Thứ Năm, 21/01/2010 10:22

Sẽ có cơ chế riêng cho việc CPH các tập đoàn

"Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2007/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP, Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất mới về bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt lớn đang làm cản trở quá trình cổ phần hoá DN 100% vốn nhà nước", ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tiết lộ.

Thưa ông, cụ thể các đề xuất đó là gì?

Trong lần sửa đổi Nghị định 109 này, để tháo gỡ vướng mắc về bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án. Theo đó, có trường hợp bán cổ phần cho cổ đông chiến lược xong mới bán đấu giá cổ phần DN. Trường hợp khác là tiến hành hai việc này song song với nhau và phương án cuối cùng là sau khi kết thúc việc bán đấu giá cổ phần DN mới bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Nếu đề xuất này được thông qua, thì các DN sẽ được lựa chọn 1 trong 3 phương án trên, hay họ bị ấn định phải áp dụng một phương án cụ thể?

Căn cứ để lựa chọn áp dụng các phương án này là tuỳ vào mục tiêu cụ thể của phương án cổ phần hoá (CPH) DN đặt ra. Nếu CPH DN muốn đạt mục tiêu là nâng cao năng lực quản trị DN, thì câu chuyện về giá sẽ bị xếp xuống hàng thứ yếu sau năng lực quản trị của cổ đông chiến lược. Trong trường hợp này có thể chấp nhận bán cổ phần cho cổ đông chiến lược theo giá thoả thuận thấp hơn giá thị trường. Đến đây, một câu chuyện khác đặt ra là cách xử lý này có làm thất thoát tài sản của Nhà nước? Câu trả lời sẽ được làm rõ trong quá trình sửa đổi Nghị định 109, để tạo bước đột phá trong CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sắp tới. Nếu trong phương án CPH một DN cụ thể đặt ra mục tiêu phải huy động được nguồn vốn từ các cổ đông chiến lược, thì lúc bấy giờ câu chuyện bán cổ phần với giá cao có thể được đặt lên hàng đầu. Việc đưa ra 3 phương án trên nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong việc gỡ nút thắt về tìm kiếm cổ đông chiến lược mà tiến trình CPH thời gian qua gặp phải.

Một điểm nghẽn lớn khác đang làm cản trở quá trình CPH DNNN là việc tính giá trị, lợi thế về vị trí địa lý đất đai khi xác định giá trị DN. Bộ Tài chính có đề xuất gì để tháo gỡ, thưa ông?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ đưa quy định giá trị, lợi thế về vị trí địa lý đất đai khi xác định giá trị DN vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia quốc tế tính toán phương án cụ thể. Ở đây chủ yếu giải quyết vấn đề kỹ thuật đưa vào như thế nào, để giúp DN không gặp phải những khó khăn như thời gian qua.

Việc CPH các DN lớn, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang lúng túng, chậm trễ, mà một trong những nguyên nhân là Nhà nước vẫn muốn nắm giữ phần lớn cổ phần sau CPH. Tình trạng này sẽ được tháo gỡ ra sao trong cơ chế CPH mới?

Chính phủ vừa có chủ trương thành lập các tập đoàn đa sở hữu, mà trước tiên là sẽ thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam theo mô hình này. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình sắp xếp lại DNNN. Đối với những tập đoàn, tổng công ty còn lại mà Nhà nước đang nắm 100% vốn, nếu điều kiện cho phép cũng sẽ sắp xếp lại theo mô hình đa sở hữu, để có thể huy động vốn, trí tuệ của các đối tác bên ngoài tham gia phát triển DN. Tuy nhiên, đây là những DN đặc thù, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, bởi vậy trong quá trình sửa đổi chính sách CPH DN 100% vốn nhà nước, các cơ quan quản lý đang tính toán để đưa ra những cơ chế đặc thù, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Giải quyết ổn thoả vấn đề này sẽ đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN trong thời gian tới.

Bao giờ thì việc sửa đổi Nghị định 109 kết thúc để cơ chế CPH mới chính thức có hiệu lực, thưa ông?

Bộ Tài chính sẽ phải kết thúc việc sửa đổi, bổ sung văn bản này trong 6 tháng đầu năm 2010 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Tại hội thảo "DN CPH và chính sách CPH DN" do Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 19/1, bà Lê Thị Ngọc Liên, chuyên gia của UNDP cho rằng, Việt Nam nên tính đến thay đổi mô hình công ty. Theo đó, các DN nên là hoặc 100% vốn nhà nước hoặc 100% vốn tư nhân, hình thức chung vốn sở hữu hiện tại nên là trường hợp đặc biệt, chứ không nên phổ biến như hiện nay. Trong chính sách CPH DNNN sắp tới, nên tính đến CPH triệt để (bán 100% vốn nhà nước) một số DN thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần (như thuỷ sản, dệt may, rượu bia…). Nếu tiếp tục CPH theo mô hình hiện nay, Nhà nước rất vất vả trong quản lý DN sau CPH, trong khi hiệu quả mang lại chưa được bao nhiêu. Cách làm hiện nay chưa tạo động lực cho DN sau CPH phát triển nhanh hơn, vì ít nhiều họ vẫn ỷ lại Nhà nước qua hình thức tiếp cận cơ quan ra chính sách, đất đai, vốn…

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Khó đấu giá cổ phần  (21/01/2010)

>   Cổ phần hoá doanh nghiệp thời gian tới sẽ nhiều khó khăn (20/01/2010)

>   Hạn chót ngày 1-7: Hơn 1.500 DNNN không kịp cổ phần hóa (20/01/2010)

>   Đấu giá 1.2 triệu cp Xi măng Thanh Sơn vào ngày 04/02 (19/01/2010)

>   11 CTCK làm đại lý đấu giá Cty Phát triển Nhà Đà Nẵng (19/01/2010)

>   Cổ phần hóa: Lợi lớn, lo nhiều? (19/01/2010)

>   Địa ốc Cao su: Giá đấu bình quân đạt 12,109 đồng/cp (19/01/2010)

>   Xí nghiệp in Báo Thanh Niên đấu giá 1.9 triệu cp vào Tháng 3 (18/01/2010)

>   Hơn 91% doanh nghiệp cổ phần hóa có sai phạm (18/01/2010)

>   Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng IPO 5 triệu cp (15/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật