Khơi thông dòng vốn của tổ chức
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội nhà đầu tư tài chính (Vafi) thì tỉ trọng giao dịch hàng ngày trên TTCK niêm yết của tổ chức (cả trong và ngoài nước) chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là của nhà đầu tư cá nhân.
Số liệu của Câu lạc bộ (CLB) Quản lý quỹ thì nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chỉ từ 15-20%. Thị trường hiện đang được dẫn dắt bởi các NĐT cá nhân và tâm lý không ổn định, chiến lược đầu tư ngắn là nguyên nhân của những biến động mạnh và tạo nhiều rủi ro.
Cần một chiến lược
Ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch CLB Quản lý quỹ - tổ chức tập hợp 26 thành viên là các Cty quản lý quỹ với tổng giá trị tài sản quản lý hiện khoảng 80.000 tỉ đồng – cho rằng việc thúc đẩy sự phát triển của NĐT tổ chức như các quỹ đầu tư là vấn đề hết sức quan trọng để TTCK có thể phát triển lành mạnh.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2010 tổ chức mới đây, đại diện CLB Quản lý quỹ đã kiến nghị nên sớm có khung pháp lý rõ ràng cho phép thành lập các loại hình quỹ mới để huy động các nguồn vốn đầu tư đa dạng hơn.
Hiện tại các quỹ đại chúng đang hoạt động chỉ là quỹ dạng đóng. Theo ý kiến của CLB Quản lý quỹ, mặc dù hình thức quỹ mở đã được quy định trong Luật CK nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Quỹ mở là loại hình quỹ đầu tư rất phổ biến ở nước ngoài. Khảo sát của CLB Quản lý quỹ cho thấy nhu cầu đối với loại hình đầu tư này ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Quỹ đóng không cho phép cổ đông rút vốn trong một thời hạn nhất định làm giảm độ linh hoạt.
Mặt khác quy mô vốn hóa trên 500 ngàn tỉ đồng của TTCK là điều kiện chín muồi để loại hình quỹ này có thể hoạt động hiệu quả. Quỹ mở cũng giải quyết được nhiều hạn chế của mô hình quỹ đóng đang niêm yết hiện nay như vấn đề chênh lệch giữa giá thị trường tài sản ròng.
Cũng theo kiến nghị của CLB Quản lý quỹ, cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và cho phép thành lập các loại hình quỹ đầu tư khác như quỹ ETF (Exchange Traded Fund), quỹ tiền tệ...
Theo đánh giá của Vafi, việc thiếu vắng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp khiến lực lượng này chưa đảm đương được vai trò quan trọng trong quản trị DN cũng như vai trò làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của TTCK. Do đó cần phải hoạch định hẳn một hệ thống giải pháp để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lực lượng NĐT tổ chức.
Vafi đã từng kiến nghị thành lập một tổ soạn thảo để xây dựng đề án chiến lược phát triển hệ thống các NĐT tổ chức gồm đại diện UBCKNN, đại diện Vafi, Hiệp hội Kinh doanh CK, CLB Quản lý quỹ, đại diện nhóm thị trường vốn tại Diễn đàn DN VN.
Xóa bỏ rào cản
Theo kiến nghị của đại diện CLB Quản lý quỹ, các Cty quản lý quỹ hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi quy định không có các quỹ do cùng một Cty quản lý đặt lệnh mua và bán cùng một loại CK trong ngày.
Trên thực tế một Cty có thể quản lý nhiều quỹ khác nhau và các quỹ này đều được quản lý một cách độc lập, có tiêu chí đầu tư cũng như cấu trúc tài sản khác nhau. Do đó việc mua bán CK là hoàn toàn độc lập, khách quan.
Ông Tân cho biết chẳng hạn Cty VFM hiện đang quản lý 3 quỹ khác nhau và mỗi khi thực hiện giao dịch giữa các quỹ lại phải đối chiếu để tránh bị trùng lắp. Việc hạn chế mua bán như vậy ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư của từng quỹ, hạn chế đầu tư.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nên cho phép các quỹ tự được mua lại chứng chỉ quỹ ở giá thấp hơn giá trị tài sản ròng (NAV) và bán chứng chỉ ở giá cao hơn NAV khi đại hội cổ đông cho phép. Việc mua bán này sẽ giúp tăng thanh khoản cho chứng chỉ niêm yết, tăng giá trị cho các NĐT, giảm hiệu ứng của việc định giá thấp chứng chỉ quỹ so với NAV.
Chẳng hạn quỹ VF1 hiện giao dịch chứng chỉ ở mức 13.100đ trong khi NAV tính đến 21.1.2010 là 24.155đ. Như vậy thị trường đã định giá VFMVF1 thấp hơn tới 46% NAV. Việc định giá quá thấp như vậy khiến các Cty quản lý quỹ hết sức khó khăn trong việc huy động vốn mới.
Mới đây, Vafi cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm xóa bỏ những phức tạp về thủ tục thành lập Cty quản lý quỹ và quỹ đầu tư CK. Chẳng hạn đối với quỹ thành viên nên cho phép Cty quản lý quỹ huy động vốn từ các thành viên, sau đó chỉ làm thủ tục đăng ký với UBCKNN với thời gian nhận giấy đăng ký không quá 2 tuần.
Việc huy động vốn từ các thành viên không khác gì việc huy động vốn từ một số tổ chức và cá nhân để thành lập DN vì vậy thủ tục thành lập quỹ thành viên cần phải đơn giản như thành lập DN. Đối với quỹ đại chúng cũng cần cắt giảm 80% những thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian cấp phép trong vòng 1 tháng.
Về chính sách thuế, Vafi kiến nghị cần nhanh chóng xóa bỏ những bất cập về cơ chế thuế thu nhập DN trong đầu tư CK cho NĐT tổ chức trong nước. Trong khi tổ chức nước ngoài được áp dụng hình thức thuế khoán (0,1% tổng giá trị bán) thì tổ chức trong nước lại phải tính theo luật thuế thu nhập DN với thuế suất 25%.
Được biết Vafi và Hiệp hội Kinh doanh CK, Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính của Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức hội thảo đánh giá những bất cập của chính sách thuế hiện hành cho hoạt động đầu tư CK áp dụng cho tổ chức đầu tư trong nước.
Theo Vafi, chính sách thuế cho hoạt động đầu tư CK có đặc thù, hoàn toàn khác biệt so với chính sách thuế thu nhập DN áp dụng cho DN sản xuất, kinh doanh. Hai hiệp hội sẽ đề xuất sửa đổi chính sách thuế này.
Hoàng Nguyên
Lao Động
|