Chủ Nhật, 31/01/2010 22:51

Niêm yết chứng khoán ở nước ngoài, còn thiếu hướng dẫn 

Hiện nay, một số doanh nghiệp có ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, nhưng theo họ, còn có những vướng mắc về thủ tục, quy định niêm yết. TBKTSG Online đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, xung quanh vấn đề này.    

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều biết lợi ích của việc niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài, chẳng hạn để huy động vốn, quảng bá thương hiệu..., song rất ít doanh nghiệp tiến hành niêm yết. Theo ông, nguyên nhân vì sao?  

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh: Thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận được thông tin về việc làm sao niêm yết ở nước ngoài hoặc huy động vốn ở nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố liên quan khiến các doanh nghiệp cảm thấy khó thực hiện.

Chẳng hạn các quy định về tiêu chuẩn và quy ước niêm yết ở nước ngoài rất cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt về chế độ công bố thông tin, chế độ kế toán, kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng cách quản trị doanh nghiệp và các điều lệ mẫu... Đây là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa muốn tham gia niêm yết ra thị trường nước ngoài.  

Cũng do chưa có đầy đủ các hướng dẫn về pháp lý liên quan đến hoạt động huy động vốn và niêm yết trên các thị trường chứng khoán nước ngoài nên các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn khi có kế hoạch tham gia niêm yết ở nước ngoài.  

Riêng các quy định trong nước thì hiện nay ra sao đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài?

Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán và luật này có hiệu lực từ 1/1/2007, rồi Nghị định 14/2007/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại đó có một số điều quy định về việc chào bán và niêm yết chứng khoán ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng chuẩn bị hoàn tất dự thảo thông tư hướng dẫn về việc chào bán và niêm yết chứng khoán của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nước ngoài trình Bộ Tài chính để sớm ban hành nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia huy động vốn và niêm yết ở nước ngoài.

Ngoài ra, đối với góc độ quản lý ngoại hối, tại dự thảo thông tư hướng dẫn về chào bán và niêm yết chứng khoán của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài hiện đang hoàn chỉnh trình Bộ Tài chính có quy định về việc tổ chức phát hành phải mở tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép của Việt Nam, thực hiện các giao dịch thu chi có liên quan đến việc phát hành chứng khoán phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đã ký các biên bản ghi nhớ về hợp tác với các cơ quan quản lý chứng khoán các nước để tạo điều kiện trong việc hướng dẫn các thủ tục pháp lý, thực hiện công tác trao đổi thông tin, giám sát, quản lý các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tham gia niêm yết và huy động vốn ở nước ngoài.

Hiện nay đã đủ điều kiện, thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở nước ngoài chưa, thưa ông?

Sau khủng hoảng thì các doanh nghiệp Việt Nam đang rất mong muốn tham gia tiếp cận với các dòng vốn từ thị trường vốn. Năm nay, các doanh nghiệp kỳ vọng vào việc cấu trúc lại tài chính và mở rộng sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội để mở rộng thị phần và các ngành nghề kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi nhận thấy trước khi thực hiện việc huy động vốn, tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán trong hay ngoài nước thì doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ mục đích chính của mình là gì; ví dụ như để cấu trúc lại tài chính, để huy động vốn, để tạo tính thanh khoản hay mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao vị thế của doanh nghiệp... Theo đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn được sàn giao dịch phù hợp nhất để tham gia niêm yết.

Chẳng hạn như Sở Giao dịch chứng khoán London là trung tâm tài chính lớn trên thế giới nên nếu các doanh nghiệp tham gia niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London, sẽ tạo dựng được một hình ảnh doanh nghiệp rất tốt cùng khả năng huy động vốn cao. Tương tự, Sở giao dịch chứng khoán Hongkong cũng là trung tâm tài chính lớn trên thế giới và khu vực, là nơi tập trung nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng và quỹ đầu tư lớn.

Trong năm 2010, chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc tham gia niêm yết ở các sở giao dịch nước ngoài để tạo thêm tính thanh khoản cũng như đạt được mục đích về huy động vốn lớn, phục vụ cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của mình.

Song Thu

TBKTSG

Các tin tức khác

>   “Thị trường chứng khoán sẽ khả quan” (31/01/2010)

>   4 DN sàn HNX thông báo họp ĐHĐCĐ thường niên 2010 (31/01/2010)

>   TTCK trước Tết: Liệu có đáy mới? (31/01/2010)

>   Thoái vốn để huy động thêm vốn (30/01/2010)

>   SHI ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với EVN (29/01/2010)

>   Thêm 6 công ty sàn HOSE chốt danh sách tham dự ĐHCĐ 2010 (29/01/2010)

>   Đóng cửa đại lý nhận lệnh: Công ty chứng khoán…”Câu giờ” (29/01/2010)

>   Chờ... (29/01/2010)

>   Tiếp tục hy vọng (29/01/2010)

>   BCC chuẩn bị tăng giá bán xi măng (29/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật