Khía cạnh kinh tế của pháp luật
Bài viết “Một nghị định vô hiệu hóa một định chế” của tác giả Nguyễn Ngọc Bích - Ngô Duy Minh trên TBKTSG số 16-2010 ngày 15-4-2010 cho rằng Nghị định số 01/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn việc chào bán cổ phần riêng lẻ có hiệu lực áp dụng từ ngày 25-2-2010 đã vô hiệu hóa một định chế pháp lý doanh nghiệp - công ty cổ phần (CTCP).
Nếu nói vô hiệu hóa cả một định chế CTCP thì sẽ còn nhiều điều để bàn, tuy nhiên nói vô hiệu hóa một cơ chế, một cách thức huy động vốn hiệu quả của CTCP hiện nay thì đã thấy rõ bởi việc áp dụng quy định nói trên của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Dưới đây là sự nhìn nhận Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ từ góc độ tính “kinh tế” của một quy định.
Khía cạnh kinh tế của quy định hiện hành về chào bán riêng lẻ
Thực tiễn cho thấy các công ty cổ phần ở nước ta đã có những bước phát triển thông qua việc huy động nguồn vốn theo những cách thức dễ dàng và hiệu quả, đến khi có quy mô vốn hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mới chào bán cổ phiếu ra công chúng hay niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Thực chất hoạt động phát hành cổ phần xuất phát từ nhu cầu tăng vốn kinh doanh (vốn điều lệ của CTCP) thông qua việc huy động từ các thành viên trong gia đình, bạn bè thân hữu hay những đối tác chiến lược đã trở thành một công cụ huy động vốn hiệu quả, thiết thực.
Những bước đi vững chắc, thành công với những dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả được bảo đảm bởi một cơ chế huy động, đóng góp vốn hiệu quả, linh hoạt gắn kết lợi ích của người góp vốn thông qua hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ như thế. Trong khi hoạt động này đang phát huy tốt vai trò huy động hiệu quả và an toàn các nguồn vốn, chưa phát sinh bất ổn, rủi ro cũng đã được kiểm soát bởi các quy định của pháp luật ở mức độ hợp lý thì việc tiếp tục đưa ra các cơ chế quản lý dù theo hướng mở rộng hoặc thu hẹp hành lang pháp lý đều là không cần thiết và tốn kém chi phí.
Hạn chế chuyển nhượng hay hạn chế việc huy động vốn
Nghị định mới hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán riêng lẻ. Trước hết, hạn chế như vậy chắc chắn sẽ hạn chế về tính khả thi của phương án chào bán cổ phần dù là cổ đông hiện hữu hay cổ đông mới, làm mất đi sức hấp dẫn để thu hút cổ đông. Cổ phần được chào bán là để huy động thêm vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc có thay đổi cổ đông sau đó do chuyển nhượng không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn và hoạt động của công ty. Nhà đầu tư có chuyển nhượng hay không thì tiền từ đợt chào bán cổ phần cũng là tiền của CTCP nên ai nắm giữ cổ phần rõ ràng không ảnh hưởng đến số tiền đó.
Đem vấn đề này so sánh với công ty đại chúng sẽ thấy quy định này chưa hợp lý, bởi nếu một công ty có 99 cổ đông, khi chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thì cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, còn công ty đại chúng (có từ 100 cổ đông trở lên) nếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị giới hạn chuyển nhượng. Với quy định này, CTCP muốn chào bán thành công thì chỉ có thể chào bán cho các đối tác có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của mình, đối tượng này không phải lúc nào cũng sẵn sàng quyết định đầu tư dài hạn.
Một năm là quá dài và có thể xuất hiện nhiều rủi ro, nên thay vì tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư mua chứng khoán trên thị trường tập trung hoặc kênh đầu tư khác để vừa tránh được rủi ro thanh khoản, vừa không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Như vậy, rõ ràng quy định này đang ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của hàng chục ngàn CTCP.
Giới hạn thời gian các đợt chào bán hay giới hạn cơ hội đầu tư
Bên cạnh đó, theo quy định tại nghị định thì các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng. Nếu tiếp cận vấn đề từ nhu cầu vốn liên tục của doanh nghiệp có thể thấy, mỗi dự án đầu tư, việc mở rộng sản xuất kinh doanh đều cần một nguồn vốn nhất định. Doanh nghiệp trong kinh tế thị trường liên tục phải mở rộng hoạt động kinh doanh, liên tục đứng trước những cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Liên tục có thể hiểu là hôm nay doanh nghiệp có một cơ hội đầu tư, họ chào bán riêng lẻ và bố trí được nguồn vốn nắm bắt được cơ hội đầu tư đó. Ngay ngày mai họ có một cơ hội đầu tư khác tiếp tục cần vốn để triển khai họ sẽ phải chờ sáu tháng sau để chào bán cổ phần huy động vốn. Rõ ràng, hạn chế này triệt tiêu cơ hội đầu tư đó.
