóc dở, mếu dở huống chi những Cty cổ phần không tên tuổi khác. Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhà đầu tư lại nhận được một cái hẹn là sẽ niêm yết cổ phiếu DN vào cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011. Tuy nhiên, ai sẽ bảo đảm liệu cái hẹn đó là đúng  và cổ đông lại tiếp tục dài cổ chờ.

Mai Thư

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cháy lớn tại xí nghiệp Casumina Bình Dương (23/04/2010)

>   Công ty chứng khoán chiều khách VIP: Quá mù ra mưa (22/04/2010)

>   Khía cạnh kinh tế của pháp luật (22/04/2010)

>   VHC: DN thuỷ sản VN đầu tiên đạt chuẩn của Bộ Thương mại Mỹ (22/04/2010)

>   Phía sau sức nóng cổ phiếu dầu khí (22/04/2010)

>   Viết tiếp ý tưởng lập một “danh sách đen” (22/04/2010)

>   Nắm giữ và lướt… (22/04/2010)

>   Thanh tra 3 công ty chứng khoán (22/04/2010)

>   Commonwealth mua 15% cổ phần của VIB (21/04/2010)

>   Cơ hội năm 2010 - Nhìn từ thực trạng quý I (21/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật