Liệu có cơn bão tài chính thế giới mới?
Sự hồi phục tăng trưởng chậm ở nước Mỹ và các quốc gia tiên tiến cho thấy, sự hồi phục của cầu nhập khẩu đối với các mặt hàng từ các thị trường mới nổi như Việt Nam và Trung Quốc diễn ra hết sức chậm chạp.
“Cửa ải” khủng hoảng tài chính thế giới đã qua?
Nền kinh tế Mỹ vốn phát triển chậm sau cuộc suy thoái đã có sự tăng trưởng lạc quan hơn kể từ quý III và GDP Mỹ năm 2009 được dự đoán sẽ tăng 2,5%. Tuy nhiên, đối với vấn đề thất nghiệp, mặc dù tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống mức 10% trong tháng 11 nhưng nó vẫn còn được xem là vấn đề then chốt cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Sự hồi phục tăng trưởng chậm ở nước Mỹ và các quốc gia tiên tiến cho thấy, sự hồi phục của cầu nhập khẩu đối với các mặt hàng từ các thị trường mới nổi như Việt Nam và Trung Quốc diễn ra hết sức chậm chạp.
Giá vàng vẫn được một số quan sát viên thế giới coi là thân nhiệt của hệ thống tài chính quốc tế đã đạt tới các mức kỷ lục khi vàng vượt ngưỡng 1.100 - 1200 USD/ounce trong 2 tháng qua cùng với sự sụp giảm mạnh của đồng USD so với hầu hết các ngoại tệ khác. Mặc dù, giá vàng đã giảm nhiệt rồi tăng đôi chút trong hai tuần cuối năm quanh giá 1.080 - 1.110 USD/ounce do sự đảo chiều của USD sau cơn khủng hoảng tài chính Dubai, nhưng rất khó để có thể nói rằng, hệ thống tài chính quốc tế đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng khi nó vừa tăng nhiệt tới mức cao nhất.
Nền kinh tế dường như đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra đối với đồng đô la do các thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khoá hiện nay của nước Mỹ, và sự tiền tệ hóa các khoản nợ ngân khố Mỹ (debt monetization) mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sở hữu.
Vì vậy, vai trò của đồng USD như là loại tiền tệ (tài sản) dự trữ thế giới (world reserve asset) đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc Trung Quốc có thể mua vàng của IMF để bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối đang được chờ đợi, cũng sẽ là một nhân tố quan trọng.
Sự nổi lên của hệ thống dự trữ quốc tế mới bao gồm đồng USD, vàng, SDR và một số ngoại tệ chủ yếu như đồng Euro, đồng Yên và Franc Thuỵ Sĩ… có thể sẽ là cơ sở để vàng trở lại tăng giá đột ngột, thay vì mối lo ngại thông thường về lạm phát. Và mối lo ngại về lạm phát đó, sẽ được giảm bớt, do dự đoán về sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới và khả năng sản xuất dư thừa của mọi quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
mQua những xu hướng trên đây, chúng ta có thể thấy rằng vấn đề quản lý ngoại hối sẽ được coi là chính sách quan trọng đối với các ngân hàng trung ương cũng như các ngân hàng thương mại trên toàn thế giới trong các năm 2010 - 2011.
Sẽ cần giải pháp tình thế với ảnh hưởng lên tỷ giá của đồng Việt Nam (VND)?
Bên cạnh các nhân tố trong nước cần được giải quyết, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những tác động của các nhân tố bên ngoài kể trên trong việc đối mặt với tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục khó khăn trong năm 2010:
* Sự hồi phục xuất khẩu sẽ diễn ra từ từ, do nhu cầu nhập khẩu từ nước Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không cao.
* Cũng giống như năm 2009, việc duy trì tăng trưởng GDP sẽ phụ thuộc mạnh vào việc kích thích nhu cầu nội địa. Việc này, sẽ bị hạn chế vào năm tới với các biện pháp kiềm chế bắt buộc đối với việc mở rộng tín dụng nội địa hay tiếp tục mở rộng sản xuất trong nước thông qua các Tổng công ty Nhà nước.
* Giá vàng quốc tế và mức chênh lệch tương lai của nó với giá vàng trong nước có thể tạo thêm áp lực đối với tỷ giá đồng Việt Nam và làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại như đã xảy ra trong tháng 11/2009. Nguyên nhân là do nhu cầu mua vàng “lậu” từ các nước biên giới, nhu cầu thu mua USD trên thị trường tự do có thể tăng đột biến trở lại.
* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phải tiếp tục đưa ra cảnh báo về các nhân tố kể trên trong việc áp dụng các chính sách tỷ giá hối đoái và tín dụng thích hợp tương lai.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng hôm 23/12, GDP trong quý IV/2009 đạt tới 6,8%, do đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm 2009 đạt 5,2%, điều này phản ánh sự thành công của các chính sách kinh tế của Việt Nam trong việc kiềm chế ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009.
Đối với năm 2010, mặc dù có sự đảo lộn gần đây của chính sách tiền tệ từ chính sách kích cầu đến kiềm chế lạm phát, GDP được dự báo sẽ tăng khoảng 6,5% do tác động mạnh của tiêu dùng cá nhân được phục hồi và tiêu dùng tài chính công.
Tỷ lệ lạm phát bình quân 12 tháng trong năm 2009 cũng chỉ ở mức 6,88%, được xem là thành công khi Chính phủ kiềm chế được lạm phát dưới mức 7%, cho dù chỉ số CPI sẽ tăng cao trong tháng 12 do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Ngoài ra, các áp lực lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong nửa đầu của năm 2010 do hậu quả của việc mở rộng tín dụng trong năm 2009.
Tín dụng nội địa tăng 36% trong 11 tháng đầu năm 2009 và tăng lên mức gần 38% vào thời điểm cuối năm, khiến SBV đẩy mạnh việc tăng lãi suất cơ bản và áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng từ cuối tháng 11. SBV cũng đã thông báo mục tiêu hạn chế việc mở rộng tín dụng tới mức 25% vào cuối năm 2010. Giai đoạn đầu của chính sách kiềm chế này sẽ làm giảm mạnh thanh khoản trong những tháng đầu của năm 2010 và tạo thêm nhiều áp lực hơn cho thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Đồng Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong những tháng tới trước tác động của các nhân tố trong nước và ngoài nước. Trong khi các nhà xuất khẩu vẫn còn do dự bán khoản ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu cho các ngân hàng trong bối cảnh đồng Việt Nam được dự báo sẽ bị mất giá thêm và sự hồi phục mạnh của GDP sẽ đòi hỏi việc nhập khẩu thêm các nguyên liệu và trang thiết bị, do đó làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ. Nếu giá vàng quốc tế tiếp tục tăng mạnh cùng với các lực tác động kể trên, nhu cầu nhập khẩu vàng sẽ tạo ra thêm nhu cầu dự trữ USD để nhập khẩu vàng thông qua các kênh chính thức và không chính thức.
Các nhu cầu tài chính của chính phủ cũng sẽ là một nhân tố quan trọng. Với những khó khăn gần đây trong việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng VND, việc phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và USD với khối lượng lớn sẽ có thể khó khăn hơn trong năm 2010. Nếu khó khăn này kéo dài sẽ có ảnh hưởng tâm lý bất lợi đến sự tin tưởng của thị trường tài chính quốc tế đối với đồng Việt Nam.
TS. Phạm Đỗ Chí
đầu tư chứng khoán
|