Thứ Hai, 25/01/2010 06:31

Chuyển đổi DNNN khó cán đích

Tiến trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khó có thể hoàn thành đúng thời hạn (ngày 1/7/2010) theo quy định của Luật DN.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2009, cả nước chỉ cổ phần hoá được vỏn vẹn 60 DN và bộ phận DN, đạt 8,4% kế hoạch. Đây là năm mà tốc độ cổ phần hoá đạt thấp nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chủ yếu, theo phân tích của các chuyên gia thuộc Nhóm tư vấn chính sách thực hiện Dự án Hỗ trợ phân tích chính sách tài chính do UNDP tài trợ (PAG), là do tình hình kinh tế suy giảm, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống, nên việc phát hành cổ phiếu để tiến hành cổ phần hoá gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngoài nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân từ bản thân chính sách, mà cụ thể ở đây là Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Mặc dù có nhiều tiến bộ so với Nghị định 187/2004/NĐ-CP, nhưng Nghị định 109/2007/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế. Đó là không cho phép nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần phát hành lần đầu với giá ưu đãi như trước.

Theo quy định, nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân, nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 3 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn, thì phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Với quy định này, theo ông Ninh, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, giá cổ phần đấu giá được định giá rất cao, thì việc phải mua theo mức giá này, sẽ khiến cổ phần không còn hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược.

“Nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần phát hành lần đầu khi cổ phần hoá không nhiều (có cuộc đấu giá chỉ 2-3 nhà đầu tư tham gia), nhưng họ mua tới 10-20% số cổ phần đem đấu giá, lại bị ràng buộc bởi thời gian chuyển nhượng cổ phần mà phải mua bằng giá với nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước là không công bằng và không hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược tham gia”, ông Ninh nói.

Vấn đề này cũng đã từng được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập và kiến nghị nên tổ chức đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện đấu giá phổ thông cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, quan điểm này đã không được chấp thuận, bởi nhiều khi, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Điều này cũng được xem là không công bằng.

“Cần xem lại quan điểm này”, ông Ninh nói và phân tích, hàng ngàn nhà đầu tư trong nước tham gia đấu giá, nhưng tỷ lệ cổ phần họ mua không nhiều, đặc biệt là họ chỉ nắm giữ một thời gian, chờ thị trường lên để bán nhằm thu chênh lệch và không có bất cứ trách nhiệm, ràng buộc gì với DN.

Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược mua một khối lượng lớn cổ phần, lại bị ràng buộc về thời gian chuyển nhượng, đồng thời khi tham gia đấu giá họ phải đáp ứng điều kiện có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với DN, thì bắt họ phải mua bằng giá bán với nhà đầu tư “lướt sóng” là không công bằng.

Nếu thực hiện đúng theo Luật DN, thì ngày 1/7/2010, toàn bộ 1.546 DNNN sẽ phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc công ty cổ phần. Với tốc độ cổ phần hoá như năm 2009, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khả năng hoàn thiện việc chuyển đổi DNNN đúng hạn là rất khó.

Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm thực hiện đúng Luật DN, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi theo hình thức giao, bán, khoán cho thuê, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH nhà nước 1 thành viên, hoặc nhiều thành viên.

“Trong trường hợp khó tìm được nhà đầu tư chiến lược cho các DN lớn, thì cũng phải cổ phần hoá, dù Nhà nước nắm tới 90-95% vốn điều lệ rồi mới tìm nhà đầu tư chiến lược khi có điều kiện”, ông Thanh nói và cho rằng, thực hiện theo phương án này không chỉ bảo đảm chuyển đổi DNNN theo đúng lộ trình, mà trong quá trình chuyển đổi cũng không bị thất thoát tài sản nhà nước.

Nam Kinh

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   PVN sẽ cổ phần hóa các nhà máy điện (25/01/2010)

>   Thêm hai nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới MobiFone (23/01/2010)

>   IPO Cấp thoát nước Quảng Bình: Đăng ký mua đạt 5.1% (22/01/2010)

>   Sẽ có cơ chế riêng cho việc CPH các tập đoàn (21/01/2010)

>   Khó đấu giá cổ phần  (21/01/2010)

>   Cổ phần hoá doanh nghiệp thời gian tới sẽ nhiều khó khăn (20/01/2010)

>   Hạn chót ngày 1-7: Hơn 1.500 DNNN không kịp cổ phần hóa (20/01/2010)

>   Đấu giá 1.2 triệu cp Xi măng Thanh Sơn vào ngày 04/02 (19/01/2010)

>   11 CTCK làm đại lý đấu giá Cty Phát triển Nhà Đà Nẵng (19/01/2010)

>   Cổ phần hóa: Lợi lớn, lo nhiều? (19/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật