Thứ Sáu, 19/03/2010 10:05

Bất ổn chính trị đe dọa kinh tế Thái Lan

Cộng đồng quốc tế lo ngại tình trạng bất ổn chính trị hiện nay tại Thái Lan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vừa hé lộ một số dấu hiệu lạc quan của nước này. Các cuộc xung đột chính trị nặng nề đang diễn ra ở Thái Lan có thể khiến kinh tế nước này lâm vào tình trạng trì trệ sau khi đã phục hồi trong sáu tháng cuối năm 2009.

Chính trường căng thẳng

Sau khi Tòa án Tối cao Thái Lan ra phán quyết rằng cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã tham nhũng, lạm dụng quyền lực và yêu cầu tịch thu 46 tỷ Baht (1,4 tỷ USD) trong tổng số 2,29 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của ông, đã dấy lên làn sóng biểu tình của phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi phe áo đỏ tuyên bố thu thập một triệu cc máu của 100.000 người biểu tình và đã tưới máu trước cổng Tòa nhà Chính phủ Thái Lan nhằm gia tăng sức ép buộc Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.

An ninh đã được thắt chặt chung quanh các cơ quan nhà nước do chính phủ lo ngại những người ủng hộ ông Thaksin có thể gây bạo loạn. Chính quyền Thái Lan đã tăng cường thực thi Luật An ninh nội địa (ISA) ở 8 tỉnh từ ngày 11-23/3, nhằm đảm bảo trật tự trong thời gian diễn ra biểu tình. ISA cũng có hiệu lực trên phạm vi 21 quận ở thủ đô Bangkok, khu vực Nonthaburi và 6 tỉnh khác gần thủ đô Bangkok.

Kênh 9 của Truyền hình Thái Lan đưa tin, hai thủ lĩnh nòng cốt của Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) Nattawut Saikua và Veera Musgkapong tuyên bố có thể kết thúc biểu tình tại thủ đô Bangkok vào ngày 20/3 nếu chính phủ Thái Lan đáp ứng yêu cầu giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử.

Thiệt hại kinh tế nghiêm trọng

Khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi cuối năm 2008, ngành công nghiệp du lịch, chiếm tới gần 7% GDP và cũng là ngành sử dụng nhiều nhân công ở Thái Lan, bị thiệt hại mạnh. Thái Lan đang phải trải qua đợt suy giảm mạnh nhất của ngành du lịch trong gần 5 thập kỷ qua.

Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), cho biết lượng du khách quốc tế tới nước này trong năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 11 triệu lượt người, thấp hơn so với mục tiêu đề ra trước đó (là 14,1 triệu lượt người). Tổng lợi nhuận mà du khách quốc tế mang lại cho ngành du lịch Thái Lan trong năm 2008 là 540 tỷ Baht.

Nhưng năm 2009, ngành du lịch Thái Lan thất thu hơn 200 tỷ Baht do bất ổn chính trị và con số này được dự báo sẽ không khả quan trong năm 2010. Để khắc phục tình trạng này, ngành du lịch Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa để bù đắp sự sụt giảm du khách quốc tế.

Các doanh nhân nước ngoài đang làm ăn tại Thái Lan lo ngại bất ổn chính trị tại Thái Lan sẽ bùng phát trở lại và có khả năng kéo dài, làm ảnh hưởng đến kế hoạch làm ăn. Và nếu các cuộc biểu tình dẫn tới đối đầu với quân đội và cảnh sát và xung đột leo thang thì sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.

Kết quả cuộc thăm dò do Đại học Bangkok vừa tiến hành cũng cho thấy tình hình chính trị tiếp tục xấu đi như hiện nay là nhân tố có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư tư nhân của Thái do các nhà đầu tư có thể chọn đầu tư ở các nước khác.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hy vọng Thủ tướng Abhisit hiện nay có nhiều kinh nghiệm hơn so với một năm về trước, đồng thời ông cũng được quân đội và nhiều thế lực khác ủng hộ mạnh mẽ hơn trước đây. Đồng thời, tất cả phe phái tại Thái Lan đều muốn tránh tái diễn tình trạng kinh tế trì trệ do các cuộc biểu tình phản kháng trước đây gây ra.

Chính phủ Thái Lan dự báo, GDP của nước này có thể tăng khoảng 3,5-4,5% trong năm 2010. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế của Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào mức độ bạo lực của các cuộc biểu tình chính trị.

Nếu bạo loạn bùng nổ, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của các nhà đầu tư và du khách, khiến tăng trưởng kinh tế có thể bị đình đốn do du lịch, đầu tư và chi tiêu tiêu dùng cũng như chi tiêu ngân sách sụt giảm. Trong trường hợp xấu nhất, GDP của Thái Lan có thể giảm hơn 1%.

Trung Nguyệt

tbktvn

Các tin tức khác

>   Đức không muốn hỗ trợ Hy Lạp một cách vội vàng (18/03/2010)

>   Nhật Bản hướng tới ký kết EPA với các nước châu Á (18/03/2010)

>   Kêu gọi châu Á tăng cường hội nhập (18/03/2010)

>   Anh cảnh báo Trung Quốc về chủ nghĩa bảo hộ thương mại (18/03/2010)

>   IMF: Kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự báo (17/03/2010)

>   World Bank nâng dự báo kinh tế Trung Quốc (17/03/2010)

>   Nhật tăng cường kích thích kinh tế (17/03/2010)

>   Kinh tế châu Á tăng trưởng trở lại (17/03/2010)

>   Nga nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 (16/03/2010)

>   Mỹ, Anh có nguy cơ mất định mức tín nhiệm Aaa (16/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật