Thứ Năm, 31/12/2009 09:49

Người gửi tiền cần được bảo vệ tốt hơn

Sự ổn định của hệ thống tài chính luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ các nước, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng, sau vụ sụp đổ của hàng loạt các định chế tài chính tên tuổi trên thế giới như Bear Stearn, Lehman Brothers v.v

Vì vậy, vai trò của các cơ quan giám sát tài chính với vị trí là nhân tố cốt lõi của quá trình này trở nên rất quan trọng. Chính phủ các nước đang khẩn trương rà soát lại thể chế, khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách hiện hành về giám sát tài chính nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai, góp phần tạo lập môi trường vĩ mô thuận lợi cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Mắt xích quan trọng trong hệ thống giám sát tài chính

Giám sát tài chính ở Việt Nam đang được tiến hành riêng rẽ cho từng lĩnh vực. Ngay cả việc giám sát riêng rẽ đó cũng nặng về giám sát tuân thủ hơn là giám sát rủi ro. Trong khi đó, nói đến hệ thống tài chính là nói đến những rủi ro có tính hệ thống, là những rủi ro trong từng lĩnh vực và rủi ro chéo từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Và nếu hiểu theo nghĩa đó có thể thấy, hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam còn vô cùng sơ khai. Đó là về tổ chức.

Về kỹ thuật, cho đến giờ hoàn toàn chưa có một quy định chung nào về giám sát hệ thống tài chính tổng quát. Mặc dù các chỉ tiêu giám sát từ xa theo CAMELS đã bắt đầu được Thanh tra Ngân hàng thuộc Ngân hàng Trung ương áp dụng nhưng đó mới chỉ là những chỉ tiêu mang tính định lượng và chỉ áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần, quỹ tín dụng nhân dân.

Trong khi đó, rủi ro thì đến từng ngày. Vì thế, ở Việt Nam đang rất cần một hệ thống chỉ tiêu định tính. Ở các nước, ngoài hệ thống giám sát tài chính công quyền còn có hệ thống định giá tài chính, xếp hạng tài chính của các tập đoàn xếp hạng tài chính như Standard & Poor’s, Fitch Ratings... cũng đưa ra những chỉ tiêu gần với hệ thống chỉ tiêu giám sát chung. Như vậy, thị trường có đầy đủ các thông tin, kể cả thông tin về giám sát chung của Chính phủ cũng như những thông tin về định giá hoặc thông tin về xếp hạng tín nhiệm của các công ty xếp hạng độc lập và nó tạo ra một hệ thống giám sát tài chính tương đối toàn diện.

Về công nghệ, thực ra giám sát tài chính rất cần có công nghệ hiện đại, ít nhất là phải có hệ thống thông tin quản lý (MIS) để có thể cập nhật thông tin từ cơ sở đến cơ quan giám sát nhanh chóng và nhạy bén. Điều đó ở Việt Nam chưa làm được. Ngân hàng Trung ương đang xây dựng hệ thống MIS hiện đại có tổng trị giá 70 triệu USD nhưng phải đến năm 2012 trở đi thì mới có thể ứng dụng được.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là một mắt xích quan trọng trong hệ thống an toàn tài chính nói chung, trực tiếp đánh giá rủi ro của từng tổ chức tín dụng, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm nhằm chấn chỉnh hoạt động, bảo đảm tính lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.

Đồng thời, BHTGVN cũng chịu trách nhiệm chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức nhận tiền gửi không có khả năng thanh toán, từ đó giữ lòng tin của người dân đối với hệ thống, tránh hiện tượng đổ xô đi rút tiền khi có một tổ chức tín dụng bị đổ vỡ. Giám sát của BHTG cũng là một khâu rất quan trọng, tạo ra một hệ thống thông tin độc lập để phục vụ cho giám sát chung.

Giám sát của BHTGVN thiên về giám sát rủi ro hơn là giám sát tuân thủ, cách làm như vậy mới thực sự là giám sát hệ thống tài chính hiện đại. Đây không phải là hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mà là giám sát mang tính chuyên ngành để đưa ra những cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động ngân hàng, góp phầm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Nhờ đó, người gửi tiền không chỉ được bảo vệ một cách trực tiếp khi tổ chức tham gia BHTG bị giải thể hay phá sản mà còn được bảo vệ gián tiếp và toàn diện thông qua các nghiệp vụ giám sát của BHTG đối với sự an toàn hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi nhằm phòng ngừa rủi ro.

Tuy nhiên, giám sát tài chính của BHTG cũng đang đối mặt với những khó khăn chung nói trên.

Cải tổ hệ thống giám sát – hướng mạnh vào bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tổ chức BHTG trong vòng 10 năm qua đã có nhiều nỗ lực để phát huy năng lực của mình như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giám sát từ xa đối với các tổ chức tín dụng; kiện toàn tổ chức, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đã cơ bản tạo được niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng cũng như niềm tin công chúng đối với Chính phủ.

Và trên thực tế, BHTG Việt Nam cũng đã chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại khá nhiều QTDND bị phá sản, tham gia thanh lý một số QTDND gặp sự cố... Đấy là những đóng góp rất lớn. Nhưng tất cả những thành tựu đó vẫn chưa căn bản, lý do chủ yếu là vai trò chính thống của tổ chức BHTG chưa được phát huy bởi sự thiếu rõ ràng và chuyên nghiệp trong các quy định pháp luật về hoạt động BHTG.

Ở Việt Nam, tổ chức BHTG được thành lập với kỳ vọng rất lớn là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng nhưng lại không đủ vốn để hoạt động với tư cách là người BHTG thực sự cho tất cả những ai gửi tiền vào hệ thống tài chính nói chung, kể cả NHTM hay QTDND.

Thứ hai, năng lực thể chế của BHTG còn yếu, ở nước ta vẫn chưa tạo lập được môi trường pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG, trong khi ở các nước Luật BHTG thường được ban hành trước khi tổ chức BHTG ra đời.

Mặt khác, lẽ ra BHTG cần phải được các ngân hàng (trong những trường hợp có sự cố) đăng ký bảo hiểm phá sản và nó phải đứng ra làm đầu mối xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Nó sẽ đứng ra thỏa thuận sáp nhập với ai hoặc thỏa thuận biến nợ thành vốn góp v.v...Tất cả những việc ấy phải do BHTG đứng ra thực hiện (hoặc tòa án kinh tế) bởi nó là cơ quan chuyên nghiệp chứ không phải Ngân hàng Trung ương - cơ quan quản lý tiền tệ của Chính phủ - không thể nào đi thu xếp sự sống còn của một ngân hàng hay tổ chức tín dụng vốn là thành viên thị trường tài chính.

Trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển, tổ chức BHTG được trao quyền rất lớn, chẳng hạn: được trực tiếp can thiệp vào hoạt động của tổ chức tín dụng “có vấn đề”, làm đầu mối trong quá trình tiếp nhận xử lý những tổ chức gặp sự cố, tham gia điều tra, truy tố tổ chức, cá nhân vi phạm v.v... Còn ở Việt Nam, ngoài những gì đã đề cập, tổ chức BHTG chỉ có thể “kiến nghị” với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Từ thực tiễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy, không thể có một thị trường tài chính năng động khi người dân bình thường – người gửi tiền chịu thiệt thòi.

Rõ ràng là người gửi tiền đang cần được bảo vệ tốt hơn. Một hệ thống tài chính tham lam, kiếm lời thái quá trên lưng người gửi tiền (mà tiền gửi là nền tảng tài chính của ngân hàng) chắc chắn sẽ thất bại. Sự tham lam, được tô vẽ bằng các công cụ tài chính phái sinh hiện đại, đã qua mặt được nhiều tầng nấc giám sát, kể cả Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Mỹ...

Trên thực tế, hệ thống giám sát dày đặc và đầy quyền lực này bị cuốn hút vào những chuẩn mực quản trị, bảo vệ lợi ích của cổ đông mà xem nhẹ những chuẩn mực an toàn vốn gắn liền với lợi ích của người gửi tiền. Cấu trúc lại hệ thống tài chính thế giới đang được định hướng mạnh mẽ vào việc bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. Mục tiêu này vừa có tính nền tảng, kinh điển mà dường như các ngân hàng đa năng và cơ chế giám sát nó trước đó đã thiếu quan tâm đúng mức.