Từ các giới hạn, hạn chế trên, rõ ràng việc huy động vốn, tận dụng các cơ hội đầu tư sẽ gặp khó khăn. Các phương án đầu tư sẽ phải thay đổi, bài toán huy động vốn sẽ phải tính toán lại, dòng chảy nguồn vốn vào các CTCP sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế và đương nhiên kìm hãm sự phát triển, tăng trưởng của các CTCP.
Chi phí hành chính cho bộ máy quản lý
Theo nghị định hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ được đưa vào diện quản lý với sự tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Phòng Đăng ký kinh doanh) và Ban Quản lý KCN, KCX (trong trường hợp tổ chức chào bán là các công ty cổ phần nói chung), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trong trường hợp tổ chức chào bán là tổ chức tín dụng), Bộ Tài Chính (trong trường hợp tổ chức chào bán là doanh nghiệp bảo hiểm cổ phần), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (trong trường hợp tổ chức chào bán là công ty cổ phần chứng khoán, công ty cổ phần quản lý quỹ, công ty đại chúng (trừ các công ty đại chúng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm).
Như vậy, một quy định tạo nên sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau chưa kể đến việc khó có tiếng nói chung trong quản lý chuyên môn sẽ phải cần thêm một số lượng lớn cán bộ, công chức đặc biệt tại cơ quan đăng ký kinh doanh vốn đã quá tải. Cần phải có thêm bao nhiêu cán bộ để đáp ứng yêu cầu thẩm tra hồ sơ, cho ý kiến yêu cầu tổ chức chào bán bổ sung, sửa đổi hồ sơ, thực hiện thủ tục thông báo cho tổ chức đăng ký biết và công bố trên trang thông tin điện tử (website) danh sách tổ chức đăng ký chào bán thuộc phạm vi quản lý. Hiện nay CTCP (không phải công ty đại chúng) khi thực hiện tăng vốn thông qua chào bán riêng lẻ, chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nay với quy định mới, CTCP phải làm thêm một bước nữa, đó là làm hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý trực tiếp.
Hiện tại, mới sau gần hai tháng áp dụng, các phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh đang lúng túng trong việc giải quyết, theo thông lệ thì sẽ xin ý kiến cấp trên, chờ tham vấn, chờ văn bản hướng dẫn... Về phía doanh nghiệp chỉ biết chờ, trong lúc các kế hoạch huy động vốn, tăng vốn, các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh cần vốn cũng chờ theo, thiệt hại về kinh tế là điều khó tránh khỏi.
Thiệt hại luôn thuộc về doanh nghiệp
Trong khi Nghị định 01/2010/NĐ-CP với hạn chế trên vừa ban hành trong một thời gian ngắn thì một nghị định khác đang dự thảo đó là Nghị định thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp lại theo hướng bãi bỏ các hạn chế trên. Theo dự thảo nghị định này thì các CTCP (không phải là công ty đại chúng hoặc không niêm yết) được quyền phát hành cổ phần riêng lẻ và không bị giới hạn chuyển nhượng cổ phần trước và sau phát hành. Tuy nhiên do còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất nên chưa biết đến bao giờ dự thảo mới được trình Chính phủ ký ban hành.
Cũng tại thời điểm này, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được lấy ý kiến áp dụng đối với công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết vẫn đưa vào quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ với nội dung: “Việc chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng, trừ trường hợp chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức tín dụng...”. Nếu quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán phát hành riêng lẻ không được Luật Chứng khoán sửa đổi nới lỏng, thì câu chuyện khó khăn, bế tắc hiện nay trong phát hành chứng khoán riêng lẻ của các CTCP trên thị trường chứng khoán vẫn không được tháo gỡ.
Nếu cho rằng mục tiêu của nghị định là giải quyết những vấn đề của thị trường chứng khoán liên quan đến những đợt chào bán riêng lẻ của doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin về các đợt chào bán và giá bán cho các đối tác lớn để nhằm tăng cường bảo vệ môi trường đầu tư cũng như quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư thì đó cũng là chuyện của thiểu số các công ty đại chúng hay công ty niêm yết.
Vì thế mà đưa đa số các CTCP vào để điều chỉnh thì càng bất hợp lý và cần sớm đưa các đối tượng này ra khỏi đối tượng áp dụng Nghị định 01/2010/NĐ-CP nói trên. Và dù kịch bản pháp lý nào được thông qua thì khó khăn vẫn thuộc về doanh nghiệp, khó khăn không chỉ đơn giản là việc nắm bắt, tuân thủ những quy định thường xuyên thay đổi, khó dự báo mà trực tiếp và dễ thấy hơn trong trường hợp này đó là những thiệt hại về tiền, về kinh tế từ những quy định hạn chế nói trên.
Luật sư Phạm Chí Công - GĐ Công ty Luật Khai Phong
TBKTSG
|