Thứ Hai, 18/01/2010 06:45

UPCoM đi giật lùi

Sau gần nửa năm hoạt động, thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) vẫn khá lèo tèo. Đặc biệt chỉ số UPCoM-Index đã giảm gần một nửa so với mốc ban đầu.

Thanh khoản kém

Thị trường UPCoM mở cửa chính thức vào ngày 24.6.2009 với 10 cổ phiếu (CP) được giao dịch và khối lượng giao dịch thành công khi đó đạt 1,1 triệu CP với tổng trị giá đạt gần 18,9 tỉ đồng. Sau đó, số lượng doanh nghiệp lên niêm yết dần dần được gia tăng và đến nay đã có 35 mã CP được giao dịch chính thức. Thế nhưng, đóng cửa phiên cuối tuần qua chỉ số UPCoM-Index chỉ còn 53,9 điểm với 701.553 CP được giao dịch thành công, đạt tổng trị giá 8 tỉ đồng.  Như vậy, chỉ số UPCoM-Index đã giảm mất 46,1 điểm (tương ứng giảm 46,1%) so với ngày đầu tiên. Việc chỉ số chứng khoán này giảm liên tục còn do số lượng CP ít nên chỉ cần một CP biến động nhẹ cũng đủ tác động ngay.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư (NĐT) chính là tính thanh khoản của UPCoM quá thấp. Có nhiều CP một thời gian dài không có giao dịch. Ví dụ trong phiên ngày 15.1, CP của CTCP du lịch Đồng Nai (DNT) không có lệnh mua và bán nào. Trong khi đó, BTC của CTCP cơ khí và xây dựng Bình Triệu hay CFC - CTCP Cafico Việt Nam chỉ có đúng lệnh bán ra 100 CP mà không có lệnh mua...

Anh Thái - một môi giới chứng khoán trên thị trường OTC - cho biết không chỉ bản thân anh mà nhiều NĐT khác cũng không quan tâm đến UPCoM. "Nhiều người như chúng tôi chuyên giao dịch CP chưa niêm yết nhưng cũng không mặn mà với các CP trên UPCoM. Vì hầu hết các CP này không được nhiều người quan tâm nên tính thanh khoản quá kém. Mua xong đến khi muốn bán không bán được khiến giới đầu tư rất sợ", anh Thái nói.

Một cuộc điều tra bỏ túi của chúng tôi với khoảng 10 NĐT tại các sàn chứng khoán ngay sau đó cũng cho thấy không có ai tham gia giao dịch trên UPCoM từ khi mở cửa đến nay.

Làm gì để UPCoM hấp dẫn?

Mục tiêu đưa 1.000 công ty đại chúng lên sàn UPCoM của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2009 đã phá sản, kế hoạch này cũng sẽ khó hoàn tất trong cả năm 2010.

Trong khi đó việc đẩy mạnh tăng thêm hàng hóa trên sàn UPCoM như CP ngành ngân hàng, bất động sản... là điều kiện cần thiết để thị trường này đủ sức thu hút các NĐT tham gia. Đây là những CP thường được đánh giá "hot" đã khiến cho thị trường OTC giao dịch khá sôi động trong thời gian qua. Thế nhưng thủ tục chậm đã ngăn trở việc này. Câu chuyện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một ví dụ. SCB là ngân hàng đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM nhưng sau nhiều tháng mà vẫn không thể hoàn tất thủ tục nên SCB đã chuyển hướng nộp hồ sơ xin niêm yết trên sàn TP.HCM.

Bên cạnh đó, theo nhiều NĐT thì phương thức giao dịch và thời gian giao dịch trên sàn UPCoM cũng cần được cải tiến vì quá chậm. Đây cũng là lý do khiến NĐT "ngán" UPCoM. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, việc phải làm ngay trước mắt và cũng không khó là triển khai giao dịch trên UPCoM phải được thực hiện tương tự như trên hai sàn niêm yết CP. Phải hiểu đúng nghĩa UPCoM là chợ mở rộng cho các doanh nghiệp chưa đủ những điều kiện để lên sàn chính thức giao dịch. Còn khi đã là chợ rồi thì phương thức mua bán cũng phải như nhau. Tại các nước cũng có nhiều sàn chứng khoán khác nhau với tiêu chí và điều kiện niêm yết khác nhau nhưng NĐT mua bán hay thanh toán đều như nhau.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Thế Hiển khẳng định không phải CP nào trên sàn UPCoM cũng thuộc dạng "kém chất lượng" vì có nhiều doanh nghiệp chưa thích lên sàn chính thức nên vẫn đưa CP vào giao dịch trên UPCoM. Vì vậy nếu số lượng CP càng nhiều, NĐT sẽ càng có cơ hội lựa chọn. Trong khi đó, ông Phạm Linh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS) - nhận định thị trường UPCoM cũng có khá nhiều cơ hội để đầu tư. Thế nhưng hiện UPCoM còn ít NĐT chú ý một phần cũng vì nó chưa được quảng bá đủ độ. Hầu như không có công ty chứng khoán nào phân tích về biến động của sàn UPCoM hay phân tích về những CP đang giao dịch trên đó.

Bước đường để phát triển UPCoM song song với hai sàn niêm yết CP còn khá dài. Tuy nhiên tiến độ thực hiện và cải tiến các vướng mắc hiện nay cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để NĐT trong và ngoài nước không rời bỏ cuộc chơi sớm hơn.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   "Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn đầu tư nước ngoài" (17/01/2010)

>   Giá trị tài sản ròng của VinaCapital đạt gần 1,75 tỷ USD (17/01/2010)

>   Nhà đầu tư chứng khoán sốt ruột với T+2 (17/01/2010)

>   Chứng khoán và bất động sản, 'ai quyến rũ' hơn (17/01/2010)

>   HBC tổ chức lễ cất nóc công trình VinCom Center (16/01/2010)

>   Quỹ đóng chưa hết thời, nhưng... (16/01/2010)

>   7 doanh nghiệp yêu cầu CII hoàn trả tiền (16/01/2010)

>   PVX tham gia hoàn thiện mặt bằng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (15/01/2010)

>   DXG thành lập Công ty Đất Xanh Hoàn Cầu (15/01/2010)

>   Cần chặt “vòi bạch tuộc” làm giá (15/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật