Thái độ hoài nghi về chính sách tài khóa của Obama
Cuốn sách mới của Stiglitz có tựa đề: "FreeFall - Rơi tự do: Hoa Kỳ, các thị trường tự do, và sự sa lầy của nền kinh tế thế giới", đưa ra những gợi ý Hoa Kỳ có thể sử dụng "trải nghiệm cận kề cái chết" của mình để tạo dựng những trỗi dậy tích cực trong thế kỷ 21.
Tháng 11 năm 2008, trên tạp chí New York Times, nhà kinh tế học dành giải thưởng Nobel Joseph E. Stiglitz đã viết rằng gói kích cầu khổng lồ - trị giá 1 tỉ đô la Mỹ trong hơn hai năm - là cần thiết để chuyển biến cuộc đại khủng hoảng kinh tế thành sự hồi phục hoành tráng.
Khoảng bốn tháng sau đó, ông tiếp tục viết một bài báo khác, "tấn công" vào các kế hoạch của chính quyền Obama trong cuộc chiến trợ giúp các ngân hàng hoạt động trì trệ, đang đứng trước bờ vực phá sản. Ông cho rằng đó là một đề xuất "được - được - mất - các ngân hàng được, các nhà đầu tư được - và những người nộp thuế mất." Ông mô tả cách tiếp cận của chính quyền Obama như "chủ nghĩa tư bản thay thế, tư nhân hóa lợi ích và xã hội hóa sự thua lỗ."
Cuốn sách mới của ông, "FreeFall - Rơi tự do: Hoa Kỳ, các thị trường tự do, và sự sa lầy của nền kinh tế thế giới", đã mở rộng hơn nữa những tranh luận chủ nghĩa dân túy. Ông bác bỏ những căn nguyên gây ra cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008, đánh giá phản ứng của chính quyền Bush và Obama trước cuộc khủng hoảng. Cuốn sách đưa ra những gợi ý Hoa Kỳ có thể sử dụng "trải nghiệm cận kề cái chết" của mình để tạo dựng những trỗi dậy tích cực trong thế kỷ 21 - một thế kỷ mà họ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn như quả bóng thâm hụt ngày càng lớn, mất cân bằng thương mại, tình trạng mất việc làm ngày càng gia tăng, các thách thức đến từ Trung Quốc và các quốc gia khác.
Với tư cách là giáo sư giảng dạy tại trường ĐH Columbia, Stiglitz mang tới cho người đọc một bản miêu tả rõ ràng về các ngân hàng được hỗ trợ kích cầu quá mạnh, một ngành công nghiệp cầm cố giả tạo, giao dịch kinh doanh không được kiểm soát và cho vay trục lợi đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng. Theo quan điểm của ông, những nỗ lực giải cứu thực hiện chưa đến nơi đến chốn không chỉ làm trì hoãn quá trình rơi tự do (freefall) mà còn không thành công khi phải đối phó với những vấn đề nền tảng hơn.
Ông mô tả rất rõ ràng mạch lạc về cách thức nền kinh tế Hoa Kỳ được duy trì trước khi cuộc khủng hoảng do tiêu dùng được quả bong bóng nhà ở hỗ trợ và những thất bại của chính phủ trong quá trình thực hiện những cải cách quan trọng đối với hệ thống kinh tế.
Trước mùa thu chết năm 2008, ông Stiglitz là một trong số ít các nhà kinh tế học đã "Tiên lượng sự sụp đổ của nền kinh tế Hoa Kỳ với những hệ quả toàn cầu," và trong cuốn sách này, lời tiên đoán của ông làm cho bản báo cáo sắc bén về nguyên nhân của sự sụp đổ tài chính trở nên đáng tin cậy hơn, mặc dù đôi khi nó cũng dẫn tới tình trạng "tôi đã bảo anh rồi" về cả cuộc suy thoái kinh tế lẫn phản ứng của Washington.
Ông viết: "Tôi cho rằng nếu chính phủ thực thi những đề xuất đơn giản trong chương này, thì vấn đề tịch thu tài sản để thế nợ sẽ trở thành vấn đề của quá khứ. Nhưng đáng tiếc là, chính quyền Obama đã thực hiện theo đường lối của chính quyền Bush, theo đó phần lớn nỗ lực là nhằm giải cứu các ngân hàng."
Tất nhiên, Stiglitz đã viết với tư cách là một người theo thuyết kinh tế học của Keynes, phân tích về cuộc khủng hoảng năm 2008 và hậu quả của nó phản ảnh toàn bộ triết lý của ông. Vì vậy, rất nhiều ý kiến của ông trong phần này lặp lại những ý kiến ông đã viết trong các cuốn sách trước đây như "Toàn cầu hóa và những mặt trái", và chúng nhấn mạnh niềm tin của ông về những hạn chế của "trào lưu chính thống thị trường" (khái niệm chỉ các thị trường tự do tự nó có thể đảm bảo sự thịnh vượng và tăng trưởng của nền kinh tế") và vai trò thiết yếu của chính phủ trong quá trình điều phối các thị trường.
Cuối cùng, Stiglitz kết luận rằng sự sụp đổ của Lehman Brothers hồi tháng 9 năm 2008 có thể coi là sự sụp đổ của trào lưu chính thống thị trường. "Các vấn đề với hệ tư tưởng được biết tới từ trước đó, nhưng sau đó không ai có thể thực sự bảo vệ nó. Với sự sụp đổ của các ngân hàng lớn và các tổ chức tài chính và tiếp theo là tình trạng lộn xộn của nền kinh tế và những nỗ lực giải cứu hỗn loạn, có lẽ giai đoạn đỉnh cao của Hoa Kỳ đã kết thúc."
Trong một chương khác, ông Stiglitz cho rằng "sự thất bại của hệ thống tài chính là điển hình của những thất bại lớn hơn nữa trong hệ thống kinh tế của chúng ta, và những thất bại của hệ thống kinh tế phản ảnh những vấn đề sâu hơn trong xã hội của chúng ta" - bao gồm cả sự không công bằng ngày càng gia tăng của sự giàu có, thiếu trách nhiệm giải trình của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh, và sự chú trọng quá mức vào lợi ích trước mắt tương phản với những lợi ích dài hạn.
Lời phê bình đáng kể trong cuốn sách này được nhằm vào quá trình đối phó với khủng hoảng của chính quyền Obama. Stiglitz dám chắc rằng ngài tổng thống và các chuyên gia cố vấn đã lựa chọn phương thức đối phó "loanh quanh mãi", sắp xếp lại chỉ một chút "những chiếc ghế trên con tàu Titanic" thay vì cố gắng một cách táo bạo để "giải quyết những vấn đề về cơ cấu của hệ thống ngân hàng."
Ông viết rằng cả chính quyền Bush và Obama đều "đánh giá thấp mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng" và rằng chính quyền Obama đã tạo sự khác biệt lớn đầy phần khích nhưng "quá nhỏ bé" - rằng "đa phần sự khác biệt đó (khoảng một phần ba) là cắt giảm thuế, chỉ một phần quá ít là nhằm giúp đỡ các bang và các địa phương và những tổ chức đang điêu đứng trong hố sâu của cuộc khủng hoảng."
Nhắc lại học thuyết lực lượng quân sự quá mạnh của Colin L. Powel, Stiglitz viết: "Khi một nền kinh tế yếu, yếu như nền kinh tế thế giới hồi đầu năm 2009, thì sẽ phải chiến đấu với lực lượng quá mạnh."
Ông nói thêm: "Giải quyết vấn đề nhưng thiếu lý lẽ là một chiến lược nguy hiểm, đặc biệt ngày càng rõ ràng là chính quyền Obama đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của sự suy sụp nền kinh tế, bao gồm cả sự gia tăng của tình trạng thất nghiệp.
