Liệu Hy Lạp có trở thành một Lehman Brothers khác ?
Thế giới đang đối mặt với khả năng Hy Lạp sẽ trở thành một vụ Lehman Brothers thứ hai, đẩy các nước chủ nợ châu Âu vào một vòng quay mới của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhưng không giống như ngân hàng Lehman Brother đã không nhận được cứu trợ từ chính phủ Mỹ, Hy Lạp có thể nhận được viện trợ từ các thành viên của Liên minh châu Âu để tránh rơi vào tình trạng “bảo hộ phá sản”.
Những nét tương đồng
So sánh với trường hợp Lehman Brothers, Hy Lạp cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính tương tự và có khả năng “lan tỏa” đến hệ thống tài chính toàn cầu.
Cả Hy Lạp và Lehman Brother đều rơi vào khủng hoảng và gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ, ngày càng khó có thể có được các khoản vay với mức lãi suất hợp lý và có nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường vay nợ quốc tế.
Mối nguy hiện hữu nhất là sự vỡ nợ của Hy Lạp sẽ khai mào một chu kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, giống như trường hợp Lehman Brothers.
Việc Lehman Brothers, hãng đầu tư tài chính lớn thứ tư Phố Wall khi đó, nộp đơn xin bảo hộ phá sản vảo ngày 15/9/2008 đã đẩy những khó khăn trên thị trường tài chính Mỹ lan rộng thành khủng hoàng tài chính, kinh tế toàn cầu.
Một số chuyên gia lo ngại nếu Hy Lạp không thể thanh toán các khoản nợ, các nhà đầu tư có thể sẽ nghi ngờ độ tin cậy của các nền kinh tế khác thuộc khu vực đồng euro, đặc biệt là Bồ Đào Nha, Ý, Ireland và Tây Ban Nha – tất cả các nước này đều đang có thâm hụt ngân sách lớn.
Một kết cục khác ?
Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, châu Âu sẽ rót dần các khoản viện trợ cho Hy Lạp.
Tờ Nhật báo phố Wall thông tin rằng một khoản cứu trợ có thể sẽ sớm được dành cho Hy Lạp. Theo đề xuất này, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và các nhà đầu tư trái phiếu của Pháp và Đức có thể mua tới 30 tỷ euro (khoảng 40 tỷ USD) trong các khoản nợ chính phủ của Hy Lạp.
Chính phủ Hy Lạp, dưới sức ép từ phía EU, cũng đã cam kết cắt giảm mức độ thâm hụt ngân sách mà hiện tại ước tính chiếm khoảng 12,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuốn còn 4% trong năm nay.
Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra đối với Hy Lạp giống như trong trường hợp chính phủ Mỹ từ chối cứu Lehman Brothers.
Quay lại thời điểm đó, chính phủ Mỹ không muốn bị coi như chiếc lưới an toàn cho những nhà đầu tư mạo hiểm, và trước hết, chính phủ Mỹ không muốn bị dư luận chỉ trích vì sử dụng tiền thuế của người dân để cứu một hãng tài chính tư nhân có thể sẽ đóng vai trò chính trong việc tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhưng mọi việc đã nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi Lehman Brother phá sản. Các thị trường chứng khoán lớn của thế giới rơi tự do và hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo, đứng trên bờ vực của sự sụp đổ.
Chính phủ Mỹ, do lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, đã buộc phải đưa cam kết sẽ rót nhiều tiền hơn để cứu các thể chế tài chính khác, bao gồm tập đoàn AIG.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, EU và các nền kinh tế lớn trong khu vực đồng euro cũng sẽ tập trung để ổn định tình hình Hy Lạp, giúp nước này không bị vỡ nợ và kéo toàn bộ khu vực vào khủng hoảng, bất chấp “tổn thất về đạo đức”.
Những mối lo khác
Nhưng những lo ngại của châu Âu vẫn chưa kết thúc chỉ với khoản cam kết cứu trợ cho Hy Lạp. Nhiều lo ngại khác cũng đang hướng về Bồ Đào Nha, Ý, Ireland và Tây Ban Nha.
Những thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ nợ của các nước này lần lượt là 75,2%, 115,5%, 63,7% và 59,5% GDP, cao hơn mức quy định chung của EU là 60%.
Trong khi đó, người ta cho rằng Anh, nước cũng đang có thâm hụt ngân sách lớn cũng lọt vào danh sách trên. Thâm hụt ngân sách của Anh là 12% GDP, so với con số trung bình của châu Âu là 6%.
Hải Linh - Theo Xinhuanews
tiền phong
|