Chiều khách VIP: chơi dao hai lưỡi
Với tài khoản nhiều chục tỉ đồng, những nhà đầu tư lớn (còn gọi là khách VIP) luôn được công ty chứng khoán phục vụ tối đa. Nhưng lắm khi cả công ty chứng khoán và khách VIP trở thành nạn nhân của mối quan hệ này.
Từ năm 2009, nhiều công ty chứng khoán đã quyết liệt trong chạy đua lôi kéo khách VIP với nhiều chiêu thức hơn, đôi khi vượt cả khuôn khổ pháp luật.
Thấp, ngắn và nhiều hơn
Phí thấp hơn, thời gian bán chứng khoán đã mua ngắn hơn, được vay nhiều hơn. Đó là một trong những chiêu để các công ty chứng khoán phục vụ khách VIP. Tất cả các công ty đều giảm phí giao dịch của khách VIP xuống mức cực thấp, thậm chí có công ty miễn phí. Mức phí ưu đãi khách VIP phổ biến hiện nay là 0,05-0,1%, trong khi mức áp dụng chung cho mọi khách hàng là 0,3-0,35%.
Kéo được khách VIP đã khó, giữ chân những vị này càng khó hơn. Vì thế công ty chứng khoán còn cho khách VIP khi đặt mua chỉ cần ký quỹ 10-20% giá trị chứng khoán sẽ mua. Nếu có cầm cố chứng khoán thì có thể được vay đến 70%, thậm chí 100% giá trị chứng khoán. Một số công ty còn cho khách VIP được chậm nộp tiền mua chứng khoán hai ngày kể từ khi đặt mua.
Tại Công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) đã có khách VIP mua chứng khoán trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 23-10-2009 nhưng đến ngày 5-11 mới bắt đầu thanh toán và chỉ nộp đủ tiền vào ngày 13-11-2009.
Không chỉ tích cực “bơm tiền” cho khách VIP mua chứng khoán, các công ty còn giúp những khách hàng này “đánh nhanh rút gọn”. Họ có thể bán ngay chứng khoán thay vì phải chờ đến ngày thứ năm kể từ ngày mua chứng khoán theo quy định về giao dịch. Bất chấp lệnh cấm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, một số công ty vẫn cho khách VIP bán chứng khoán trái với quy định.
Tại Công ty chứng khoán Đại Nam, ba tháng đầu năm nay một số khách VIP vẫn được cho bán chứng khoán đã mua sớm hơn quy định. Các khách VIP luôn là người đầu tiên được tiếp cận thông tin có giá trị...
“Ngậm bồ hòn làm ngọt”
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (ĐH Mở TP.HCM), việc ưu đãi phí giao dịch cho khách VIP là quyền của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, việc lạm dụng đòn bẩy tài chính, hay “xé rào” cho khách VIP bán chứng khoán sớm hơn quy định, cho mua chứng khoán nhưng chậm nộp tiền... không chỉ làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư nhỏ, gây bất ổn thị trường mà bản thân công ty chứng khoán và khách VIP cũng chịu nhiều rủi ro.
Nhiều công ty đã vướng vào tình cảnh dở khóc dở mếu khi “o bế” khách VIP. Một công ty đang mệt mỏi với vụ rắc rối trị giá hàng chục tỉ đồng liên quan đến khách VIP, kéo dài từ đầu năm 2009 đến nay. Công ty này đã nhắm mắt hỗ trợ vốn cho một khách VIP, ngay cả khi vị khách này không có tiền trong tài khoản, thậm chí còn nợ một khoản tiền lớn đối với số chứng khoán đã mua trước đó. Chỉ đến khi một nhà đầu tư trong số các tài khoản được cho là ủy quyền cho vị khách VIP yêu cầu đóng tài khoản, mọi chuyện mới bị đổ bể.
Khá nhiều công ty phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” ôm số chứng khoán mà một số khách VIP đã mua nhưng chưa nộp tiền khi thấy thị trường giảm điểm đã bỏ của chạy lấy người. Giám đốc đầu tư một công ty cho biết một số khách VIP được bảo lãnh nộp tiền hai ngày sau khi mua chứng khoán nhưng thị trường bất ngờ giảm mạnh, thay vì nộp tiền những vị khách này lặn mất tăm.
Một số khách VIP được công ty cho vay đến 80% giá trị chứng khoán, khi giá chứng khoán giảm, các vị khách này cũng một đi không trở lại. Với những trường hợp này, công ty chứng khoán đành phải ôm nợ.
Bị lợi dụng
Một số công ty chứng khoán cho biết trên thị trường đã xuất hiện những khách VIP lợi dụng các dịch vụ “đặc biệt” từ công ty chứng khoán để trục lợi. Chẳng hạn, một khách VIP gọi điện thoại đặt mua cổ phiếu và theo thỏa thuận giữa hai bên, vị khách này phải nộp tiền sau hai ngày kể từ khi đặt mua chứng khoán. Nhưng ngay sau đó, cổ phiếu này bất ngờ rớt giá, vị khách VIP tắt máy và lặn mất tăm. Vài ngày sau, khi giá cổ phiếu này tăng mạnh trở lại, vị khách VIP chuyển tiền vào tài khoản rồi gọi điện hỏi về số cổ phiếu đã mua.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán thừa nhận việc cho khách VIP ký khống lệnh và giao dịch trực tiếp với nhân viên môi giới chứng khoán qua điện thoại di động là khá phổ biến. Nhiều rắc rối đã phát sinh từ đây. “Khi số chứng khoán đã mua tăng giá, nhà đầu tư vui vẻ hưởng lợi. Nhưng nếu giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư quay lại phản ứng với lý do không đặt mua. Cái khó là những nhà đầu tư này được mua trước, nộp tiền sau nên họ không nộp tiền thì công ty chứng khoán cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt thôi...” - vị tổng giám đốc này nói.
Ai cũng là nạn nhân
Vụ lùm xùm giữa Công ty chứng khoán Âu Việt và một khách VIP, trong đó cả hai bên đều khẳng định mình là nạn nhân là một ví dụ về hậu quả của chính sách thoáng trong phục vụ khách hàng. Trong vụ này, nhà đầu tư buộc tội công ty chứng khoán ký khống lệnh giao dịch của khách hàng và môi giới tự ý đặt lệnh mua chứng khoán với trị giá lên tới 4,6 tỉ đồng. Ngược lại, công ty chứng khoán thì cho rằng vị khách này có mưu đồ trục lợi, muốn bỏ của chạy lấy người do giá mua bị giảm.
Ai là nạn nhân còn phải chờ các cơ quan chức năng phân xử. Nhưng việc cho phép nhà đầu tư giao dịch trực tiếp với môi giới qua điện thoại di động thay vì qua hệ thống đặt lệnh bằng điện thoại bàn có ghi âm, và cho nhà đầu tư trả chậm tiền mua chứng khoán... cho thấy có sự lỏng lẻo trong nghiệp vụ quản trị rủi ro của công ty chứng khoán này. |
Hải Đăng
Tuổi trẻ
|