Chiến lược tăng trưởng mới của Singapore
Singapore được biết đến chủ yếu như một trung tâm sản xuất hàng điện tử và vận tải, nhưng khi lập kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn kế tiếp, các nhà lãnh đạo đất nước này lại hướng đến một lĩnh vực hoàn toàn khác: nghệ thuật.
Trong những năm gần đây, Singapore đã âm thầm tăng đầu tư vào nhà hát, viện bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác. Từ năm 2005-2008, Chính phủ Singapore đã tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ cho nghệ thuật, từ 55,1 triệu lên 110,3 triệu đô la Singapore, tương đương 78,5 triệu đô la Mỹ và kỳ vọng sẽ tài trợ nhiều hơn nữa khi ngân sách 2010 được công bố trong tuần này.
Đầu tháng này, Hội đồng Chiến lược Kinh tế - bao gồm một số nhà lãnh đạo của khu vực công và tư do chính phủ bổ nhiệm - đã đề xuất rằng công cuộc phát triển Singapore thành “một thủ đô văn hóa dẫn đầu” và “một thành phố toàn cầu xuất sắc” phải là một trong ba ưu tiên hàng đầu trong thập kỷ tới.
Hội đồng này khuyến nghị, “lợi thế chủ yếu của Singapore trong tương lai là trở thành một thành phố toàn cầu và điểm gặp gỡ tại châu Á cho các doanh nghiệp và các tài năng; văn hóa và ý tưởng phải là nguồn gốc tạo ra sức cạnh tranh và tăng trưởng của đất nước”.
Mặc dù khó mà lượng hóa được hiệu quả kinh tế của sự đầu tư vào nghệ thuật song theo một báo cáo năm 2007 của Viện Nghệ thuật Hoa Kỳ thì cứ 1 tỉ đô la đầu tư cho các đoàn nghệ thuật và khán giả sẽ tạo ra 70.000 công việc làm toàn thời gian. Mối quan hệ giữa việc tăng chi tiêu cho nghệ thuật và tăng thu nhập từ du lịch cũng được nghiên cứu ở một số quốc gia.
Chính quyền Singapore đã có một thành công nhỏ khi mời được ông Lorenzo Rudolf đứng ra xây dựng Art Stage Singapore - một hội chợ quốc tế về nghệ thuật đương đại sẽ diễn ra vào tháng 1-2011 tại khu giải trí sắp mở Marina Bay Sands.
Ông Rudolf được thế giới biết đến nhờ tài biến cải hội chợ nghệ thuật Thụy Sỹ ở Basel một thời ngủ yên thành tâm điểm của thế giới nghệ thuật đương đại quốc tế trong những năm 1990.
Năm nay 50 tuổi, ông Rudolf nói rằng chính phủ Singapore đã mời ông từ 15 năm trước nhưng ông từ chối vì cho rằng chưa đến thời điểm mở một hội chợ như vậy ở Singapore. Ông đã rời Art Basel năm 2000 và tiếp tục xây dựng thành công các hội chợ nghệ thuật quốc tế như Art Palm Beach ở Florida, Mỹ hay ShContemporary ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Hiện nay theo ông Rudolf, thời điểm đã chín muồi cho việc phát triển vị thế của Singapore khi ngày càng có nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật hứng thú với nghệ thuật đương đại châu Á, nhất là nghệ thuật đương đại Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. “Thật sự chưa có một địa điểm kết hợp được các nền nghệ thuật quốc gia châu Á và đó chính là vai trò mà Singapore có thể đảm nhiệm”, ông Rudolf nói.
Hội chợ nghệ thuật Art Stage Singapore được sự bảo trợ của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Hội đồng Du lịch Singapore, và cho dù ông Rudolf không tiết lộ kinh phí, ông nói rằng giai đoạn đầu hội chợ sẽ có khoảng 100-120 phòng trưng bày nghệ thuật (gallery). Art Stage Singapore cũng có thể giúp thu hút trở lại các hoạt động kinh doanh nghệ thuật và đồ sưu tập đã rời bỏ đảo quốc này trước đây.
Singapore đã bỏ lỡ cơ hội tham gia ngành kinh doanh đấu giá khi hãng đấu giá Christie’s rời đảo quốc này năm 2002 để tập trung cho Hồng Kông và hãng Sotheby’s cũng nối gót ra đi năm 2008 sau khi Singapore áp dụng thuế suất 7% lên hàng hóa và dịch vụ từ năm 2007. Hội đồng Chiến lược Kinh tế đề nghị chính phủ xem xét lại các chính sách, gồm cả chính sách thuế, để giúp cho Singapore cạnh tranh tốt hơn trong lĩnh vực trao đổi nghệ thuật.
Theo kế hoạch, Singapore FreePort - khu thương mại tự do chuyên lưu trữ các sản phẩm nghệ thuật và các vật sưu tầm có giá trị cao - sẽ mở cửa vào tháng 5-2010. Khu ngoại quan này được bảo vệ an toàn cao, khi hoàn thành sẽ lưu giữ khoảng 3 tỉ đô la Mỹ giá trị tài sản, có thể giúp thu hút các công ty quản lý tài sản chẳng hạn như dịch vụ cho thuê tác phẩm nghệ thuật. Dịch vụ lưu trữ tác phẩm mỹ thuật của hãng Christie’s chẳng hạn đã thuê 40% không gian lưu trữ giai đoạn đầu của FreePort.
Những kế hoạch của FreePort và Art Stage Singapore được xếp ở hàng đầu trong các nỗ lực nhằm phát triển một không gian văn hóa sinh động. Từ năm 1989 đến nay, Chính phủ Singapore đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ xây dựng các cơ sở văn hóa quan trọng như Bảo tàng Văn minh châu Á, Thư viện Quốc gia mới và Nhà hát Esplanade - một quần thể các trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn. Singapore cũng đang lập kế hoạch xây dựng Trung tâm Triển lãm nghệ thuật quốc gia với tổng chi phí ước tính lên đến 300 triệu đô la Mỹ để trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của khu vực Đông Nam Á mà chính phủ nước này đã thu thập trong nhiều năm.
Những người ủng hộ cho rằng các trung tâm này góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống ở Singapore, từ đó thu hút người lao động có học thức cao. Ý kiến đó cũng tương đồng với các đề nghị của Hội đồng Chiến lược Kinh tế rằng Singapore nên dần chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng bằng mọi giá trước đây - mô hình đã đưa GDP của đảo quốc tăng bình quân 5% mỗi năm trong thập kỷ trước nhưng cũng làm gia tăng nhanh chóng số lao động phổ thông nước ngoài nhập cư, gây ra tình trạng căng thẳng trong xã hội.
Hội đồng cố vấn cho rằng chính phủ nên tập trung vào mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động và nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 3-5% trong thập kỷ này. Năng suất lao động của Singapore - tức bình quân giá trị GDP trên mỗi người lao động - tăng 1% mỗi năm trong thập kỷ trước, và hội đồng này thúc giục chính phủ đặt mục tiêu từ 2-3 % mỗi năm trong thời gian 10 năm tới.
Theo ông Lui Tuck Yew, Bộ trưởng Bộ Thông tin, truyền thông và nghệ thuật, Singapore giữ vị trí cao về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, như là nơi thuận tiện để kinh doanh nhưng vẫn còn không gian để phát triển xa hơn ở các lĩnh vực mềm như văn hóa và nghệ thuật, cũng như biến đảo quốc này thành một nơi dễ sống hơn.
Benson Puah, Giám đốc điều hành của cả Hội đồng nghệ thuật quốc gia và Nhà hát Esplanade đồng thời là thành viên của Hội đồng Chiến lược Kinh tế, nói rằng: “Ở nhiều nước, nghệ thuật được xem là phụ phẩm của một xã hội có văn hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, nghệ thuật và văn hóa có thể là chất bôi trơn và cội nguồn sản sinh ra một xã hội vừa có văn hóa vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ”.
Ông Rudolf thì khao khát biến Art Stage Singapore thành một trong những hội chợ nghệ thuật lớn nhất thế giới. Bước đầu, hội chợ này sẽ cạnh tranh với Art Hồng Kông - một hội chợ nghệ thuật quốc tế diễn ra vào tháng 5 hàng năm mà ông Rudolf đánh giá là hội chợ nghệ thuật lớn nhất ở châu Á. “Nhưng châu Á có thể có nhiều hơn một hội chợ, và khi càng có nhiều sự kiện thì càng dễ phát triển thị trường”, ông nói.
Phương Huỳnh - Theo New York Times
tbktsg
|