Kinh tế Anh phải mất nhiều năm mới phục hồi
Trong khi khủng hoảng nợ Hy Lạp chưa được khắc phục, kinh tế UK (Vương Quốc Anh) bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn. So với Hy Lạp, thâm hụt ngân sách của hai nước tương tự nhau và đều vượt 12% GDP, nhưng tình hình UK có vẻ khá hơn nhờ hệ thống thuế tốt và các khoản nợ còn thời hạn dài hơn.
Tuy nhiên, vị thế của nền kinh tế UK khá ảm đạm và thâm hụt cao đang đẩy đồng bảng Anh tiếp tục giảm sâu so với những đồng tiền chủ chốt khác. Đồng bảng Anh cũng bị mất giá do doanh số bán lẻ đạt thấp và và tăng trưởng kinh tế không phục hồi như kỳ vọng. Từ đầu tháng 3/2010, 1 bảng Anh chỉ đổi được gần 1,5 USD – mức thấp nhất trong 10 tháng qua, riêng năm nay đã giảm tới 8%, đồng euro cũng bắt đầu phục hồi so với bảng Anh sau 3 tháng mất giá. Theo nhận định của Turcan Connell, công ty cung cấp thực phẩm cho nhà giàu, nếu chính phủ không quyết định về cách thức giải quyết khó khăn, đồng bảng Anh sẽ mất giá 20-30% so với USD một khi các nhà đầu tư chuyển tầm ngắm vào UK khi chính phủ bán lượng nợ kỷ lục.
Đối với các nhà đầu tư, đồng bảng mất giá là cơ hội tốt chưa từng có từ trước đến nay để mua nợ chính phủ và tài sản của những công ty yếu kém. Trong 5 năm qua, tài sản của công ty tín thác quốc tế Murray tại Edinburgh của Bruce Stout đã tăng gấp đôi nhờ bảng Anh mất giá. Công ty quản lý quĩ Aegon và đối tác đầu tư Scottish Widows đang tìm mua những công ty có thể phát triển kinh doanh lớn ở nước ngoài.
Đối với chính phủ, thâm hụt ngân sách cao và đồng bảng mất giá đang trở thành điểm nóng đối với các đảng phái chính trị khi bầu cử vào tháng 6 sắp đến gần, các nhà quản lý tiền tệ tại NHTW đang xoay sở để bảo vệ tài sản từ nền kinh tế Anh khi còn yếu ớt thoát khỏi suy thoái. Nền kinh tế đã nghèo đi 10% so với tiềm năng nếu không bị suy thoái, thu nhập trung bình năm 2009 đã giảm 0,1% so với năm 2008, bầu không khí cho người tiêu dùng năm 2010 vẫn ngột ngạt, hoạt động kinh doanh còn tập trung vào việc bảo tồn tiền mặt, thu nhập giảm và lạm phát cao đã tác động đến sức mua của người tiêu dùng. Cuối tháng 2, văn phòng thống kê quốc gia đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế quí 4 lên 0,3 % từ 0,1% ước lượng trước đó, nhưng phải đến năm 2012 mới trở lại mức trước khủng hoảng.
Việc thắt chặt tài khóa tại UK khó khăn hơn so với những nước G7 khác, nhưng thuận lợi là thời hạn nợ chính phủ dài hơn những nước khác, điều này tạo lòng tin là chính phủ vẫn duy trì được mức tín nhiệm hiện hành, tạo thuận lợi cho việc thực thi những biện pháp điều chỉnh cần thiết. Vì thế, chính phủ đã ấn định mức thâm hụt 128,1 tỉ bảng trong năm nay và giảm xuống còn 91 tỉ trước năm tài chính 2012-2013.
Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), kinh tế UK bắt đầu cải thiện từ cuối năm ngoái sau 18 tháng bị suy thoái, nhưng tốc độ phục hồi có vẻ chậm do thắt chặt tín dụng và nhu cầu yếu ớt của các doanh nghiệp, trong khi việc thắt chặt tài khóa đang đánh vào thu nhập của mọi gia đình. Để phục hồi kinh tế bền vững, chính phủ nên cân bằng tài chính sớm hơn kế hoạch nhưng không cắt giảm quá mức trong năm nay nhằm hỗ trợ cho phục hồi còn yếu ớt, đồng thời cần huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh tăng trưởng trong 5 năm tới. Nếu thiếu sự tăng trưởng này, mức sống sẽ bị tổn thương, cuộc sống của thế hệ sau sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thất nghiệp sẽ không giảm xuống mức trước khủng hoảng.
CBI cho rằng, việc khắc phục tình trạng mất cân đối tài khóa hiện hành có thể đạt được vào năm tài chính 2015-2016 thay vì vào năm tài chính 2017-2018 như kế hoạch đề ra, mục tiêu này có thể đạt được bằng cách giảm lương khu vực công và điều chỉnh tuổi về hưu đối với công chức hơn là tăng thuế và giảm chi tiêu vốn. CBI cũng hối thúc chính phủ sớm xem xét lại kế hoạch tăng 1 điểm phần trăm đóng góp bảo hiểm của người lao động kể từ năm 2011, cân nhắc lại thuế năng lượng và hàng không. Chính phủ có thể tiết kiệm 130 tỉ bảng bằng cách cải cách dịch vụ công một cách mạnh mẽ.
CBI cho rằng, tăng trưởng có thể phải bắt nguồn từ đầu tư và kinh doanh của khu vực tư nhân do hạn chế của khu vực công trong việc đưa nền tài chính quốc gia trở lại trật tự. Nếu khu vực tư nhân tiến dần đến mục tiêu và dẫn dắt tăng trưởng, một sự phục hồi chắc chắn có thể sẽ đạt được.
CBI tính rằng, việc đạt được tăng trưởng hàng năm 3% trong 5 năm tới có thể cho phép tạo thêm 300.000 việc làm và giảm 35 tỉ bảng thâm hụt so với trường hợp tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2%. Điều này cần đến sự nhất quán và điều chỉnh chính sách thuế trong nước, để đầu tư kinh doanh không bị phân tán sang những nước khác.
Là một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới và có truyền thống phát triển lâu đời, khó khăn của nền kinh tế UK ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những đối tác thương mại chủ chốt do nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này tăng chậm.
Ts. Hoàng Thế Thỏa
SBV
|