Vượt rào cản mới của EU về thuỷ sản đánh bắt
Ngư dân, cơ quan quản lý các địa phương vẫn rất lúng túng trước Quy định của Liên minh châu Âu (EU) về khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (IUU), trong khi chưa đầy 1 tháng nữa là quy định có hiệu lực (1/1/2010).
Quy định IUU của EU nêu rõ, tất cả các mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu vào EU đều phải có mẫu giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác, chế biến hoặc chưa chế biến, ngoại trừ cá nước ngọt, cá cảnh, sản phẩm nuôi trồng...
Yêu cầu này để EU truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các nhà nhập khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận với thời hạn 3 ngày trước khi hàng đến EU.
Nếu không tuân thủ, EU sẽ từ chối việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản.
Tại cuộc họp khẩn ngày 3/12 với các tỉnh để bàn phương án thực hiện quy định mới của EU, do Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) chủ trì, anh Trần Duy Uy (ngư dân tại Nghệ An), bày tỏ sự lo lắng bởi lâu nay khi đánh bắt, anh cũng như các thuyền viên chưa bao giờ ghi nhật ký khai thác, chỉ đến khi tới hội nghị này mới biết thông tin về IUU.
Kể cả khi có ghi nhật ký, anh Phan Văn Hải, ngư dân xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu (Nghệ An), cũng cho rằng, nếu dừng từng chuyến một để xác nhận thì rất khó khăn bởi lúc tàu về, họ chỉ muốn giao hàng rồi đi ngay chuyến khác cho kịp thời.
"Nếu dừng để báo cáo thì các thủ tục khá rườm rà, mất thời gian gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc”, anh Hải nói.
Chưa kể, trình độ thuyền trưởng và các thuyền viên có hạn nên không thể phân biệt hết các loại thuỷ sản, nhất là tên khoa học. Chẳng hạn, ở Quỳnh Lập, trình độ 1/3 ngư dân đi biển chưa học hết cấp I, 1/3 học hết cấp II và rất ít người tốt nghiệp PTTH.
Tại hội nghị, bản thân lãnh đạo các địa phương cũng tỏ ra lo ngại trước việc thực thi quy định mới này của EU.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An, nhận xét, việc thay đổi nhận thức và hành vi của bà con trong việc ghi nhật ký đã khó, trong khi đi biển gặp rất nhiều rủi ro, ngư dân khó lòng làm được.
Đến thời điểm này, cũng chưa có thông tư hướng dẫn từ phía Bộ về việc này nên các địa phương chỉ biết chờ.
Hơn nữa, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Phó Tổng Thư ký Nguyễn Hoài Nam, nói thêm, công việc thực sự là khó. Bản thân các DN Nhật Bản cũng bay sang để hỏi Việt Nam cách làm.
Tuy chưa đến thời điểm G (ngày 1/1/2010), song, 2-3 ngày lại đây, cộng đồng DN thuỷ sản bị ách nhiều hợp đồng chuẩn bị ký với EU do Liên minh này chưa thấy Việt Nam triển khai biện pháp gì liên quan đến quy định mới. Bản thân các nhà nhập khẩu cũng bị EU quản lý rất chặt nên họ chưa chắc chắn để ký hợp đồng.
Song, Cục trưởng Cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản Chu Tiến Vĩnh lại rất lạc quan và quả quyết rằng, hết tháng 12, thuỷ sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa cần thực thi quy định.
Bên cạnh đó, phía EU cũng hứa sẵn sàng giúp đỡ kỹ thuật và nhân lực để triển khai quy định mới. Do vậy, từ nay đến cuối năm, tất cả các tàu thuyền vẫn yên tâm đánh bắt.
Riêng khâu ghi nhật ký khai thác, theo ông Vĩnh, sẽ là không khó vì sổ, bút đã sẵn sàng, chỉ cần điền ngày tháng, vĩ độ đánh bắt là xong. Trên thực tế, Cục đã làm thí điểm tại Vịnh Bắc Bộ trên 100 tàu cá, đánh bắt ở vùng khơi chung và kết quả là khả quan.
Vấn đề là ngư dân vẫn ngại và đã "quên" mất công đoạn này. Quy định mới khi có hiệu lực và tính pháp lý thì bà con chắc chắn phải thực thi.
Ông Vĩnh cũng khẳng định, sản lượng thủy sản Việt Nam xuất sang EU trong quý I/2010 sẽ không giảm sút bởi việc thực hiện sẽ không có trở ngại gì.
Hà Yên
VIETNAMNET
|