Phía sau nghề môi giới chứng khoán - Quyền lực ngầm
Các môi giới là người quyết định cho nhà đầu tư (NĐT) nào được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt như mua chứng khoán (CK) trả chậm, vay CK để bán với thời gian T+1, T+2. Ngoài ra họ còn có sự liên kết chặt chẽ với nhau để tạo nên hiệu ứng thông tin.
Những cơn hoảng loạn bán tháo của nhiều NĐT vào đợt cuối các phiên giao dịch trong tháng 11 vừa qua được xem là kết quả của những loa thông tin được khuếch đại sau sự liên kết và ràng buộc của các môi giới CK.
Phân bổ hạn mức theo thân, sơ
Trúc, broker công ty chứng khoán B. tại TP.HCM kể, một broker bình thường có thể bảo lãnh cho NĐT mua CK trong ngày lên mức 1 tỷ đồng. Có những broker chăm sóc khách hàng “VIP” hoặc có thâm niên thì hạn mức bảo lãnh cao hơn, có khi lên đến 10 - 20 tỷ đồng trong một ngày giao dịch.
Tương tự, việc cho một số NĐT “VIP” mượn CK để bán trước với thời hạn T+1, T+2 cũng sẽ được công ty chứng khoán “phân bổ” cho từng môi giới với khối lượng và mã CP cụ thể. Việc cho mượn CP liên quan chặt chẽ đến bộ phận tự doanh nên môi giới phải có sự thống nhất trước để đảm bảo được uy tín với khách hàng đồng thời đảm bảo có đủ “hàng” để giao dịch.
“Vì số lượng tiền hay CK đều có hạn mức nên môi giới là người có quyền quyết định cho khách hàng vay bao nhiêu, khách nào được vay trước, vay sau. Môi giới cũng phải chịu trách nhiệm thu hồi tiền nợ nên đa số chỉ các khách VIP và quen mới được áp dụng các ưu đãi đặc biệt này”, Trúc nói.
Trên thực tế, các công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay cao được NĐT lựa chọn. Vì vậy trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua, một làn sóng NĐT đổ xô sang các công ty chứng khoán S., công ty chứng khoán T.,... khiến doanh thu môi giới ở những công ty còn lại bị sụt giảm nghiêm trọng.
Một NĐT tên Nam cho biết, khi thị trường tăng mạnh, công ty chứng khoán anh đang giao dịch không cho vay nhiều nên anh đã qua công ty chứng khoán T. mở tài khoản mới. Tại đây, dù là khách hàng mới nhưng anh được môi giới đồng ý cho vay theo dạng ký quỹ với tỷ lệ 3:7 (có 300 triệu đồng trong tài khoản được mua CK có tổng trị giá lên đến 1 tỷ đồng) trong thời gian 3 ngày. Đến ngày thứ 4 CK về anh Nam bán ra trả cho công ty chứng khoán và lại được mua tiếp số CK khác... Cứ “lướt sóng” xoay vòng như thế từ số tiền vốn 500 triệu đồng ban đầu anh Nam đã kiếm lời được hơn 1 tỷ đồng trong vòng 2 tháng. “Mình thấy ở đó các khách hàng quen cũ còn được mua CK theo tỷ lệ 2:8. Đòn bẩy tài chính này cực kỳ lợi hại khiến cho nhiều NĐT nhanh chóng kiếm lời trong một thời gian rất ngắn”, anh Nam nói.
Giữ khách hàng bằng thông tin “độc”
Môi giới CK ở công ty này cũng có thể giới thiệu NĐT sang môi giới công ty khác giao dịch. Theo anh Hiền, môi giới của công ty chứng khoán D., khi khách hàng của anh đang “say” một CP nào đó nhưng hạn mức cho vay của công ty không còn, anh sẽ giới thiệu “thân chủ” cho một môi giới quen ở công ty khác. Việc này chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu của NĐT để họ không “bỏ” mình mà đi chỗ khác. Khi NĐT thu được lợi nhuận thì cả anh Hiền và nhân viên môi giới được giới thiệu đều có thu nhập nên vui vẻ cả làng.
Quan trọng nhất để khách hàng tin tưởng và giao dịch liên tục, môi giới phải cung cấp những thông tin “độc” có liên quan đến các cơn sóng CP trên sàn. Khi đó, mối liên kết giữa các môi giới CK ở các công ty khác nhau đã được phát huy tác dụng.
Người viết đã từng được môi giới ở công ty S. nhắn tin “một nhóm NĐT đang đánh lên CP DIC với giá dự kiến trên 35.000 đồng. Hôm nay “đua” lệnh mua nhé”. Khi đó, giá DIC chỉ ở mức 23.000 đồng/CP và đến cuối phiên, giá tăng trần và bên bán trống trơn. Ngay hôm sau, một NĐT tên Hưng tại sàn SSI cho biết, anh cũng nhận được tin nhắn từ môi giới CK ở công ty P. khuyên nên mua DIC. Sự trùng hợp đó không phải là ngẫu nhiên vì liên tục sau đó DIC vẫn tăng trần và CP này rất khó mua được.
Còn theo Trúc, việc chia sẻ thông tin giữa một nhóm môi giới thân quen là chuyện bình thường. Ví dụ môi giới ở công ty T. nhắn tin cho Trúc nói thấy nhiều khách hàng bên này đang mua SSI và có thể giá sẽ tăng. Khi đó, Trúc cũng nói cho một số khách hàng của mình biết và tùy họ quyết định. Nhưng thông thường, một số NĐT nghe theo và từ đó cũng góp phần tạo lực đẩy giá CP này tăng lên trong những phiên sau. Hiệu ứng domino đã được lan tỏa khá nhanh chóng trên sàn. Mối liên kết này không chỉ dừng lại ở những thông tin trao đổi mua bán đơn thuần mà còn là kênh truyền tải các thông tin chưa chính thức, tin đồn... cho NĐT khá nhanh chóng và đôi khi khiến họ không kịp dừng lại để xem xét.
Thanh Niên
|