Ông buồn bã dự đoán rằng kết quả của việc áp dụng lực lượng không gây được ấn tượng của chính quyền Obama sẽ là một cuộc hồi phục chậm rãi hơn, và "chúng ta sẽ trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng với một khoản gia sản nợ nần lớn hơn rất nhiều, với một hệ thống tài chính kém cạnh tranh hơn, kém hiệu quả hơn và dễ bị điêu đứng hơn trước cuộc khủng hoảng khác."
Cùng quan điểm với nhà báo Paul Krugman của tạp chí Times, Stiglitz nhắc nhở độc giả rằng Mỹ không hề phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nào trong suốt nhiều thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ II, bởi vì khi đó "có những quy định mạnh được ép buộc thực hiện một cách hiệu quả."
Tuy những ký ức về cuộc Đại khủng hoảng đã dần lu mờ, sự bãi bỏ quy định đang ngày càng trở nên phổ biến - không chỉ dưới chính quyền cộng hòa của Ronald Reagan và hai cha con Bush, mà còn trong suốt triều đại của Bill Clinton. Ông Stiglitz, một thành viên của Hội đồng các chuyên gia cố vấn kinh tế của tổng thống Cliton và sau này là nhà kinh tế học cao cấp nhất của Ngân hàng Thế giới, thường phê bình bộ trưởng Bộ tài chính suốt thời của Robert E. Rubin và người kế vị ông là Lawrence H. Summers, vì các chính sách bãi bỏ quy định của họ; ở những trang này ông đặt ra câu hỏi về quyết định của Tổng thống Obama bổ nhiệm ông Summers làm cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng và bổ nhiệm ông Timothy F. Geithner (làm việc dưới chức ông Summers và ông Rubin thời chính quyền Clinton) làm bộ trưởng Bộ tài chính.
Ông Stiglitz viết: "Obama đã lựa chọn đội của ông, bất chấp thực tế là ông phải biết - hoặc nói cách khác là ông chắc chắn được cố vấn - rằng điều quan trọng là phải có những bộ mặt mới tại bàn cố vấn, những người không có quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch trong quá khứ, hoặc là cũng không có động thái bãi bỏ quy định khiến chúng ta gặp rắc rối hoặc rơi vào tình trạng phải giải cứu khó khăn như đã xảy ra trong năm 2008, từ Bear Stearns tới Lehman Brothers, tới A.I.G."
Một số gợi ý mà ông Stiglitz đưa ra trong cuốn sách này nhằm tái định dạng nền kinh tế Hoa Kỳ (và xã hội Hoa Kỳ) còn rất xa mới tới được địa hạt của những đề xuất chính sách thực tiễn mà trên thực tế có cơ hội để dành được sự ủng hộ rộng khắp của công chúng hoặc được quốc hội ban hành. Ông viết về cách thức "tái phân bổ lợi tức" và hệ thống thuế tiến bộ hơn có thể giúp bình ổn hóa nền kinh tế và nhu cầu về một hệ thống dự trữ toàn cầu mới. Ông đối chiếu với khái niệm G.N.H (tổng hạnh phúc quốc gia) của Bhutan với sự tập trung vào G.D.P của Hoa Kỳ và nói về "sự thâm hụt đạo đức" mà "quá trình theo đuổi lợi nhuận không ngừng nghỉ" và lợi ích cá nhân của người Mỹ đã tạo ra.
Những lời nhận xét này không chỉ mang lý lẽ phản bác tới những nhà phê bình bảo thủ - những người bác bỏ ý kiến của ông Stiglitz, coi ông như một người theo chủ nghĩa tự do kiểu Châu Âu, nhưng cũng có tác động ngoài ý muốn khi nó làm chệch sự chú ý của người đọc khỏi nhiều đánh giá sắc bén mà ông viết trong cuốn "Freefall - rơi tự do" về nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong năm 2008.
Hương Mai (Theo New York Times)
Tuần Việt Nam
|