Muốn phát huy vai trò bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng của tổ chức BHTG ở Việt Nam, trước hết, cần khẩn trương ban hành Luật BHTG để nâng cao năng lực pháp lý cho tổ chức này. Luật BHTG là đạo luật rất quan trọng, việc soạn thảo nó nên có một tầm nhìn xa về sự phát triển rất nhanh của các định chế tài chính; đồng thời phải là một đạo luật phản ánh thực chất nhu cầu của phát triển chứ không phải để cho có luật.

Đã đến lúc cần tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG ở nước ta phát triển, dân chúng cần hiểu rõ khi một ngân hàng ra đời thì chừng nào phải treo được cái biển của BHTG chấp nhận ngân hàng đó lên họ mới dám đưa tiền đến gửi, như ở Mỹ chẳng hạn.

Và điều này vô cùng quan trọng ở chỗ, dân chúng sẽ lựa chọn gửi tiền ở ngân hàng nào mà theo họ là rủi ro thấp, hoặc với mức chi trả bảo hiểm như vậy có nên gửi không. Người ta hoàn toàn có quyền làm điều đó mà không ỷ lại vào việc cứ gửi đại, ở đâu lãi suất cao là tốt, không cần phải lựa chọn gì cả, nếu có gì thì đã có Chính phủ, Nhà nước chịu, tức là rủi ro đạo đức lớn.

Chừng nào dân chúng còn quan niệm như vậy thì hoạt động tiền gửi và hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung vẫn chưa phải là hoạt động thị trường theo đúng chuẩn mực của nó. Về lâu dài sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề như: Sẽ có những NHTM lợi dụng vị thế được Chính phủ bảo hộ, cứ thế tăng lãi suất lên để mà cạnh tranh phá rối thị trường tài chính. Thậm chí nếu họ có gặp sự cố gì đó thì lại được sáp nhập vào đâu đó, có khi cuộc sáp nhập đó lại có lợi hơn cho họ... Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng luật cần tham khảo kỹ các bộ luật BHTG của các nước, tìm ra những gì tinh túy của họ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Thứ hai, tổ chức BHTG cần phải có một tiềm lực tài chính đủ lớn để có thể đứng ra gánh vác được những khoản cần thiết phải xử lý. Ví dụ, khi rủi ro có thể xảy ra, hoặc khi một ngân hàng nào đó bị phá sản, sáp nhập... Thời nay không có vốn lớn không thể bảo hiểm được cho định chế tài chính. Những chức năng, nhiệm vụ khác cũng trên nền tảng tài chính phải mạnh.

Thứ ba, nguồn nhân lực của tổ chức BHTG cũng phải đủ mạnh để vừa làm công tác giám sát, vừa xử lý những hậu quả như tôi vừa đề cập, do đó cần xây dựng một bộ máy hữu hiệu mới có thể làm được.

Thứ tư, cần tạo lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa BHTGVN với các cơ quan giám sát khác như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan giám sát khác. Tức là cần tăng cường chia sẻ thông tin, chia sẻ trách nhiệm, hợp tác với nhau để đảm bảo cho công tác giám sát được nhìn từ nhiều giác độ, từ nhiều khía cạnh và thấy được các rủi ro sớm hơn, rõ hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   CEO Indochina Capital: 'SCIC cần minh bạch tài chính' (19/12/2009)

>   Cái gốc của chuyện lương cao hay thấp (19/12/2009)

>   Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Cầm vốn nhà nước tâm trạng lắm!” (19/12/2009)

>   Lập báo cáo tài chính hợp nhất: Thách thức và giải pháp (18/12/2009)

>   Phê duyệt Khoản vay Chương trình cải cách DN do ADB tài trợ (17/12/2009)

>   Doanh nghiệp sẽ tự in hóa đơn? (17/12/2009)

>   Tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay trung và dài hạn (11/12/2009)

>   Nhiều thua lỗ (10/12/2009)

>   Phê duyệt Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công” do WB tài trợ (10/12/2009)

>   Việt Nam: Tiềm năng, cơ hội thời hậu khủng hoảng (09/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật