Cổ phần hóa: Lợi lớn, lo nhiều?
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang bộc lộ không ít những bất cập từ mục tiêu đến tổ chức thực hiện. Nhận định trên được Nhóm tư vấn chính sách (Bộ Tài chính) đưa ra sau khi tiến hành khảo sát tại 400 doanh nghiệp cổ phần hóa trên phạm vi cả nước.
Thống kê của Nhóm tư vấn cho thấy, tính đến đầu năm 2009, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.556 doanh nghiệp và 8 tổng công ty Nhà nước, trong đó cổ phần hóa được 3.854 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp (chiếm 69,4% tổng số doanh nghiệp đã sắp xếp), giao 196 doanh nghiệp, bán 155 doanh nghiệp, khoán và cho thuê 30 doanh nghiệp, sáp nhập hợp nhất 531 doanh nghiệp, còn lại các hình thức khác là 790 doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Nhóm tư vấn và của Ban Chỉ đạo đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp, cổ phần hóa đã trở thành biện pháp sắp xếp lại, làm thay đổi về chất của khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhờ vào việc hình thành các doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Hơn nữa, chính cổ phần hóa cũng đã giúp Nhà nước thu về hàng ngàn chục tỷ đồng nhờ vào việc bán bớt phần vốn của mình tại các doanh nghiệp Nhà nước, từ đó có vốn để đầu tư cho các dự án trọng điểm cần thiết.
Ngoài ra, cổ phần hóa cũng góp phần vào việc hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, đa ngành, đa lĩnh vực và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế, hài hòa được lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người lao động.
Thế nhưng, do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó nổi lên là việc chậm tiến độ, vốn huy động được sau cổ phần hóa không nhiều, số nhà đầu tư nước ngoài có trình độ quản trị, công nghệ lại chưa được tham gia rộng rãi...
Thậm chí, kết quả khảo sát còn chỉ ra, có không ít trường hợp cổ phần hóa còn mang tính khép kín, nội bộ, nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa dưới giá.
Theo bà Dương Thị Nhi (thành viên nhóm tư vấn), tự thân quá trình cổ phần hóa đã chứa đựng nhiều khó khăn, vướng mắc. Đã thế, phần lớn quá trình này lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đều không thuận lợi.
Chính vì thế, bà Nhi cho rằng, tình thế đã khó nay được dự báo là sẽ khó khăn hơn, khi mà trong thời gian tới, nền kinh tế có nguy cơ đối mặt với lạm phát, khó khăn về thanh khoản thường trực, dung lượng hấp thu của thị trường chứng khoán nội địa với khối lượng cổ phiếu rất lớn của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ cổ phần hóa trong thời gian tới đang là mối quan ngại của nhiều người.
Nhưng điều khiến Nhóm tư vấn lo ngại hơn cả là trong gần 20 năm tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đến nay (bắt đầu từ năm 1991), dù đã cổ phần hóa được trên 4.000 doanh nghiệp, song đại đa số vẫn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nên chắc chắn kinh nghiệm cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn còn thiếu, kỹ năng cổ phần hóa còn nhiều lúng túng.
Thực tế thì lo ngại trên đã xảy ra đối với các trường hợp cổ phần hóa của Vietcombank, Mobifone, Habeco...
Còn theo bà Vũ Thị Hồng Loan (tổ tư vấn chính sách của UNDP), không phủ nhận cổ phần hóa trở thành động lực mới cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, liệu động lực này có tác động kéo dài hay chỉ nhất thời, liệu đã có sự thay đổi căn bản trong công tác quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ...hay chưa vẫn chưa có một khẳng định chắc chắn.
Trong khi đó, theo bà Nhi, dù quá trình cổ phần hóa không phải là mới bắt đầu, song có nhiều vướng mắc dường như mang tính “thâm niên” trong suốt thời gian dài vừa qua như việc tính giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất, vị trí địa lý, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ...
“Ngay cả việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà tư vấn, xác định giá trị khởi điểm...cũng bộc lộ nhiều bất cập mà đến nay vẫn chưa thể tìm được một giải pháp thích hợp”, bà Nhi cho biết.
Không những thế, có một số doanh nghiệp lại xem cổ phần hóa là mục tiêu cuối cùng, trong khi thực chất đây chỉ là mục tiêu trung gian nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn là nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) nhận xét, mục tiêu cổ phần hóa mà chúng ta đưa ra hiện nay dường như lại quá rộng nhưng lại thiếu định lượng.
Trong khi đó, mục tiêu không được Chính phủ chọn làm trọng tâm thì lại được quan tâm nhất và làm mất thời gian nhất là việc thu tiền về cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, cần phải xác định lại mục tiêu cụ thể hơn, định lượng hơn trong quá trình ban hành các chính sách liên quan đến cổ phần hóa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, cổ phần hóa là cần thiết nhưng cần tính toán đến mối tương quan giữa doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước để tạo điều kiện có môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh việc cổ phần hóa, chúng ta phải đưa ra được mô hình tổ chức hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bởi thực tế cho thấy, hiện có nhiều công ty mẹ và công ty con cùng hoạt động trong một lĩnh vực nên môi trường cạnh tranh là không bình đẳng mà phần thiệt thòi luôn thuộc về các công ty con, ông Nghĩa nói.
Bảo Anh
TBKTVN
|