Viết tiếp ý tưởng lập một “danh sách đen”
Báo ĐTCK số ra ngày 19/4 có đăng bài “Ý tưởng về một danh sách đen”, theo đó, một số thành viên điều hành Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) muốn lập 1 danh sách đen giúp các CTCK thành viên nhận diện những NĐT, người hành nghề chứng khoán lừa đảo chuyên nghiệp.
So sánh thì khá khập khiễng, nhưng nó cũng giống như việc các sòng bài bên Las Vegas lập danh sách những tay chơi gian lận, hoặc những “cựu” nhân viên sòng bài nhưng đã có hành vi “nhúng chàm” nên sẽ không còn được làm việc tại bất kỳ sòng bạc nào nữa.
Về lý thuyết thì không CTCK nào muốn “tiếp” những khách hàng thích tìm cách lách luật rồi có chuyện gì thì phủi tay. Nhiều “trò” mà có CTCK cho làm, không hẳn do bản thân công ty đó nghĩ ra, mà là làm theo yêu cầu của một NĐT VIP nào đó. Ví dụ như có người đòi bán chứng khoán ngày T+1, T+2; hay như hồi đỉnh cao 2007 có người đặt lệnh mua chậm tiền qua điện thoại, đến cuối ngày, cổ phiếu mất giá, lập tức “lặn mất tăm” - đơn giản là tắt điện thoại di động, không lên sàn. Thế là công ty đành tự doanh “ôm vào”. Sau 1 tuần cổ phiếu lại lên, “tự nhiên” anh ta đến quầy hỏi: cổ phiếu của tôi về tài khoản chưa??? Còn biết bao cách lách mà NĐT từng yêu cầu như dùng đòn bẩy quá cao hay ký quỹ quá thấp trong giao dịch, chậm tiền đến T+3…
Đối với những CTCK đang cố gắng chứng tỏ cung cách làm ăn đứng đắn, tuân thủ pháp luật thì tất nhiên cũng có nhiều cách đề phòng, nhưng khi những chuyện lách luật nói trên đã trở thành những hành vi “giao dịch hết sức bình thường” thì công ty đó sẽ bị thiệt thòi, bởi vì nhiều khách lướt sóng rất thích dùng đòn bẩy cao, thích bán sớm, thích được cung cấp tin đồn… Khi làm những chuyện này thì CTCK thường nắm lưỡi dao hơn là nắm chuôi, nhưng vì cạnh tranh, vì thượng đế mà đôi khi đành phải “cho làm”. Khi xuất hiện nhiều CTCK hơn, thị trường cạnh tranh gay gắt hơn thì càng phải thường xuyên “cho làm”. Tâm lý khách hàng thấy CTCK không chiều khách là bỏ đi ngay, thị trường 106 công ty môi giới, thiếu gì lựa chọn. Cho nên có những công ty tuy lượng tài khoản đến vài chục nghìn mà thị phần môi giới lại không bằng mấy công ty khác vốn chỉ có 5.000 - 6.000 tài khoản.
Tuy nhiên, lập danh sách đen cho các NĐT “hắc ám” như thế ở Việt Nam có lẽ chưa ổn. Không ai ngoài tòa án có quyền quy kết người khác là lừa đảo. Rồi nếu họ đòi mở tài khoản tại chỗ CTCK bạn, bạn có quyền từ chối không? Cho nên chuyện này về ý tưởng thì hay, nhưng tính khả thi thì rất thấp. Đổi lại, chỉ cần các cơ quan giám sát thực thi nghiêm chức năng của mình thì thị trường sẽ trở nên công bằng hơn, đồng nghĩa với việc số lượng những kẻ xấu chơi giảm thiểu.
Có một khía cạnh khác mà VASB có thể vận động các CTCK làm theo, đó là lên “black list” những nhân viên nhúng chàm. Anh nổi tiếng đâu đó nhờ làm bậy, tôi có quyền không tuyển anh làm nhân viên. Chuyện này nên làm, vì thời gian qua cũng có rất nhiều chuyện xấu xảy ra trên thị trường mà kẻ đầu têu chính là nhân viên môi giới (ở đây không bàn đến khả năng kẻ đầu têu chính là công ty môi giới). Năm 2009 là năm bùng nổ hình thức tìm kiếm khách hàng theo kiểu lập các đội, nhóm môi giới hưởng lương theo hoa hồng, tức là bạn kéo về một khách hàng, “giúp” họ giao dịch mua bán và kiếm về cho CTCK 10 đồng phí giao dịch thì công ty cho bạn hưởng 3 đồng, có công ty còn cho tới 6 đồng. Từ đó dẫn đến việc không ít broker xui khách hàng giao dịch thật nhiều, mua xong thì bán, bán rồi lại mua, rồi tiến tới xúi dùng đòn bẩy tài chính, hứa cho bán sớm, hứa cho chậm tiền… Có nhiều nhân viên không đủ kiến thức về chứng khoán, hay thậm chí chả cần biết công ty có lo nổi tiền để làm đòn bẩy hay không cũng cứ hứa, biết xúi bán khống là phạm luật cũng cứ hứa. Sự quản lý nhân viên theo đội, theo nhóm ban đầu còn dễ, nhưng nếu 1 broker lại có quyền tự tuyển 1 sub-broker, sub-sub-broker…, thì chuyện kiểm soát dần đi đến bất khả.
Nhưng để chỉ mặt những người hành nghề nhúng chàm là không dễ. Hoạt động môi giới của năm qua và năm nay tuy đã giúp nhiều công ty hồi phục, làm ăn có lãi, nhưng không đồng nghĩa với việc công ty đó đã hết khó khăn. Tự doanh có thể giúp công ty kiếm ra nhiều tiền, nhưng biết đâu năm tới lại mất hết, không thể coi là ổn định. Để phát triển một cách vững chắc, môi giới là mảng đóng vai trò quyết định và với đặc thù của TTCK nước ta hiện nay là chưa thể dựa hoàn toàn vào môi giới trực tuyến, thì nhân sự luôn là bài toán đau đầu cho tất cả công ty, kể cả những công ty đang thiếu người và cả những công ty đang có đủ (sợ mất người). Thiếu nhân lực tất dẫn đến dùng bất cứ ai, miễn là có chứng chỉ hành nghề, mặc kệ việc họ trước đây đã làm gì.
Lập một “danh sách đen” là vấn đề mới và khó. VASB sẽ làm như thế nào? Chúng ta cùng chờ xem!
Hoàng Thạch Lân
Đầu tư chứng khoán
|