TTCK: Một năm nhìn lại
Mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng thị trường chứng khoán thế giới nói chung và TTCK VN nói riêng đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại theo đà phục hồi kinh tế.
Tại VN, chỉ số VN-Index xác lập được những đỉnh cao trên 600 trong năm từ mốc thấp nhất 235 điểm tại thời điểm cuối tháng 2/2009. Để có được những thành tựu trên, ngoài sự phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế trong nước, tác động của TTCK thế giới và chính sách điều tiết thị trường của chính phủ, thì sự tích cực tham gia của các thành viên trên thị trường cũng đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của TTCK.
Sự phát triển về mặt quy mô thị trường
Ngay trong thời điểm đầu năm, rất nhiều chuyên gia đều cho rằng năm 2009 được dự báo vẫn tiếp tục là thời kỳ cực kỳ khó khăn đối với TTCK VN khi đà suy thoái kinh tế thế giới cũng như khủng hoảng thị trường tài chính tiền tệ chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhưng trên thực tế, thị trường này chỉ giảm sâu đến hết quý 1/2009 và quay trở lại hồi phục trong quý 2/2009 khi những tia sáng về sự hồi phục của nền kinh tế xuất hiện. Từ cuối tháng 3/2009 đến thời điểm hiện nay (tháng 11/2009) thị trường đã đạt được sự tăng trưởng đáng kinh ngạc và có những thành tựu nhất định.
Tính đến tháng 11/2009, đã có 430 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP HCM và Hà Nội, trong đó tại sở giao dịch chứng khoán TP HCM là 184 loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là 226. Tổng giá trị vốn hóa thi trường niêm yết tại hai sàn lên tới hơn 669 nghìn tỷ đồng (39 tỷ USD), tương đương 55% GDP của năm 2008. Mức vốn hoá này đã tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2008.
Các thành viên tham gia thị trường tích cực hơn
Hiện thị trường đã có 105 Cty chứng khoán, 46 Cty quản lý quỹ, 382 quỹ đầu tư nước ngoài, 8 ngân hàng lưu ký. Số lượng Cty chứng khoán đi vào hoạt động tăng không nhiều so với thời điểm đầu năm (đầu năm 2009 số lượng Cty chứng khoán là 102 Cty) do tình hình TTCK trong năm 2009 suy giảm sâu. Tuy nhiên, số lượng Cty chứng khoán hiện nay cũng đã tăng hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2006.
Số lượng tài khoản giao dịch đã có sự tăng trưởng đáng kể. Đến hết tháng 11/2009, số lượng tài khoản giao dịch đạt khoảng 730 nghìn tài khoản trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là 13 nghìn tài khoản, chiếm khoảng 2%, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm cuối năm 2007 và gấp hơn 7 lần so với cuối năm 2006, tăng 41% so với thời điểm đầu năm 2009.
Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đến hết tháng 10/2009 là 490 nghìn tỷ (sàn HoSe là 329 nghìn tỷ và sàn HNX là 161 nghìn tỷ) tăng gấp 2,7 lần so với tổng giá trị giao dịch của năm 2008 và gấp 1,75 lần so với cả năm 2007. Các Cty niêm yết trên sàn phần lớn có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2009 khá tốt so với kế hoạch dự kiến, trong đó số lượng các công ty đạt 80% kế hoạch năm lên tới 65%. Hiện tượng phát hành tăng vốn ồ ạt đã giảm bớt, rất nhiều Cty đã tập trung vào hoạt động kinh doanh chính. Đầu tư tài chính và đầu tư vào bất động sản – hai mảng đầu tư chứa đựng nhiều rủi ro đã được các Cty niêm yết xem xét một cách thận trọng hơn.
Bên cạnh đó, khung pháp lý cho hoạt động của TTCK ngày càng được hoàn thiện. Năm 2010 là năm bản lề cuối cùng cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, đồng thời nhu cầu của các DN trong việc mở rộng sản xuất chuẩn bị cho một đà tăng trưởng mới sau khủng hoảng sẽ tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán có cơ hội phát triển mạnh và trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|