Mỹ, Anh có nguy cơ mất định mức tín nhiệm Aaa
Hai quốc gia có hạng mức tín nhiệm nợ cao nhất Aaa có nguy cơ không giữ được “điểm số” này trong một vài năm tới khi mà nợ chính phủ của họ chất cao như núi. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đã và đang có nguy cơ phải đương đầu với khủng hoảng nợ chính phủ.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ước tính, thâm hụt ngân sách của nước này năm tài khóa hiện tại sẽ tăng lên mức 10,6% GDP, cao nhất từ năm 1946 |
Theo tờ New York Times, hãng định mức tín nhiệm Moody’s ngày 15/3 lên tiếng cảnh báo về rủi ro bị đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ của Mỹ, Anh và một số quốc gia phương Tây khác như Pháp và Đức.
Moody’s cho hay, trái phiếu kho bạc Mỹ có thể không giữ được hạng mức tín nhiệm Aaa hiện nay nếu Washington để khối nợ liên bang vượt tầm kiểm soát. Theo tổ chức này, Mỹ và Anh đang tiến rất sát tới chỗ bị mất mức điểm tín nhiệm nợ cao nhất.
Triển vọng định mức tín nhiệm mà Moody’s dành cho Mỹ hiện nay là “ổn định”, nhưng Moody’s cho rằng, xét ở mọi góc độ, “khoảng cách tới chỗ bị đánh tụt định mức tín nhiệm chỉ còn rất ngắn”.
New York Times nhận định, nếu việc đánh tụt hạng mức tín nhiệm xảy ra, thì mất mát đối với nước Mỹ sẽ không chỉ là niềm tự hào. Rủi ro lớn nhất sẽ là Chính phủ Mỹ không còn khả năng vay nợ trên thị trường quốc tế với mức lãi suất “hời” để chi tiêu thoải mái, vượt cả thu ngân sách từ thuế, như hiện nay.
Định mức tín nhiệm nợ của một quốc gia hay tổ chức phát hành nợ cho phép các nhà cho vay và nhà đầu tư khả năng thanh toán nợ của quốc gia hay tổ chức đi vay đó. Định mức tín nhiệm cao đồng nghĩa với việc chủ nợ không phải lo lắng nhiều, và ngược lại, định mức tín nhiệm thấp thường dẫn tới việc giới đầu tư trái phiếu đòi hỏi mức lãi suất cao hơn.
Nếu một nước phải trả lãi suất trái phiếu cao, gánh nặng nợ nần có thể buộc chính phủ nước đó giảm chi tiêu và tăng thuế, hoặc áp dụng cùng lúc cả hai biện pháp này. Gần đây, khó khăn này phản ánh rõ nét ở Hy Lạp, nơi các cuộc đình công và tuần hành liên tục diễn ra để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Athens đề ra.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ không thể một mình giải quyết được vấn đề nợ nần ngày càng phức tạp”, Moody’s tuyên bố. Theo tổ chức này, để giữ định mức tín nhiệm Aaa, tỷ lệ giữa số tiền lãi mà các quốc gia phải trả so với thu ngân sách của nước đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về chi tiêu công tới mức mà, trong một số trường hợp, có thể dẫn tới phản ứng mạnh từ phía người dân.
Hiện tại, mức nợ của Mỹ được xem là còn nằm trong khả năng chi trả, với tỷ lệ tiền lãi so với thu ngân sách chính phủ trong năm tài khóa hiện tại đã giảm còn 8,7%, từ mức 10% cách đây hai năm.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ước tính, thâm hụt ngân sách của nước này năm tài khóa hiện tại sẽ tăng lên mức 10,6% GDP, cao nhất từ năm 1946, và nợ liên bang cũng lên tới 64% GDP. Chi tiêu của Chính phủ Mỹ năm nay cũng có thể lên tới 25,4% GDP, một tỷ lệ cao nhất kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tại Anh, tỷ lệ nợ công so với GDP cũng được Chính phủ nước này dự báo duy trì ở mức 90%. Giới phân tích thì cho rằng, con số trên còn có thể tăng cao hơn, đe dọa định mức tín nhiệm nợ của đảo quốc này.
Tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ, Anh, Đức, Pháp. |
Từ trước tới nay, các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức luôn được Moody’s dành cho định mức tín nhiệm nợ Aaa. Theo các chuyên gia của Moody’s, trong nhóm nước này, rủi ro “mất điểm” của Mỹ và Anh là lớn hơn cả do mức nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Tháng 5/2009, Moody’s đã hạ định mức tín nhiệm nợ của Nhật Bản từ Aaa xuống còn Aa2 do gánh nặng nợ nần quá lớn của đất nước mặt trời mọc.
Ông Arnaud Mares, tác giả chính của báo cáo, nhận định, nếu sự phục hồi tăng trưởng không diễn ra đủ mạnh, chính phủ các nước này có thể đối mặt với khó khăn lớn trong việc giảm bớt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Khi đó, ngân hàng trung ương có thể buộc phải tăng lãi suất trước khi nền kinh tế đủ điều kiện cho phép, đẩy số tiền lãi nợ vay tăng lên, làm khoản nợ quốc gia thêm phình to.
Sau Hy Lạp, một quốc gia châu Âu ngấp nghé bờ vực khủng hoảng khác là Tây Ban Nha mới đây cũng phải đưa ra các biện pháp thu hẹp thâm hụt ngân sách công, dù đây là một lựa chọn khó khăn và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Mai Phương
TBKTVN
|