Thứ Tư, 24/03/2010 08:42

Khi quốc gia vỡ nợ

“Hãy bán những hòn đảo đi mà trả nợ!”, báo chí Đức đã giật tít như vậy hồi đầu tháng này, khi Hy Lạp, quốc gia với nhiều hòn đảo xinh đẹp đối mặt với tình trạng vỡ nợ, phải cầu cứu sự trợ giúp của các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu.

Quốc gia phá sản, chính phủ bán tống bán tháo đất đai, nhân dân tay bị tay gậy đi ăn mày… viễn cảnh thật hài hước và đáng sợ. Trên thực tế, về mặt kỹ thuật một quốc gia không hoàn toàn “phá sản” nhưng chuyện mất khả năng chi trả dẫn đến sự xuống dốc, trì trệ lâu dài đối với nền kinh tế cũng như những thay đổi lớn về chính trị là chuyện không hiếm. Nhiều nước đang phát triển đã nếm trải tình trạng này như các nước Mỹ Latinh (Mexico, Argentina, Chile…) trong thập niên 80, Ukraine trong giai đoạn cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, và gần đây nhất là những nước phát triển hơn như Băng Đảo (Iceland), Hy Lạp. Tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia và nợ nước ngoài chồng chất của rất nhiều quốc gia, trong đó có cả những nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật... đang trở thành một mối lo ngại toàn cầu. Thế giới bắt đầu nhìn vào những món nợ quốc gia khổng lồ và tính toán khả năng vỡ nợ quốc gia. Những nhà đầu cơ đầy toan tính bắt đầu đánh cuộc vào những loại chứng khoán mà họ tính toán sẽ tăng giá trị nếu đồng tiền của một số quốc gia mất giá.

Chuyện xảy ra khi quốc gia vỡ nợ

Cũng như cá nhân, các chính phủ cũng vay nợ: từ các khoản vay song phương và đa phương thông qua các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đến các khoản vay từ các nhà đầu tư tư nhân thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu. Tuỳ trường hợp cụ thể từng nước mà tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm quốc nội có thể đặt quốc gia đó ở mức báo động. Nợ quốc gia của Băng Đảo ở mức 45% GDP, nhưng tổng giá trị tài sản của hệ thống ngân hàng trong nước bằng 800% GDP. Khi tài sản của hệ thống ngân hàng nước này xuống giá hồi 2008, nhà nước phải can thiệp để cứu hệ thống ngân hàng, và dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Một loạt quốc gia phát triển khác có tỷ lệ tài sản của hệ thống ngân hàng và nợ chính phủ cao so với GDP, dễ bị rơi vào tình trạng tương tự là Ireland, Thuỵ Sĩ, Anh, Bỉ, Nhật… Tỷ lệ nợ nước ngoài của Mỹ hiện nay là 84% của GDP. Carmen Reinhart, một nhà kinh tế Mỹ thuộc trường đại học Maryland phân tích rằng nếu vượt qua 90% là tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bị thụt lùi 2%. Có nghĩa là nếu tiếp tục vay thêm với tốc độ này, kinh tế Mỹ sẽ thụt lùi vì nợ nần. Theo bà Reinhart, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì điểm nguy hiểm thấp hơn 90%. Việt Nam, theo những công bố của bộ Tài chính, có nợ nước ngoài tính đến năm 2008 ở mức 30% GDP.

Thường nhiều quốc gia trên bờ vực khủng hoảng tài chính và vỡ nợ lại có động lực để thay đổi và làm mới hệ thống của nó.

Thời báo Tài chính (Anh)

Quốc gia vỡ nợ khi nó không trả nợ được nữa. Khi chuyện này xảy ra thì lãi mẹ đẻ lãi con. Tính toán của hai nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff cho thấy bình quân các quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng chất chồng thêm khoảng 86% nợ nần, trong khi tổng thu quốc gia giảm trung bình 2% trong năm tiếp theo của khủng hoảng. Tình trạng này thường diễn ra vào những chu kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính, như chuyện xảy ra cho các quốc gia Mỹ Latinh vào những năm cuối thập niên 80. Khi tình hình tài chính một quốc gia đi xuống, như đã xảy ra với Argentina hay Hy Lạp, các nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu để tháo chạy, tạo áp lực đẩy lãi suất lên cao. Điều này kéo theo sự mất giá của đồng tiền, càng khiến cho quốc gia đó khó trả nợ hơn. Theo tạp chí Forbes, Hy Lạp có thể không lo tiền mất giá vì sử dụng đồng euro, nhưng thực tế tình trạng còn tệ hơn vì nước này không thể tự do in tiền để thoát khỏi tình trạng khó khăn tài chính. Argentina từng bị vỡ nợ vào năm 1989 rồi đến 2002 lại vỡ nợ tiếp. Cho đến nay nước này vẫn còn đang chật vật trả nợ nước ngoài. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, một số quốc gia như Indonesia cũng ở trên bờ vực vỡ nợ, nhưng được IMF “giải cứu”.

Dịp để rút bài học mới

Theo một quan sát mới đây của tờ Thời báo Tài chính (Anh), thường nhiều quốc gia trên bờ vực khủng hoảng tài chính và vỡ nợ lại có động lực để thay đổi và làm mới hệ thống của nó. Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc tự do hoá nền kinh tế Trung Quốc vào năm 1978 khi nước này đối mặt với khủng hoảng ngân sách và tỷ giá hối đoái. Ấn Độ bắt đầu cải cách nền kinh tế của họ vào năm 1991, khi tổng dự trữ ngoại hối chỉ đủ chi trả hai tuần nhập khẩu. Vào năm 1982, Mexico vỡ nợ, kéo theo khủng hoảng kinh tế trên toàn bộ khu vực Mỹ Latinh. Nhưng giới quan sát cho rằng cũng nhờ cuộc khủng hoảng này mà chủ nghĩa độc tài ở khu vực này sụp đổ: ở Argentina giới quân sự nắm quyền bị lật đổ vào năm 1983, còn Brazil thì trở thành một nền dân chủ vào năm 1985...

Mỗi cuộc khủng hoảng là một dịp cho các quốc gia học một bài học mới, và tình trạng chơi vơi bên bờ vực phá sản là cơ hội để nhiều quốc gia lựa chọn những thay đổi tốt cho quốc gia về lâu về dài. Đây có lẽ là bài học duy nhất có thể đến từ mối đe doạ phá sản quốc gia, một tình trạng mà thế giới đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo.

Lan Anh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Kinh tế Đức có dấu hiệu phục hồi (22/03/2010)

>   Lời qua tiếng lại vì khủng hoảng nợ Hy Lạp (22/03/2010)

>   Các nền kinh tế tiên tiến đối mặt thách thức về nợ (22/03/2010)

>   Khủng hoảng tài chính đẩy Đức lún sâu vào nợ (21/03/2010)

>   Kinh tế Đức không còn là "kẻ ốm yếu" của châu Âu (20/03/2010)

>   Mỹ ban hành đạo luật khôi phục việc làm (19/03/2010)

>   Bất ổn chính trị đe dọa kinh tế Thái Lan (19/03/2010)

>   Đức không muốn hỗ trợ Hy Lạp một cách vội vàng (18/03/2010)

>   Nhật Bản hướng tới ký kết EPA với các nước châu Á (18/03/2010)

>   Kêu gọi châu Á tăng cường hội nhập (18/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật