Thứ Hai, 26/04/2010 10:43

Xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán:

Siết chặt chế tài, tăng tính răn đe

Phỏng vấn bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chánh Thanh tra - Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

- Gần đây thị trường xôn xao về những giao dịch thao túng, làm giá CP nhưng dường như những vụ việc được xác minh và xử phạt vẫn còn quá ít?

- Riêng quý I/2010 thanh tra đã ra 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về CK và TTCK. Khoảng 20% quyết định xử phạt là xử phạt các hành vi vi phạm quy định về giao dịch, vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin của tổ chức niêm yết, Cty đại chúng, của cổ đông nội bộ trong các tổ chức niêm yết; hành vi vi phạm giao dịch nội bộ, thao túng thị trường.

Từ đầu năm 2009 đến nay, UBCKNN đã xử phạt 7 vụ giao dịch nội bộ, thao túng. Các hành vi thao túng thị trường thường diễn ra khá tinh vi, phức tạp. Có đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ủy quyền khác nhau, mở tại nhiều CTCK. Điều tra và xác minh những hành vi sai phạm của loại đối tượng này là không đơn giản, có những hành vi phải mất nhiều tháng trời làm liên tục mới đủ chứng cứ để buộc đối tượng vi phạm nhận lỗi.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như của Việt Nam, để tiến hành kiểm tra, thanh tra các vụ việc có dấu hiệu về giao dịch nội gián hay thao túng thị trường để thu thập đầy đủ bằng chứng chứng minh các hành vi giao dịch nội gián, thao túng là rất khó. Ở các nước có TTCK phát triển, hàng năm cơ quan quản lý thị trường có thể tiến hành điều tra từ 40 đến 50 vụ thao túng hay nội gián, nhưng số vụ việc đưa ra xử lý được không nhiều (khoảng 2 đến 3 vụ).

- Một trong những bức xúc của thị trường là việc xử phạt quá nhẹ trong khi lợi nhuận từ những vụ làm giá có thể lên tới nhiều tỉ đồng. Đây cũng là một trong những lý do khiến hiện tượng CP tăng giá bất thường vẫn phổ biến?

- Mức phạt quy định tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán còn thấp (tối đa chỉ là 70 triệu đồng), không đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm. UBCKNN đang tập trung chỉnh sửa các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Chứng khoán và Nghị định 36 nhằm bổ sung các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới phát sinh trên thị trường, nâng cao mức phạt tiền trong lĩnh vực chứng khoán.

Nghị định 36 có hiệu lực từ năm 2007, được xây dựng theo khung trần xử phạt vi phạm hành chính tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (tối đa đối với lĩnh vực chứng khoán là 70 triệu đồng), nên nhìn chung, các mức xử phạt đều thấp. Đến nay, mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã được Quốc hội nâng lên 500 triệu đồng, nên trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 36, các mức xử phạt sẽ tăng lên, ví dụ như hành vi thao túng thị trường mức xử phạt từ 200 - 300 triệu đồng.

- Tại sao cơ quan quản lý không thực hiện tịch thu toàn bộ các khoản lợi nhuận có được từ các hành động phạm pháp khi khung pháp lý cũng đã quy định?

- Các chỉnh sửa Nghị định 36 tới đây sẽ tăng cường các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu các khoản thu trái pháp luật. Trong Nghị định 36 cũng đã đề cập, nhưng thực tế lại chưa có hướng dẫn cụ thể cách tính khoản tiền này nên UBCK chưa có đủ căn cứ để xác định khoản tiền bất chính cũng như buộc đối tượng vi phạm nộp khoản tiền này vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định thay thế Nghị định 36, UBCK đang  bổ sung cách tính khoản tiền này trình Bộ Tài chính ban hành, để xử phạt nghiêm hơn và tăng tính răn đe. Ngoài ra, nghị định thay thế cũng bổ sung một số hành vi vi phạm mới phát sinh mà nghị định này chưa có chế tài xử lý.

- Bà bình luận như thế nào trước việc thời gian gần đây hàng loạt cổ đông nội bộ, từ thành viên ban kiểm soát, ban giám đốc đến người có liên quan và cổ đông lớn mua, bán số lượng lớn CP song không công bố thông tin? Liệu có phải do mức xử lý quá nhẹ mà họ đã phớt lờ quy định hay không?

- Trong thời gian vừa qua, UBCKNN đã tiến hành xử phạt một số trường hợp cổ đông nội bộ, thành viên ban kiểm soát, ban giám đốc đến người có liên quan và cổ đông lớn mua, bán cổ phiếu của công ty niêm yết song không báo cáo UBCKNN, SGDCK. Việc xử phạt được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và công bố công khai trên thị trường.

Số liệu thống kê các trường hợp đã xử lý cho thấy,  đa số những người vi phạm có khối lượng giao dịch lẻ tẻ, vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu; những trường hợp vi phạm với khối lượng giao dịch lớn là không nhiều.

Một trong những nguyên nhân vi phạm là do DN nói chung và các cổ đông nội bộ nói riêng chưa nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Trong đó, có rất nhiều trường hợp vi phạm lần đầu, do thiếu hiểu biết đặc biệt là những đối tượng là người có liên quan (anh, chị em...) của cổ đông nội bộ.

Đa số đều giải trình do không hiểu biết các quy định của Luật Chứng khoán và thông tư hướng dẫn; không biết làm báo cáo như thế nào và gửi tới ai (mặc dù pháp luật đã có quy định), gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. Do đó  cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về CK nói chung và các quy định về giao dịch nói riêng đối với các đối tượng tham gia thị trường.

- Xin cảm ơn bà.

Hoàng Nguyên

lao động 

Các tin tức khác

>   TTCK, sức hút mới trong con mắt quỹ đầu tư (26/04/2010)

>   PVS nhận bàn giao kho nổi FSO5 (26/04/2010)

>   Cổ đông lên tiếng (25/04/2010)

>   PVX: Khởi công xây dựng Khách sạn Dầu khí Thái Bình (25/04/2010)

>   SRA chốt danh sách họp ĐHĐCĐ 2010 và lấy ý kiến tăng vốn (24/04/2010)

>   Mạnh tay với sai phạm (24/04/2010)

>   ACB kết nối VNBC (24/04/2010)

>   Bốn nội dung chính về cơ hội năm 2010 (23/04/2010)

>   Cổ phiếu chưa niêm yết: Vẫn lại... đợi! (23/04/2010)

>   Cháy lớn tại xí nghiệp Casumina Bình Dương (23/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật